ClockThứ Ba, 28/05/2019 14:32

“Đại sứ” trong phòng, chống bạo lực học đường

TTH - Ngăn chặn bạo lực học đường (BLHĐ) là trách nhiệm của cộng đồng, trong đó, có vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm (GVCN), luôn được coi là linh hồn của lớp, được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em.

Hướng đến việc phòng, chống có hiệu quả bạo lực học đườngBạo lực gia đình là nguồn cơn của bạo lực học đường

Học sinh được tư vấn từ tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Hai Bà Trưng.  Ảnh: Lê Thọ 

Đáng lo & đáng suy nghĩ

Giữa tháng 4/2019, một nam sinh lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. Huế) bị 3 thanh niên cùng trường chém trọng thương phải nhập viện cấp cứu. Theo thông tin ban đầu, T. được 1 nam sinh khác học lớp 12 cùng trường gọi ra nói chuyện sau giờ học ở trường. Trong lúc nói chuyện, T. bất ngờ bị 3 nam sinh rút dao ra chém liên tiếp nhiều nhát vào người. Em T. được đưa đi cấp cứu.

Câu chuyện không quá hiếm hoi vừa nêu cho thấy, điểm chung ở những vụ BLHĐ là mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ không diễn ra đơn lẻ mà có cả "hội đồng" và đáng báo động ở Huế. Sau vụ việc, nhiều người đề cập tới trách nhiệm của nhà trường, GVCN trong việc quản lý giáo dục học sinh. Bởi lẽ, mọi người vẫn cho rằng, giá như trước đó GVCN được học sinh tin tưởng, xem như những người bạn đồng hành cùng sẻ chia, tâm sự thì hẳn những xích mích của tuổi mới lớn sẽ được xoa dịu...

Cuộc sống hiện đại, không ít bậc bố mẹ mải mê làm ăn nên không có thời gian quan tâm đến con cái. Nhiều em sống trong đơn độc khi bố mẹ ly hôn nên suốt ngày ngập trong thế giới ảo, rơi vào tình trạng bế tắc, mất phương hướng…Vì vậy, giáo viên còn phải là nhà tư vấn tâm lí cho học trò mỗi khi các em gặp rắc rối trong đời sống sinh hoạt và tình cảm. Nhiều GVCN kể rằng, lúc nào họ cũng khư khư ôm máy điện thoại vì có thể trò chuyện với các em qua facebook, zalo... Không chỉ tư vấn trực tiếp, các em có thể gửi email, điện thoại để được giải đáp những âu lo mà các em gặp phải.

Vai trò gắn kết

“Nhiều em không vượt qua nổi áp lực, có nhu cầu giãi bày những tâm sự giấu kín. Có em viết thư cho tôi dài lắm như để giải tỏa nỗi ấm ức, dồn nén trong lòng. Lắng nghe, chia sẻ là cách mà chúng tôi làm được cho học trò của mình trong lúc các em đơn độc”. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường, cô giáo Trần Thị Kim Oanh chia sẻ.

Theo nhiều GVCN có kinh nghiệm, muốn quản lý được học trò, cần để mắt thường xuyên và khoanh vùng những học sinh có cá tính mạnh, có hoàn cảnh đặc biệt; từ đó, tiếp cận và chia sẻ với các em. “Chúng tôi phải xây dựng được một nhóm học sinh đắc lực. Các em sẽ nắm bắt ý định của nhóm học sinh có cá tính đang ngầm thực hiện sau lưng thầy cô giáo. Khi GVCN kết nối được mạng lưới thông tin nhạy bén thì các ý định gây bão của học trò khó có thể “lọt lưới”. Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, giáo viên Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, bày tỏ.

Không chỉ học sinh mà sự gắn kết ấy còn có cả phụ huynh. GVCN khuyến khích phụ huynh chủ động nhắn tin, gọi điện khi có những vướng mắc trong giáo dục con mình để cùng phối hợp giải quyết. Chị Nguyễn Thị P. có con học lớp 8 Trường THCS H.V cho biết, chị cảm thấy ngỡ ngàng khi cô giáo biết rất nhiều điều về con mình. Con bé cứ thích đua đòi, theo bạn bè xấu ở bên ngoài. Bố mẹ nói mãi không nghe, nhưng chiều nào cô trò cũng nhỏ to tâm sự, dần dần em đã chú tâm vào việc học”.

Chế độ đặc thù dành cho GVCN

Trong khi các giáo viên bộ môn chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ dạy học thì phần lớn trách nhiệm giáo dục lại đổ lên vai GVCN. Làm chủ nhiệm lớp đồng nghĩa với việc “bảo mẫu” cho mọi vấn đề phát sinh từ chuyện học, chuyện chơi, chuyện giao tiếp, ứng xử, chuyện vi phạm nội quy đến đạo đức…GVCN phải gánh một trọng trách lớn là bắc chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Học sinh vắng học, GVCN lo gọi về cho gia đình. Học sinh bỏ học, lo đi vận động. Học sinh chưa ngoan, lo mời phụ huynh làm việc…

GVCN ở các trường chủ yếu kiêm nhiệm. Họ chưa qua một lớp đào tạo kỹ năng quản lý, tâm lý bài bản nào mặc dù đóng vai trò quản lý, chuyên gia tâm lý trong lớp học. Ngay trong chương trình đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm cũng chưa có môn công tác chủ nhiệm, chỉ lồng ghép trong học phần giáo dục sư phạm. Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục cần phải quy định sao cho người làm công tác chủ nhiệm được tôn trọng, yên tâm và vinh dự khi làm nghề. Đồng thời, GVCN cũng cần được hưởng chế độ lương bổng đặc thù.

Vẫn biết làm công tác chủ nhiệm vất vả đủ bề, thế nhưng, với nhiều người, trong đời giáo viên nếu không một lần đảm trách công tác này thì niềm vui vơi đi phân nửa. Làm chủ nhiệm là cả một nghệ thuật, ý kiến ấy không sai!

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Return to top