ClockThứ Hai, 03/04/2017 13:56

Cải tiến sản phẩm quà tặng: Bắt đầu từ bao bì đóng gói

TTH - Sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú với nhiều chất liệu khác nhau, song các sản phẩm lưu niệm và quà tặng “made in Huế” vẫn chưa hấp dẫn khách do các cơ sở chưa chú trọng đầu tư thiết kế bao bì đóng gói đáp ứng nhu cầu làm quà tặng cho khách.

Hầu hết các sản phẩm quà tặng bày bán đều chưa có bao bì đóng gói phù hợp

Nâng tầm thương hiệu

Là thương hiệu đặc sản Huế nổi tiếng có tuổi đời gần 40 năm, để khẳng định vị thế và thu hút khách, năm 2016, Công ty TNHH Thiên Hương đầu tư trên 2 tỷ đồng cải tiến mẫu mã và thiết kế bao bì đóng gói cho sản phẩm mè xửng. Với kinh phí trên 60 triệu đồng/mẫu, hiện các sản phẩm mè xửng của doanh nghiệp (DN) này đều có thiết kế mẫu riêng bằng hai chất liệu ni lông và giấy thân thiện môi trường. “Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phù hợp để làm quà tặng nên sản phẩm của chúng tôi đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, tiêu thụ khoảng 20 tấn sản phẩm/năm”, Giám đốc công ty, bà Hồ Thị Hoa chia sẻ.

Dù “sinh sau đẻ muộn” so với các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm trên địa bàn tỉnh, song các sản phẩm lưu niệm và quà tặng của Công ty TNHH MTV Can Studio đều đầu tư thiết kế bao bì đóng gói có tính thẩm mỹ cao. Những sản phẩm như đèn giấy, mô hình Đại Nội bằng pha lê khắc 3D, con Nghê, dụng cụ mở bia, móc khóa… đều sử dụng hộp hoặc túi giấy, túi ni lông có dán tem, tạo sự sang trọng cho sản phẩm nên được khách lựa chọn và đặt hàng.

Sản phẩm mè xửng Thiên Hương do được đầu tư thiết kế bao bì đóng gói phù hợp để làm quà tặng

Thiết kế viên của công ty, ông Nguyễn Văn Đủ khẳng định: “Tất cả những mẫu quà tặng, hàng lưu niệm mang thương hiệu Can Studio có mặt trên thị trường đều có bao bì đóng gói in lôgô nhận diện thương hiệu và thiết kế bắt mắt. Qua khảo sát thị trường, nhiều khách hàng muốn sản phẩm quà tặng phải có bao bì đẹp, trang nhã để thuận tiện trong việc vận chuyển và làm quà tặng. Nhiều du khách đã đến cửa hàng mua sản phẩm lưu niệm chỉ vì thích các bao bì và hộp đựng quà nên nếu đầu tư thiết kế mẫu bao bì, doanh số bán hàng của các DN chắc chắn sẽ tăng lên”.

Doanh nghiệp chưa chú trọng

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho biết: “Từ nguồn vốn của chương trình phát triển hàng lưu niệm và quà tặng của UBND tỉnh (Kế hoạch 140), sở đang tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống và đặc sản Huế đáp ứng nhu cầu làm quà tặng, trong đó ưu tiên hỗ trợ thiết kế, cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói cho các sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến cho 2- 3 cơ sở sản xuất hàng lưu niệm và quà tặng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách”.

Tại các chợ truyền thống, các điểm bán hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn TP. Huế, sản phẩm quà tặng có bao bì đóng gói thiết kế phù hợp, đẹp mắt rất khiêm tốn. Tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam ở 15 Lê Lợi, TP. Huế, nhiều sản phẩm như đồng mỹ nghệ, mây tre đan, gốm, tranh thêu, hoa giấy… sau khi trao cho khách đều được gói bằng túi ni lông thông thường hoặc bao bì thô sơ.

Sự cẩu thả này làm giảm giá trị thương hiệu, gây khó khăn cho du khách khi lựa chọn sản phẩm. “Mỗi lần ra Huế mình đều mua một vài sản phẩm lưu niệm về tặng bạn bè. Những chiếc rổ, rá làm bằng mây tre đẹp mắt hay các tượng đồng tinh xảo, song tiếc là các sản phẩm này không có bao bì phù hợp mà chỉ gói bằng túi ni lông nên rất khó làm quà tặng”, chị Thúy Hằng, du khách đến từ Vũng Tàu nói.

Theo bà Phạm Thị Diệu Hiền- Quản lý Trung tâm Văn hóa Phương Nam, ngoài sản phẩm gốm Phước Tích có bao bì làm bằng chất liệu đệm bàng, còn lại các sản phẩm quà tặng và hàng lưu niệm do các DN ký gửi tại trung tâm như đúc đồng, pháp lam, mây tre đan, tranh thêu…đều không có bao bì đóng gói mà chủ yếu đựng bằng túi ni lông thông thường. Đây là yếu điểm của quà tặng Huế so với sản phẩm của các tỉnh, thành trong nước, trong khi du khách rất muốn mua các sản phẩm có bao bì đóng gói đẹp, phù hợp với sản phẩm để sử dụng làm quà.

Giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế-bà Nguyễn Thị Thanh Trà cho rằng: “Trong lộ trình cải tiến và phát triển sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm, bao bì đóng gói luôn đóng vai trò quan trọng, làm tăng giá trị thẩm mỹ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một chiếc bao bì đẹp, gắn logo DN và được thiết kế bắt mắt sử dụng để gói sản phẩm chắc chắn sẽ thu hút khách hơn là gói bằng túi ni lông trơn. Tùy vào mức độ phát triển của DN và giá trị sản phẩm để đầu tư bao bì đóng gói, trong đó kinh phí đầu tư để thiết kế một mẫu bao bì đóng gói chuyên nghiệp có giá từ 5-50 triệu đồng/mẫu, tem nhãn từ 2-5 triệu đồng/mẫu”.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top