ClockThứ Năm, 08/09/2016 08:37

Phú Vang chưa khai thác đúng tầm du lịch

TTH - Với hơn 35 km bờ biển chạy qua 13 xã, thị trấn, Phú Vang trở thành một huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, đầm phá. Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với lợi thế.

Hoạt động du lịch biển ở Phú Vang còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu du khách

Dịch vụ đơn điệu

Mùa hè đã hết, những người làm dịch vụ du lịch biển ở Phú Vang năm nay chấp nhận “thua” vì sự cố ngoài ý muốn. Ngoài nguyên nhân khách quan, một hạn chế trong du lịch biển trên địa bàn huyện là các dịch vụ khá đơn điệu, chủ yếu là ăn uống, tắm biển trong khi dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng chưa được chú trọng. Ngoài bãi tắm Thuận An – Phú Thuận vừa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng trước mùa biển 2016 khá khang trang ra thì hầu hết hệ thống nhà hàng ở các bãi tắm khác như Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An… chỉ như những quán ăn bình thường phục vụ khách nội địa, có quy mô nhỏ, trình độ phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu do chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch. Có lần tôi chứng kiến một du khách hỏi ông chủ Nhà hàng Thứ về món ăn đặc trưng của Phú Vang, chủ nhà hàng giới thiệu một hồi cũng chỉ quanh quẩn các loại hải sản như tôm, cua, cá, sò… chế biến theo kiểu nướng, hấp, luộc, nấu cháo… Đó là những món ăn quen thuộc mà bất kỳ bãi biển nào cũng có, thậm chí không cần về biển cũng có thể ăn được. Vì thế, khi lên kế hoạch du lịch biển, đầm phá ở Phú Vang, du khách chỉ cần nửa ngày. Đó cũng là lý do để dịch vụ lưu trú ở đây gần như “tê liệt”.

Để du lịch biển, đầm phá là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhiều năm qua, huyện Phú Vang đã tập trung quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư tại các khu du lịch nghỉ dưỡng, như Tam Giang resort, Ana Mandara… Các đơn vị này cũng xây dựng được một số hoạt động như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề… ; tuy nhiên chưa thu được du khách và chưa tạo được bước đột phá.

Có nhiều ý tưởng

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Na, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin truyền thông huyện Phú Vang, hiện nay, ngoài các bãi biển, dịch vụ ăn uống trên nhà chồ giữa đầm phá ở đầm Chuồn, Vinh An tuy đã tạo được ấn tượng, nhưng cũng chỉ một buổi vui chơi là hết. Trong khi đó, nếu tận dụng được lợi thế ở các địa phương thì có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách bằng nhiều hình thức. Ở Đầm Chuồn, có thể tổ chức tuor dịch vụ homestay cho du khách với lịch trình: buổi sáng, tự làm bánh khoái cá kình ở chợ, rồi đạp xe đến tham quan làng nghề sản xuất nón lá, nấu rượu gạo ở An Truyền; buổi chiều, ăn hải sản trên nhà chồ; tối cùng ngư dân đánh cá, đổ nò trền đầm phá… Ở Vinh Thanh cần quảng bá mạnh hơn về khe nước ngọt, rừng phòng hộ hay những doi cát… Xã Phú Diên, ngoài giới thiệu di tích tháp Chăm, có thể tổ chức dịch vụ nướng cá trên bãi biển, câu mực đêm trên biển…; tổ chức các quầy bán hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống của địa phương, như nước mắm Phú Thuận, bánh ép Thuận An… Bà Ánh Na trăn trở: “Với những ý tưởng trên, chúng tôi tin có thể kéo dài thời gian của du khách khi đến với đầm phá từ một buổi thành 2 ngày. Nhưng rất khó vì thiếu kinh phí, nhất là việc đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường phục vụ du lịch trên địa bàn và các cơ sở lưu trú”.

Ông Nguyễn Bá Tán, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên cho biết, những ý tưởng như vậy, xã đã nghĩ đến, nhưng thực tế không đơn giản. Muốn làm dịch vụ nướng cá trên bờ biển, cần có lượng khách lưu trú nhất định, phải đúng dịp tàu cập bến... Các dịch vụ lớn như câu mực, câu cá lại cần đầu tư tiền tỷ để sắm tàu thuyền và chỗ neo đậu.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Phú Vang khẳng định: “Chúng tôi xác định du lịch biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương để tiếp tục đầu tư, nhất là việc quảng bá và xây dựng hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, muốn phát huy hết tiềm năng, cần có sự đầu tư lớn, vượt khả năng cấp huyện, cần có sự phối hợp vào cuộc của các ban, ngành cấp tỉnh”.

Để phát triển du lịch biển - đầm phá, huyện Phú Vang đã có kế hoạch kêu gọi nguồn lực từ tổ chức, cá nhân đủ khả năng đầu tư các loại hình du lịch, như xây dựng các khu du lịch cao cấp, resort, khách sạn, nhà nghỉ; đặc biệt đầu tư quảng bá các dịch vụ vui chơi, giải trí; khai thác các tour truyền thống và mở rộng một số tour mới… đảm bảo phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện và là vùng du lịch quan trọng của tỉnh.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế
80% du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025

Nền tảng tìm kiếm thông tin du lịch Skyscanner vừa công bố một báo cáo mới tiết lộ xu hướng du lịch năm 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó nổi bật là các vấn đề về xu hướng du lịch, chi tiêu cho du lịch, sở thích về điểm đến, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong du lịch và du lịch bền vững.

80 du khách APAC tiếp tục ưu tiên du lịch và chi tiêu cho du lịch trong năm 2025
Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Huế phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thiếu dịch vụ, hạ tầng giao thông, thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông là những trở lực khiến du lịch đường sông chưa thể bứt phá.

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông
Return to top