Vươn khơi
Năm 2015, Phú Vang hạ thủy 4 tàu công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67, gồm 2 tàu dịch vụ công suất 480 VC; 2 tàu đánh bắt công suất 666 CV và 822 CV với trị giá mỗi con tàu hàng tỷ đồng. Ngư dân Phan Văn Chinh, ở thị trấn Thuận An, chủ tàu 91667 TS công suất 666 CV hồ hởi: “Có tàu lớn, tôi đã chinh phục được những đàn cá dưới mực nước sâu từ 50 đến 70 mét. Đây là điều mà những ngày đầu mới theo nghề, tôi không dám mơ đến nên thật sự khó có thể diễn tả hết cảm xúc của ngư dân chúng tôi trước những mẻ cá lớn”. Ông Chinh là người đầu tiên ở Thừa Thiên Huế mạnh dạn đóng tàu công suất lớn trị giá hơn 8 tỷ đồng. Để có 30% vốn, tương đương 2,7 tỷ đồng ông Chinh quyết định bán 2 tàu công suất dưới 250 CV được hơn 1,2 tỷ đồng, cộng thêm toàn bộ tài sản gia đình tích lũy và huy động từ người thân. Tháng 3/2015, ông Phan Văn Chinh đã vươn khơi đánh bắt xa bờ bằng con tàu công suất lớn.
Đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 ở Phú Vang
Đặc thù của nghề đánh bắt là sóng càng to thì cá càng nhiều, nhờ tàu lớn, ngư dân bắt được những mẻ cá lớn, có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ... Ông Nguyễn Văn Bình, ở Phú Thượng chủ tàu 97127 TS công suất 822 CV khẳng định: “Có tàu lớn, chúng tôi ra khơi quanh năm, không sợ thời tiết xấu trong vụ bắc, lợi ích thấy quá rõ. Chi phí một tàu công suất lớn từ nguyên, nhiên liệu đến lực lượng lao động tăng gấp rưỡi tàu nhỏ, nhưng sản lượng lại tăng từ 3 đến 4 lần.”. Bên cạnh đó, huyện có đội tàu dịch vụ hơn 40 chiếc chuyên thu mua sản phẩm đánh bắt trên biển, tạo thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày.
Năm 2015, sản lượng đánh bắt ở Phú Vang đạt hơn 25,6 ngàn tấn tăng gần 7 ngàn tấn so với năm 2011. Dự kiến năm 2016, toàn huyện sẽ đóng mới 10 tàu công suất lớn, đến nay đã hoàn thành thủ tục vay vốn 4 tàu, trong đó 2 tàu dịch vụ có công suất 480 CV, 2 tàu đánh bắt công suất 822 CV.
Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững
Đến nay, việc quản lý nò, sáo trên đầm phá được thực hiện sắp xếp ổn định sản xuất; đồng thời cấp quyền khai thác thủy sản đầm phá cho các chi hội nghề cá để ổn định sản xuất và quản lý hiệu quả nguồn lợi thủy sản.
Để bảo đảm nuôi trồng theo hướng bền vững, huyện chỉ đạo bà con trước tiên tìm các giải pháp khắc phục biến đổi khí hậu. Đồng thời, thả nuôi đúng theo lịch thời vụ, nuôi một vụ ăn chắc; thường xuyên nạo vét hệ thống kênh cấp, thoát nước để chủ động cho việc nuôi trồng thủy sản; bố trí ao lắng cho các vùng nuôi tập trung; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước trong quá trình nuôi.
Diện tích nuôi trồng thủy sản của Phú Vang đến nay đạt hơn 2.650 ha, tăng 494 ha so với năm 2010 là 494 ha. Huyện phát triển nhanh mô hình nuôi xen ghép thân thiện với môi trường lên 2.265 ha, chiếm 95% diện tích nuôi, cơ bản khắc phục tình trạng dịch bệnh tôm do nuôi thâm canh. Tỷ lệ hộ nuôi trồng thủy sản có lãi đạt trên 80%; không còn hộ thua lỗ. Tổng sản lượng nuôi trồng ở Phú Vang năm 2015 đạt hơn 3.250 tấn. Huyện còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cơ sở tư nhân làm dịch vụ cung cấp thực phẩm, nước đá, xăng dầu, sửa chữa cơ khí, thu mua sản phẩm. Hiện nay, địa phương có 3 cơ sở chế biến nước mắm có thương hiệu ở Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An và có khả năng mở rộng quy mô, kết hợp sản xuất nhỏ trong hộ gia đình.
Ông Lê Thanh Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy Phú Vang khẳng định: “Nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản ở Phú Vang thời gian tới là tạo được bước đột phá trong khai thác hải sản. Trọng tâm là tăng sản lượng đánh bắt xa bờ và hải sản có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, giữ vững truyền thống khai thác gắn liền với bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Đến nay, tổng số tàu thuyền ở Phú Vang hơn 1.000 chiếc, với tổng công suất 82.012 CV. Trong đó, tàu có công suất từ 400 CV trở lên là 62 chiếc đáp ứng được nhu cầu đánh bắt xa bờ, kết hợp đánh bắt với bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
|
Hương Lan