ClockThứ Sáu, 13/01/2017 09:13

Việt-Trung nhất trí thúc đẩy hợp tác thực chất

Hội đàm chiều 12/1 tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; thúc đẩy tiến độ hợp tác trên biển để phát ra tín hiệu tích cực có lợi cho quan hệ hai nước…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm chiều 12/1 tại Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN

Trước hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón chính thức theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia tại Đại lễ đường Nhân dân, với 21 phát đại bác để chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất

Tại cuộc hội đàm sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí cho rằng, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân hai nước.

Hai Tổng Bí thư nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước; phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; làm sâu sắc thêm hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật hai nước, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế.

Ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn nữa để giữ đà phát triển nhanh quan hệ thương mại Việt-Trung theo hướng ngày càng cân bằng hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mở văn phòng đại diện thương mại ở các địa phương Trung Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam như gạo, sắn, sản phẩm sữa và hoa quả đã qua chế biến; triển khai các dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như lai tạo giống lúa, cây trồng thích nghi hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; tích cực trao đổi sớm gia hạn Thỏa thuận hợp tác về đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển; tăng cường phối hợp quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, sông Hồng - sông Nguyên.

Hai bên cũng nhất trí sẽ tích cực bàn bạc các nguyên tắc và nội dung hợp tác cụ thể để sớm ký kết “Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên.

Đẩy mạnh hợp tác trên biển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, biển Đông là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt-Trung, tác động chi phối rất lớn đến sự tin cậy chính trị, tình cảm nhân dân và cục diện quan hệ hai nước, cũng như cục diện và tình hình khu vực, thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”, phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất “Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)”.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.

Hai bên nhất trí cần thúc đẩy tiến độ hợp tác trên biển để phát ra tín hiệu tích cực có lợi cho quan hệ hai nước; làm tốt các công việc tiếp theo sau khi hoàn thành khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và tích cực đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận.

Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng COC; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Tiệc trà đặc biệt 

Sau khi cùng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà thân mật. Đây là cử chỉ đặc biệt, chưa có tiền lệ, thể hiện sự coi trọng và thiện chí của nhà lãnh đạo hạt nhân của Trung Quốc mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Tại tiệc trà, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu và mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức các loại trà nổi tiếng của tỉnh Phúc Kiến; giới thiệu về tỉnh Chiết Giang - nơi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình từng công tác và lãnh đạo; trao đổi về chiến lược, chính sách và một số cột mốc phát triển quan trọng của Trung Quốc. Tối cùng ngày, ông Tập Cận Bình chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Ký 15 văn kiện hợp tác

Sau cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác song phương, trong đó có: 

- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Công thư trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng.

- Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025.

- Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật thương mại.

- Thỏa thuận hợp tác thả giống nuôi trồng nguồn lợi thủy sinh khu vực vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc.

- Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung, dài hạn giai đoạn 2017-2019.

Ngoài ra còn có các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, du lịch, xuất bản, phát thanh, sản xuất phim…

Theo Tiền phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm 2024, nhất là sau hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều này đủ để thấy, Ngân hàng Nhà nước coi đây là giải pháp quan trọng và xuyên suốt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ
Thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển

Du lịch tàu biển giữ vai trò quan trọng trong thu hút, gia tăng lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế. Đồng thời, góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp khai thác và giá trị cộng hưởng lợi ích cho địa phương.

Thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển
Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP

Từ tháng 10/2023, dự báo của Chính phủ mức tăng trưởng GDP năm nay vào khoảng 5%, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn được đánh giá đó là mức tăng trưởng khá cao so với khu vực.

Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng GDP
Return to top