ClockChủ Nhật, 12/11/2017 08:46

Ứng xử

TTH - Nghĩa trang PBC nằm ở đường Thanh Hải. Con đường nhỏ cách Đàn Nam Giao chừng 200m về phía Bắc, dẫn lên đồi Quảng Tế.

Nghiêng trước, ngửa sau, rồi cuối cùng là rụng hẳn. Ai đó "thương tình" nhặt và dựa nó vào chân tường rào của ngôi nhà đầu đường Thanh Hải, để người quan tâm còn biết lối mà vào với Nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu (Nghĩa trang PBC). Chắc là cơ quan quản lý sẽ sớm dựng lại thôi. Chứ không lẽ cái gì cũng đợi báo chí lên tiếng mới nhúc nhích? Tôi nghĩ bụng. Nhưng rồi một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần, rồi cả tháng trôi qua, tấm biển cứ "ngồi bệt giữa đất" dựa lưng vào tường như vậy, trông tội nghiệp và phản cảm đến tệ...

Nghĩa trang PBC nằm ở đường Thanh Hải. Con đường nhỏ cách Đàn Nam Giao chừng 200m về phía Bắc, dẫn lên đồi Quảng Tế. Nơi đây có những tên tuổi nổi tiếng đang yên nghỉ: Nguyễn Chí Diểu, Nữ sử Đạm Phương, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn, nhà thơ Thanh Hải, liệt sĩ Lê Tự Nhiên, cụ Nguyễn Huy Nhu - tiến sĩ khoa thi Bính Thìn triều Khải Định, nguyên Giáo sư Hán học Viện Đại học Huế; Hồng Sơn Dã Mã Võ Thành Minh, nguyên Tổng ủy viên Hướng đạo sinh Đông Dương. Năm 2008, nghĩa trang đón thêm hài cốt của liệt nữ Ấu Triệu Lê Thị Đàn, được tìm thấy sau gần 1 thế kỷ thất tích… Nghĩa trang thành lập năm 1932, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 14/5/1990, theo Quyết định số 875/QĐ – VH của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Chuyện kể, trong thời gian cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp giam lỏng tại Bến Ngự (Huế), đồng bào trong nước đã quyên góp được số tiền khoảng 2.000 đồng gửi về giúp. Hai cụ Võ Liêm Sơn và Huỳnh Thúc Kháng đã dùng số tiền ấy mua một mảnh vườn trên dốc Bến Ngự dựng một ngôi nhà tranh nhỏ cho cụ Phan và mua thêm một mảnh đất rộng chừng 1 mẫu (5.000m2) nằm ở khu vực đồi Quảng Tế. Thoạt tiên, cụ Phan định thành lập một cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi. Do sợ cụ Phan gieo rắc tinh thần chống Pháp, chính quyền thực dân đã ngăn cản. Cụ Phan quyết định chuyển sang thành lập một khu nghĩa trang. Tấm bia quy ước do chính tay cụ Phan viết, nội dung nói rõ:   

“Một, người từng là đồng chí đồng sự với Châu, đến chết vẫn không thay đổi./ Hai, người tuy không đồng sự với Châu nhưng chắc chắn là đồng chí của Châu, đến chết vẫn không thay đổi./ Ba, người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa của Châu mà sẵn sàng hy sinh chịu đựng đau khổ, đến chết vẫn không thay đổi.

Có tư cách của ba hạng người trên mà không may qua đời xa quê ở thành Thuận Hóa, kính xin đem di hài đến an táng ở nghĩa địa này...”

Nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu là người đầu tiên được an táng tại Nghĩa trang PBC, vào năm 1939. Chuyện rằng, khi Nguyễn Chí Diểu qua đời vì bệnh sau thời gian dài bị quản thúc tại Huế, bọn mật thám ra lệnh phải chôn ông tại nơi chúng quy định. Xứ ủy Trung kỳ quyết không chấp nhận yêu sách đó nhưng chưa tìm được nơi an táng. Khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu trao đổi, cụ Phan lập tức xòe tay và chỉ ngay vào giữa lòng bàn tay bảo: “Rứa thì đem chôn Diểu ngay chính giữa khu nghĩa địa của tôi. Có chi rắc rối tôi chịu”. Năm 1941, tri huyện Hương Thuỷ từng sai người nhổ bỏ tấm bia, hòng xoá dấu tích khu nghĩa trang. Mãi sau Cách mạng Tháng Tám, tấm bia mới được dựng lại.

Nghĩa trang PBC thực sự là một di tích rất quý không chỉ của Huế mà của cả đất nước. Lẽ ra nếu được tôn tạo và tăng cường quảng bá thì đây sẽ là một điểm đến đầy cuốn hút và hết sức ý nghĩa. Tiếc là cho đến nay, di tích này vẫn chưa được đầu tư gì nhiều, có thể là do nguồn lực có hạn, Huế lại dày đặc di tích nên Nghĩa trang PBC phải xếp hàng chờ (?). Tuy nhiên, việc dựng lại tấm biển chỉ dẫn cho tử tế thì đâu có cần đầu tư gì nhiều? Gọi thợ, đấu nối và hàn, cùng lắm chừng trăm, hoặc hai trăm ngàn đồng...

Ở đây là câu chuyện để tâm coi sóc, là việc và ứng xử thế nào với một địa chỉ văn hóa nơi vùng đất văn hóa...

HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bản quy ước ứng xử văn hóa đầu tiên của thành phố Huế

Ngay sau khi tiếp nhận Chỉ dụ số 78, ngày 24/5/1945 của vua Bảo Đại, ông Nguyễn Lân, tức nhà văn Từ Ngọc, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm, hiện Giáo sư Trường Trung học Khải Định, lãnh chức Đốc lý thành phố Thuận Hóa và ông Bửu Điệp, Y khoa Bác sĩ, sung chức Phó Đốc lý (Theo Việt Nam Tân Báo, số 54, ra ngày 29/5/1945). Chức Đốc lý tương tự như chức Chủ tịch UBND thành phố ngày nay.

Bản quy ước ứng xử văn hóa đầu tiên của thành phố Huế
Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp sông Hương

Lần đầu tiên “Tri ân dòng Hương” với nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức ở nhiều điểm đoạn qua trung tâm thành phố. Ngoài hình thành một lễ hội văn hóa, đây cũng là dịp tôn vinh các giá trị của dòng sông cùng hình ảnh con người Huế thân thiện, mến khách, yêu thiên nhiên… ​

Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp sông Hương
Giới trẻ với văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Hiện nay, mạng xã hội (MXH) trở thành công cụ truyền thông, môi trường giải trí được nhiều người ưa thích, sử dụng hàng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực với những tiện ích vượt trội mà MXH mang lại thì việc sử dụng MXH trong giới trẻ cũng nảy sinh không ít vấn đề mà dư luận lo ngại.

Giới trẻ với văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Return to top