ClockThứ Ba, 11/10/2016 05:11

“Một cửa” ở các xã vùng cao A Lưới

TTH - Mặc dù đã nỗ lực thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), nhưng đa phần bộ phận “một cửa” ở các xã vùng cao A Lưới còn thiếu nơi làm việc, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ tiếp nhận giải quyết hồ sơ còn nhiều bất cập.

Sơ sài

Tiếp chúng tôi tại bộ phận “một cửa” xã A Ngo, anh Nguyễn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC của xã, được tận dụng nhà bưu điện văn hóa xã trước đây do trụ sở không đủ diện tích làm việc”. Căn phòng chừng 15m2, vừa là bộ phận “một cửa”, vừa là nơi làm việc của các cán bộ chuyên môn. Do chật chội nên mỗi khi cán bộ nào tiếp dân, giải quyết công việc thì những cán bộ khác không còn chỗ để làm việc, rất bất tiện và ảnh hưởng đến công tác. A Ngo là một trong những địa phương nằm trong đề án mở rộng đô thị A Lưới đến năm 2020. Thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc ở đây vẫn quá thiếu thốn, bộ phận “một cửa” chưa có máy photo, máy fax, các cán bộ chuyên môn sử dụng chung một chiếc máy vi tính, nên nhiều lúc gây chậm trễ trong xử lý thủ tục.

Trang thiết bị phục vụ công việc của bộ phận “một cửa” xã Hồng Thủy quá thiếu thốn

Tương tự, bộ phận “một cửa” xã Hồng Thủy  – địa bàn xa xôi nhất của huyện A Lưới – cũng đang tận dụng cơ sở cũ của trường mầm non xây dựng từ những năm 1990 để làm việc. Không những nơi làm việc xuống cấp trầm trọng và không đúng quy cách, cán bộ giải quyết công việc cũng chật vật với các trang thiết bị hiện có. Cả bộ phận “một cửa” có hai chiếc máy vi tính thì một đã hư hỏng. Hỏi đến các trang thiết bị khác như máy photo, máy fax, bàn ghế phục vụ công việc và tiếp dân…, anh Bùi Viết Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy nói gọn: “Máy vi tính mà còn khó nói chi đến các trang thiết bị khác. Cán bộ “một cửa” ở đây gồm địa chính xây dựng, tư pháp hộ tịch, văn phòng thống kê và văn hóa xã hội nhưng chỉ có 1 chiếc máy vi tính để sử dụng chung”.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở: Thực tế hầu hết bộ phận “một cửa” các xã ở A Lưới chưa được đầu tư cơ sở làm việc đúng quy cách và đầy đủ các trang thiết bị. Hiện chỉ có bộ phận “một cửa” ở thị trấn và xã đạt chuẩn nông thôn mới cơ bản có trang thiết bị theo yêu cầu. Huyện rất trăn trở, nhưng nguồn vốn trung hạn đã bố trí hết. Nhiều lần UBND huyện đã đề xuất với tỉnh, tuy nhiên đến nay vẫn đang là vấn đề nan giải…

Vẫn thiếu nhân lực

Một vướng mắc khác trong thực hiện cơ chế “một cửa” cấp xã ở A Lưới là đội ngũ cán bộ làm việc kiêm nhiệm. Thậm chí có xã do luân chuyển cán bộ nên lãnh đạo UBND xã phải kiêm nhiệm công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC.

Lách qua khỏi đám đông đang đợi làm thủ tục chứng thực tại bộ phận “một cửa” ở xã Hồng Thủy, tôi tiếp xúc với anh Hoàng Văn Dơi, cán bộ tư pháp của xã đang đối chiếu nhiều bản sao và bản gốc các loại giấy tờ giao dịch. Anh Dơi thở dài: “Từ khi được phân cấp về hoạt động chứng thực, công việc của cán bộ tư pháp chúng tôi làm không xuể. Vừa đảm nhận công tác hộ tịch như kết hôn, khai sinh, khai tử, rồi thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch … không chỉ vậy còn phối hợp với cán bộ địa chính giải quyết những vấn đề tranh chấp đất đai, nay thêm việc chứng thực. Đúng là ngập đầu!”. Anh Hồ Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy vừa thoăn thoắt ký chồng hồ sơ chứng thực nằm trên bàn, vừa nói: Xã bố trí một Phó Chủ tịch UBND phụ trách công tác này để đảm bảo thời gian giải quyết. Khó khăn đối với cán bộ ở xã là khối lượng công việc tăng lên gấp bội nhưng điều kiện làm việc còn quá thiếu thốn.

Cùng chung những vấn đề khó khăn trên, anh Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết thêm, xã phải tăng cường thêm 2 cán bộ ngoài cán bộ tư pháp mới đáp ứng được yêu cầu chứng thực của người dân, nhất là lúc cao điểm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể tăng cường cán bộ thường xuyên được, vì mỗi cán bộ đều phụ trách chuyên môn riêng ở lĩnh vực của họ. Việc tồn đọng hồ sơ khi số lượng người giao dịch quá đông là điều khó tránh khỏi.

Không riêng xã A Ngo hay Hồng Thủy, trên địa bàn huyện A Lưới còn nhiều bộ phận “một cửa” cấp xã hoạt động trong điều kiện như vậy. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện được đầu tư xây dựng kiên cố nhiều trụ sở và số lượng công chức cấp xã được bổ sung hằng năm theo Nghị định 92/2009 của Chính phủ. Thực tế cho thấy, đa phần bộ phận “một cửa” cấp xã tại A Lưới còn thiếu nơi làm việc, trụ sở xuống cấp, không đúng quy cách, thiếu trang thiết bị và đội ngũ cán bộ tiếp nhận giải quyết hồ sơ làm việc kiêm nhiệm, còn nhiều bất cập. Những khiếm khuyết lớn chưa xảy ra, nhưng các vấn đề trên cần phải tính đến khi đồng loạt triển khai mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” ở cấp xã hiện nay.

Theo Quyết định 09/2015/QĐ-TTg, bộ phận “một cửa” nói chung, trong đó có “một cửa” cấp xã phải được trang bị các thiết bị: máy vi tính, máy photocopy, máy fax, máy in, điện thoại cố định, hệ thống bàn ghế làm việc và hệ thống ghế chờ cho công dân.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

TIN MỚI

Return to top