ClockThứ Tư, 22/08/2018 08:43

Tại sao gọi xe dù?

TTH - Vấn đề là tại làm sao mà xe dù nó tồn tại một cách dai dẳng như vậy? Nó không chỉ đơn thuần là tại người hành nghề. Nó còn nằm ở lực lượng kiểm soát.

Nan giải “xe ké, xe chui”Bố trí điểm, bãi đỗ xe hợp lý

Tại sao lại gọi xe dù bến cóc? Bến cóc thì có thể hiểu được. Có lẽ nó cũng giống như quán cóc thôi. Không là quán không là nhà hàng. Nó mang tính tạm bợ, nương tựa vỉa hè. Vài cái bàn nhỏ, vài cái ghế nhỏ. Bán những món ăn nào đó thuộc thể loại vỉa hè. Ở chợ Đông Ba nổi tiếng của Huế có khái niệm lô bạ. Xét về ngữ nghĩa chắc nó cũng tương tự như quán cóc. Nghĩa là nó không chính danh. Nó không được đưa vào diện thiết kế ban đầu. Nó xuất hiện chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết một thực tế có nhiều người muốn buôn bán nhưng không có chỗ. Chính cái không chính danh này nó làm cho chợ trở nên “ken chặt”, chật chội, bức bí.

Thế còn tại sao gọi là xe dù ? Chắc từ này mới phát sinh trong thời hiện đại này thôi. Từ điển chưa chắc gì du nhập! Nhưng chúng ta có thể hiểu, cũng giống như quán cóc, lô bạ. Là không chính danh. Xe cũng kinh doanh vận tải đấy nhưng chưa chắc gì đã đăng ký kinh doanh. Mà như vậy là không hề bến bãi. Nó cứ chạy lòng vòng đón khách. Đã không chính danh nên bất cứ ai chạy xe dù cũng nơm nớp một nỗi lo. Lo các hãng xe làm ăn đàng hoàng “tố cáo”; lo khách mắng vì cứ chạy vòng vòng… Mà lo nhất là những người có quyền lực, được Nhà nước trao cho để kiểm soát ở lĩnh vực này. Đó là cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông.

Nếu xét về mặt kinh doanh là họ “kinh doanh lậu”, nghĩa là trái luật. Nhưng nếu xét về cảm xúc thì đôi khi chúng ta cũng dễ xúc động khi nghe họ kể chuyện hành nghề. Có khi đó là những người ít vốn không thể tự mình đứng ra thành lập một doanh nghiệp. Muốn “không dù” thì phải nương tựa vào một công ty vận tải nào đó, vào một hợp tác xã vận tải nào đó. Ngoài đóng phí hàng năm thì còn rất nhiều những điều kiện kinh doanh khác mà không dễ gì đáp ứng được. Ví dụ như muốn chạy chở khách du lịch thì cũng phải có chứng nhận hành nghề qua một lớp đào tạo. Muốn chở khách Tây thì cũng phải biết “hế lô hế la”. Rồi muốn chở khách thì phải có hợp đồng… Chúng ta thông cảm họ không phải là ủng hộ sự hành nghề trái phép mà chính là điều kiện để “gia nhập thị trường” đôi khi chịu quá nhiều áp lực cho những người ít vốn nhưng muốn khởi nghiệp. Và những người, vì miếng cơm manh áo, vì công ăn việc làm… nên “làm liều”. Xã hội trở nên không nền nếp bắt đầu từ những việc làm liều như vậy!

Vấn đề là tại làm sao mà xe dù nó tồn tại một cách dai dẳng như vậy? Nó không chỉ đơn thuần là tại người hành nghề. Nó còn nằm ở lực lượng kiểm soát. Chuyện họ kể rằng: đâu có dễ gì chạy dù. Muốn chạy dù đôi khi cũng phải “tế nhị” khi gặp lực lượng chức năng. Những câu chuyện họ kể phải lót tay thế này thế kia tôi không tin. Làm sao có thể tin được những lời nói mà không hề có chứng cứ. Nhưng khi phân tích vấn đề theo một logic là mối quan hệ về quyền lợi thì tôi lại nhận thấy rằng, chuyện lót tay, chẳng hạn, hay nói một cách khác là mối quan hệ này được trao đổi sòng phẳng bằng tiền bạc thì hoàn toàn có khả năng xảy ra, không nhiều thì ít.

Về phía người phạm lỗi, ở đây cụ thể là những người chạy xe dù: khi bị lực lượng chức năng phát hiện, rất có thể họ sẽ tìm mọi cách để xin được bỏ qua, trong đó có cả việc “lót tay”. Vì làm như thế sẽ có lợi cho họ. Ví dụ thay vì chịu phạt 1 triệu, họ sẽ lót tay dưới một triệu. Số còn lại vẫn lợi hơn chịu phát “giấy trắng mực đen”.

Về phía những người kiểm soát, không phải tất cả mọi người đại diện Nhà nước để thực thi pháp luật trong lĩnh vực này đều có đạo đức trong sáng cả; đều làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình cả. Với thu nhập và đồng lương mà Nhà nước trả còn thấp, ai dám chắc rằng trong một điều kiện khó kiểm soát và giám sát việc thực thi nhiệm vụ, khi được trao đổi việc phạm lỗi bằng tiền bạc thì họ không nhận? (điều này thực tế báo chí đã nêu nhiều).

Để giải quyết tận gốc điều này, chúng ta phải nghĩ đến giải pháp có một phương tiện kiểm soát thay thế. Thời buổi hiện đại như ngày nay, không thiếu gì phương tiện máy móc để thay thế hoàn toàn hoặc một phần làm điều này.

Vấn đề không chỉ là xe dù mà vấn đề lớn hơn là, nếu không làm tốt nó sẽ dẫn đến một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh. Mà một môi trường như vậy thì thị trường khó phát triển tốt như nó vốn có được.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phức tạp nạn “xe dù, bến cóc”

Không ít lần các cấp, các ngành chức năng địa phương đã dẹp nạn “xe dù, bến cóc” , nhưng thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn, ngang nhiên hoạt động.

Phức tạp nạn “xe dù, bến cóc”
Sợ nhất là hành vi kẻ cả

Bỏ qua một bên nguyên nhân là như thế nào, chúng ta cần nhìn nhận vụ việc đánh người của golfer này dưới góc độ văn hóa – văn hóa ứng xử.

Sợ nhất là hành vi kẻ cả
Có phải là nghịch lý?

Niềm tin của các doanh nghiệp (DN) châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam giảm trong quý III vừa qua.

Có phải là nghịch lý
Đừng sáo rỗng nữa…

Chủ tịch đề nghị: "Anh nào làm tốt nói làm tốt, anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải né, ngại"

Đừng sáo rỗng nữa…
Return to top