ClockThứ Tư, 28/03/2018 15:30

Không ai có quyền bắt cô giáo quỳ

TTH - Ngay cả khi cô giáo sai, bản thân cô giáo cũng không được quyền cho phép mình làm việc đó. Vì như thế là cả nền giáo dục bị xúc phạm. Một tổn thất lớn cho cả xã hội!

Hai nhà giáo được phong tặng nhà giáo ưu túNhà giáo nên bao gồm cả cán bộ quản lý đã từng đứng lớp giảng dạy

Câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi ở Bến Lức - Long An vẫn chưa giải quyết xong, dư luận vẫn đang chờ kết quả xử lý vụ việc nhức nhối này, thì lại một cô giáo khác bị bắt quỳ, vừa xảy ra ở Trường mầm non Việt - Lào, TP. Vinh (Nghệ An) hôm 22/3. Ở Long An (ngày 28/2) là cô giáo tiểu học, phải quỳ gối xin lỗi như một đứa học trò, trước bốn vị phụ huynh tại phòng hiệu trưởng. Còn lần này, đau đớn hơn, là một cô giáo mầm non, phải quỳ gối trước đứa học trò bé tí để xin lỗi.

Trước khi bắt cô giáo quỳ gối, người phụ huynh này, xót xa thay cũng là một phụ nữ, đã xông vào túm tóc và đạp vào bụng cô giáo. Cô cầu xin đừng đánh vào bụng vì đang mang thai, nhưng người mẹ kia vẫn không buông tha và yêu cầu “nếu quỳ xin lỗi thì tha, nếu không sẽ đập cho chết”. Và cô giáo mầm non trẻ tuổi đang thời kỳ tập sự nghề dạy trẻ, cho biết vì bảo vệ đứa con trong bụng mà đành phải quỳ gối trước đứa học trò nhỏ bé của mình: “Cô xin lỗi cháu!”. Có lẽ đứa học trò bé xíu ấy cũng không thể hiểu vì sao cô giáo lại quỳ gối xin lỗi như một đứa trẻ bị bố mẹ phạt vì hư.

Thời điểm xảy ra sự việc, cô giáo mầm non đang mang thai 13 tuần. Công an TP. Vinh cho biết, người mẹ cháu bé đã thừa nhận việc đánh và bắt cô giáo quỳ. Cũng như người cha phụ huynh ở Long An, bà mẹ này cũng tỏ ra hối lỗi, nhưng nỗi đau họ gây ra đâu chỉ cho một mình cô giáo, nên tổn thất này thật khó mà khắc phục đơn giản như thế!

Cơn phẫn nộ của dư luận cả nước vẫn chưa nguôi về việc “bắt cô giáo quỳ” ở Long An, giáo giới cả nước đồng loạt phản đối quyết liệt, Bộ GD-ĐT cũng lên tiếng đề nghị xử nghiêm sự việc, chính quyền huyện Bến Lức và tỉnh Long An cũng vào cuộc mạnh mẽ. Vị phụ huynh tệ hại ở Long An đã bị dư luận lên án nặng nề và Đảng ủy xã đề nghị khai trừ Đảng.

Khi vụ việc ở Long An diễn ra, một cô giáo ở TP. Hồ Chí Minh viết trên Báo Tuổi Trẻ: “Hôm nay cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh, liệu sau này phụ huynh có tiến xa hơn bắt cô giáo quỳ xin lỗi học sinh?”. Cô giáo này vẫn hy vọng rằng việc bắt giáo viên xin lỗi học sinh là điều rất khó xảy ra, và lo xa “liệu sau này...”. Vậy mà chỉ chưa đầy một tháng thôi, chuyện đau lòng đó đã xảy ra.

Có thể vị phụ huynh ở TP. Vinh chưa biết đến câu chuyện Long An, dù báo chí và mạng xã hội râm ran nỗi bức xúc này suốt cả gần tháng qua. Nhưng khá nhiều vụ việc phụ huynh bị pháp luật trừng phạt vì hành hung giáo viên trong thời gian qua thì thật khó tin rằng vị phụ huynh ấy không biết. Nhưng vì sao, họ vẫn tiếp tục thản nhiên làm việc đó, ngay trong trường học, trước mặt đông đảo học sinh và giáo viên? Có phải vì pháp luật chưa trừng phạt nghiêm khắc hành vi phạm pháp này đã xảy ra trước đó? Hay là vì người thầy giáo đã bất lực trước sự xúc phạm của kẻ hung hãn, tạo thành một tiền lệ xấu khiến cho phụ huynh bắt nạt họ một cách dễ dàng?...

Chính quyền huyện Bến Lức - Long An đã xác định cô giáo ở đó đã vi phạm những điều giáo viên không được làm theo quy định tại điều lệ trường tiểu học (đánh và bắt học sinh quỳ). Cô giáo ở TP. Vinh thì cho biết, cô không hề đánh cháu bé bầm tím như lời cáo buộc của bà mẹ và công an đang làm rõ việc này. Nhưng ngay cả khi cô giáo sai, thì  phụ huynh cũng không được phép xông vào đánh cô, và nhất là, không thể buộc cô giáo quỳ gối xin lỗi học trò mình.

Không ai được quyền bắt người thầy quỳ gối trước học trò của mình, ngay cả bản thân người thầy đó, dù họ có lỗi, và dù họ tự thấy mình phải xin lỗi. Người thầy sai thì đã có nhà trường, đã có ngành giáo dục, đã có pháp luật của Nhà nước xử phạt. Người xử phạt thầy giáo không thể là phụ huynh, không có một luật pháp trên thế giới, từ ngàn xưa đến nay, quy định như thế. Không có đạo lý nào, từ đông tây kim cổ, cho phép phụ huynh hạ nhục người thầy, nhất là sỉ nhục họ ngay trước mắt học sinh.

Một năm trước, tháng 3/2017, tại Thừa Thiên Huế cũng đã diễn ra một phiên tòa xét xử ba cô gái trẻ vì tội xúc phạm và hành hung một cô giáo tiểu học ngay trên bục giảng, trước mặt 32 học sinh lớp 4 của cô, vì một nghi ngờ cá nhân, không liên quan gì đến công việc dạy học của cô. Các cô gái dại dột đó đã bị lãnh án tù giam, tù treo, cảnh cáo, nhưng tổn thất của cô giáo vẫn không thể nào khắc phục được.

Đã đến lúc cả xã hội phải lên tiếng mạnh mẽ để pháp luật phải trừng phạt nghiêm minh hơn, đạo đức phải phán xét nhức nhối tâm can người gây tội. Rằng, việc làm đó không chỉ phạm pháp mà còn thất đức, không chỉ gây tổn thương người thầy mà còn hủy hoại nhân cách đứa con của chính họ!

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân

Công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực; qua đó, góp phần giải quyết, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo an ninh, chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân
Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Người nông dân có quyền làm giàu trên mảnh đất của mình

5 năm qua, công tác hội và phong trào nông dân toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Nhiệm kỳ mới, Hội Nông dân (HND) tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng và nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhằm góp phần cùng với toàn tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Về những kết quả nổi bật của công tác hội và phong trào nông dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá:

Người nông dân có quyền làm giàu trên mảnh đất của mình
Return to top