ClockThứ Năm, 22/02/2018 14:19

Thăm đồng

TTH - Với nông dân trồng lúa, chọn “ngày tốt” sau tết để ra thăm đồng, theo dõi sinh trưởng cây lúa, đã trở thành một nét văn hóa nông nghiệp. Cây lúa từ khi xuống đồng đến khi thu hoạch cũng chứa chan bao niềm hy vọng của người nông dân.

Xe ôm chở hoa “bội thu” dịp TếtNăm “bội thu” của giáo dục Phú Lộc

Nông dân Quảng An (Quảng Điền) bón thúc cây lúa khi trời nắng ấm

Thời điểm lúa đẻ nhánh

Ông Trần Duy (phường An Đông, TP. Huế) cho biết, so với thời điểm cuối năm 2017, mưa rét kéo dài, thời tiết dịp tết nắng ấm nên đây là thời điểm thuân lợi để bà con nông dân bón thúc, giữ nước, giúp cây lúa đẻ nhánh đều.

“Sau tết, nếu đúng khung lịch thời vụ thì cây lúa sẽ đẻ nhánh. Kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa cho thấy, chăm sóc tốt vào giai đoạn này cây lúa sẽ mọc đều, cho năng suất vượt trội khi thu hoạch”, ông Duy nói.

Hộ ông Duy trồng hơn 1 mẫu lúa thịt với cơ cấu hai giống chủ yếu là Khang dân và TH5. Từ cuối năm 2017, làm đất xong, do đồng còn ngập nước, dù HTX và bà con nông dân đã tiến hành huy động máy móc để tiêu úng, nhưng sau khi sạ, khoảng 2 sào lúa của ông Duy đã bị chết, thiệt hại hơn 1 triệu đồng tiền giống. Tiếp đó, nhiều diện tích gặp mưa rét kéo dài khiến cây lúa chết lẻ tẻ trên ruộng.

Để chuẩn bị tốt cho cây lúa đẻ nhánh, ông Duy đã tiến hành làm cỏ ven chân ruộng, bón thúc đạm, NPK với tỷ lệ 15kg/sào chia làm 2 đợt trong tháng.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào sản xuất hơn 28 nghìn ha lúa và đã gieo cấy xong trước tết.

Tại huyện Quảng Điền, hàng năm bình quân đưa vào sản xuất khoảng 4.500 ha, vụ đông xuân này, dù đầu vụ, tiết trời không mấy thuận lợi, nhưng với nỗ lực của các HTX cùng bà con nông dân, nhiều diện tích lúa, không chỉ xuống giống kịp khung lịch thời vụ mà còn phát triển khá tốt.

Ông Trần Văn Thơm (HTX Phú Thạnh, xã Quảng Thành) chia sẻ, với 20 năm kinh nghiệm trồng lúa cho thấy, thời điểm sau tết, cây lúa đã bén rễ mạnh, đẻ nhiều cây con ở gốc lúa chính. Việc bón thúc cho lúa xanh, đẻ nhánh đều trên cây thời điểm này vô cùng quan trọng.

Nắng ấm đầu xuân, cây lúa phát triển mạnh cũng là lúc nhiều đối tượng hại lúa xuất hiện như chuột, sâu bọ cùng các loại bệnh như đạo ôn, bệnh tuyến trùng rễ, trắng lá…Việc thăm đồng trong giai đoạn này nhằm phát hiện sớm các loại sâu bệnh để chủ động phòng trừ kịp thời, giúp cây lúa cho năng suất cao và giảm chi phí sản xuất.

Ông Lê Thơm, Giám đốc HTX Phú Thạnh cho biết: “Toàn HTX vụ đông xuân năm nay đưa vào gieo cấy 250 ha lúa. Thời điểm trong tết, HTX khuyến cáo bà con sau khi xuống giống cần tiến hành bón lót, làm cỏ, trỉa dặm và tuyệt đối không bón phân khi trời rét. Từ ngày mồng 3 đến mồng 10 tết, tranh thủ nắng ấm, bà con nông dân đã đồng loạt ra đồng căm sóc cây lúa, bón thúc những loại phân phù hợp cho cây phát triển. Việc thăm đồng thường xuyên giúp khống chế, phát hiện sớm sâu bệnh gây hại”.

Nông dân ra đồng kiểm tra cây lúa đầu năm, cầu mong một mùa màng bội thu

Giống lúa mới phát huy

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quảng Điền thông tin, ngoài duy trì những giống lúa truyền thống như 4B, TH5, Khang dân ở một số HTX như Đông Phú (Quảng An), Phú Thạnh (Quảng Thành), Sịa 1… vụ đông xuân năm nay, địa phương đã mạnh dạn đưa vào sản xuất thêm những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như KH1, AX14, Ma Lâm 48, Thiên ưu 8… ở một số HTX trên địa bàn. Những giống lúa này qua quá trình khảo nghiệm với diện tích nhỏ trước đó, cho thấy phù hợp với vụ đông xuân do thời gian sinh trưởng dài và cho năng suất, chất lượng, giá thóc khô cao.

Đặc biệt, việc đưa vào sản xuất giống lúa chống chịu phèn, mặn ở những chân đất ven đầm phá, đã “giải được bài toán” chọn giống lúa mới phù hợp cho gần 1.000 ha lúa nằm ở các địa phương ven phá Tam Giang, chống biến đổi khí hậu.

Tại HTX An Xuân (xã Quảng An), Sịa 2 (thị trấn Sịa), hàng năm đưa vào sản xuất khoảng 550 ha lúa/vụ. Trong đó, có khoảng 120 ha diện tích nằm sát chân đầm phá, thường bị nhiễm chua phèn, cây lúa “chết non” gây thiệt hại cho bà con nông dân. Việc đưa vào khảo nghiệm thành công và triển khai vụ đông xuân năm nay đối với giống lúa KH1 trên vùng đất Quảng An, Sịa được xem là bước đột phá, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên diện tích trồng lúa tại địa phương này.

Năm 2017, Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện trồng thí điểm 10ha giống KH1 với 50 hộ dân là xã viên các HTX An Xuân, Sịa 2 tham gia trồng. Đây là giống lúa được triển khai thực hiện thông qua mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm phèn, mặn ven phá”.

Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống KH1 có thời gian sinh trưởng khoảng 115-117 ngày, phù hợp với vụ đông xuân; đẻ nhánh tốt, chiều cao trung bình, nhiều hạt, chất lượng gạo ngon.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục TT&BTTV tỉnh khẳng định, từ sự thành công một số mô hình điểm đầu tiên thử nghiệm các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng đất chua phèn, vụ đông xuân năm nay, tại một số HTX như Phú Thanh 2 (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang), Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền) vẫn tiếp tục đưa vào sản xuất các giống lúa mới như ML48, RVT. Đây là các giống lúa có khả năng thích nghi biển đổi khí hậu, mở ra triển vọng mang tính hàng hóa cho cây lúa.

Theo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 28,5 nghìn ha lúa. Thời điểm này, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục diện tích lúa bị trắng lá do ảnh hưởng mưa, rét; điều tiết nước hợp lý để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt và giữ ấm khi thời tiết mưa rét; nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra phun trừ bệnh đạo ôn khi bệnh mới xuất hiện; tiếp tục chỉ đạo diệt chuột bọ để hạn chế thiệt hại, giảm mật độ và lây lan.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Thăm, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 24/4, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã đến thăm và tặng quà một số chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Thăm, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Return to top