Tại Kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 25/4, khi trao đổi với các thành viên của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có đề cập đến một vấn đề như sau: “Trong báo cáo của các đồng chí, một số địa phương, một số ngành, một số dự án... Sao "một số" lắm thế? Người ta nói rằng "một số" ở đâu nhiều nhất thì bảo trong diễn đàn Quốc hội nhiều nhất đấy". Chủ tịch đề nghị: "Anh nào làm tốt nói làm tốt, anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải né, ngại".
Chúng ta có thể hiểu những phát biểu nói trên của Chủ tịch Quốc hội với hàm ý, thứ nhất khi đánh giá vấn đề phải đi vào cụ thể, không thể cứ nói chung chung. Thứ hai là phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật. Cái gì làm tốt, ai làm tốt phải nói cho cụ thể. Cái gì làm chưa tốt, ai làm chưa tốt phải nói cho rõ.
Cách nói chung chung, cách đánh giá chung chung chúng ta cũng có thể có một cách hiểu khác là sáo rỗng và ở mức độ nào đó có thể nói “vô thưởng vô phạt”. Cách đánh giá như vừa nêu cũng là một cách né tránh vấn đề, không nhìn thẳng vào sự thật. Trong điều hành công việc, kiểu đánh giá chung chung có thể để lại những hậu quả, thậm chí là nặng nề.
Hình như đó là một “bệnh” của nền hành chính chúng ta. Chúng ta cứ thực hiện cải cách mãi, nhưng kết quả thì không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nói thẳng ra là nền hành chính của chúng ta thực hành chưa tốt. Ai cũng có lý do để biện minh cho những ách tắc, giả sử vậy. Cách đánh giá chung chung chúng ta dễ nhận thấy nhất là trong các báo cáo tổng kết của các cấp, các ngành thuộc hệ thống hành chính Nhà nước. Một báo cáo thường phân ra làm nhiều mục. Mỗi mục như thế có các phần – đánh giá những mặt làm được và những mặt còn hạn chế; những bài học được rút ra và giải pháp phát huy những mặt tích cực và khắc phục hạn chế. Phổ biến trong các báo cáo là những mặt làm được, được kể lể rất dài. Nhưng những hạn chế thì chỉ đề cập ít, có khi chỉ vài dòng. Nếu tin rằng những báo cáo tổng kết theo kiểu như vậy là thực chất, có nghĩa là hệ thống hành chính làm việc của chúng ta rất tích cực, hiệu quả… Nhưng thực tế có phải vậy không? Chưa hẳn.
Nền hành chính vẫn được yêu cầu phải tiếp tục cải cách để tạo môi trường tốt cho các hoạt động kinh tế và xã hội diễn ra suôn sẻ. Tháo gỡ những ách tắc để giải ngân nhanh vốn đầu tư công vẫn tiếp tục thúc đẩy; bệnh quan liêu, cục bộ, cửa quyền ở đâu đó vẫn còn... Trong thực hành cũng như trong điều hành công việc, nếu không được đánh giá, nhìn nhận một cách cụ thể thì khó có thể đưa ra được những giải pháp cụ thể. Điều này, với bất cứ một nền hành chính nào cũng không cần vì nó không giúp ích được gì nhiều cho sự tiến bộ...
Nhưng muốn tránh tình trạng đánh giá chung chung, không cụ thể thì yêu cầu đầu tiên là phải định hướng công việc rõ ràng; nếu được cần phải lượng hóa bằng những con số cụ thể. Cùng với đó là sự phân công phân nhiệm rõ ràng. Nếu làm được như vậy, cứ nhìn vào kết quả công việc sẽ biết ngay ai làm tốt, làm tốt đến mức độ nào và ai làm chưa tốt, lĩnh vực nào làm chưa tốt. Nền hành chính rất cần sự cải cách hướng đến điều này. Tức là giờ đây, chúng ta phải phấn đấu cái gì cụ thể. Cụ thể để dễ nhận biết, để “sờ được, nắm được”. Trong hoạt động kinh tế lại cần hơn về điều này.
Nguyên Lê