ClockThứ Tư, 21/08/2019 08:55

Không phí hoài... cọng rác - Kỳ 3: Cần biến rác thành điện & tiền

TTH - Để giải bài toán rác sinh hoạt trên địa bàn đòi hỏi phải xử lý triệt để, tiết kiệm, bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương. Đây là vấn đề đặt ra cho cả hệ thống chính trị và hành động thường xuyên, có trách nhiệm của mỗi người dân.

Không phí hoài... cọng rác – kỳ 2: “Chật vật” công trình xử lýKhông phí hoài... cọng rác - Kỳ 1: Dấu ấn "Ngày Chủ nhật xanh"

Sử dụng sản phẩm thân thiện và có trách nhiệm với từng cọng rác thải ra, là làm lợi cho môi trường, kinh tế

Triển vọng từ hai dự án lớn 

Dẫu còn những tồn tại nhất định, song phải thừa nhận thời gian qua, việc quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn đã giải quyết được vấn nạn về rác sinh hoạt có mặt nhiều nơi, nhất là những điểm đen ô nhiễm vì rác.

Nếu xem xét những bất cập của phương thức xử lý bằng chôn lấp, như kinh phí đầu tư, tuổi thọ, chi phí vận hành, lãng phí đất đai và hệ lụy về môi trường, có lẽ không ai muốn đi vào "vết xe đổ" lần hai.

Hiện, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn gia tăng từng ngày, sức chứa các bãi chôn lấp dần thu hẹp, tỉnh đã cân nhắc, chọn nhà đầu tư có năng lực kinh tế, có kinh nghiệm và trách nhiệm để tiếp tục dự phần đầu tư vào dự án Khu xử lý CTR Phú Sơn. Đây là dự án được tỉnh kỳ vọng, đặt ưu tiên số 1 để giải quyết cơ bản bài toán khó về rác thải cho địa phương, bằng những kỹ thuật công nghệ, hệ thống dây chuyền biến rác thành điện.

Theo thuyết minh của chủ đầu tư - Công ty China Everbright International Limited (gọi tắt Everbright) về dự án, nếu Nhà máy xử lý CTR Phú Sơn hoạt động với công suất xử lý 400 tấn rác/ngày đêm sẽ có công suất phát điện 7,5MW; nếu công suất xử lý 600 tấn/ngày đêm, công suất phát điện sẽ là 12MW. Lượng rác thừa sau đốt còn lại khoảng 7%. Chính những con số ấn tượng này mà tỉnh hiện đang đốc thúc hỗ trợ các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, hệ thống hạ tầng điện, nước... tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng, đưa nhà máy đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Song song với dự án này, tỉnh đang bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng giai đoạn 1 Khu xử lý chôn lấp CTR Hương Bình (TX. Hương Trà) - dự án ưu tiên số 2, phục vụ xử lý rác cho các huyện khu vực phía Bắc tỉnh từ sau năm 2022.

Biến rác thành tiền

Theo quy hoạch quản lý CTR tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hai dự án được ưu tiên số 1 và số 2 sẽ là: Khu xử lý CTR Phú Sơn có quy mô diện tích 56ha, với công nghệ xử lý đốt rác phát điện và Khu xử lý CTR Hương Bình có quy mô diện tích hơn 40ha, với công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh. Chi phí cho các khu liên hợp xử lý được xây dựng tại Phú Sơn, Hương Bình ước khoảng 500 tỷ đồng trong tổng nhu cầu vốn cho toàn quy hoạch CTR đến năm 2030 ước khoảng 1.191 tỷ đồng.

Bên cạnh việc biến rác thành điện, ý tưởng biến rác thành tiền cũng được tính đến từ sau "Ngày Chủ nhật xanh" ở địa phương ra đời. Theo các chuyên gia, nếu làm tốt khâu tiết giảm, phân loại rác tại nguồn để tái sử dụng, tái chế, lượng rác cần xử lý sẽ giảm đáng kể, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, môi trường và xã hội. Bởi giá chi phí xử lý rác sinh hoạt không hề nhỏ, bình quân 395 nghìn đồng/tấn (giá thời điểm hiện tại). Nếu nhà máy xử lý 400 tấn/ngày đêm, ngân sách phải chi khoảng 57 tỷ đồng/năm; nếu hợp đồng nâng công suất xử lý lên 600 tấn/ngày đêm, chi phí sẽ tăng lên hơn 86,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra chưa kể chi phí thu gom, vận chuyển...

Trở lại câu chuyện các bãi chôn lấp, nếu rác được phân loại tại nguồn, không chỉ lượng rác đưa đến bãi xử lý giảm mà còn kéo dài "tuổi thọ" cho nhiều bãi chôn lấp. Đề cập đến vấn đề này trong buổi họp báo cáo tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Phú Sơn vào ngày 16/7/2019, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, lâu nay các địa phương phân loại rác nhưng chưa có mục tiêu, nên chưa đem lại kết quả mong đợi. Vì thế, phải xác định rõ mục tiêu xử lý để phân loại rác đáp ứng yêu cầu nơi tiếp nhận. Chẳng hạn xác định cung cấp rác cho nhà máy xử lý CTR Phú Sơn của Công ty Everbright, phải phân rác thành 2 loại: đốt được và không đốt được, dứt khoát không phân loại rác 2 lần.

Việc phân loại này chắc rằng không khó khi "Ngày Chủ nhật xanh" lan tỏa, trở thành nếp nghĩ, nếp làm của người dân, cộng đồng xã hội. Và câu chuyện để rác thải biến thành tiền đã, đang thành hiện thực ở Thừa Thiên Huế.

Ấn tượng nhất là mô hình "Ngôi nhà xanh- tiếp sức đến trường" mà Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai lồng ghép cùng Ngày Chủ nhật xanh. Đến cuối tháng 7 vừa qua, mô hình đã xây dựng 50 ngôi nhà xanh thu gom hàng chục nghìn vỏ lon, chai nhựa tái chế. Tổng số tiền quyên góp cho quỹ tiếp sức đến trường hơn 101 triệu đồng.

Tương tự, phường An Đông (TP. Huế), các chi hội phụ nữ ở huyện Quảng Điền... cũng đã thu gom vỏ lon, chai nhựa, giấy loại bán gây quỹ để mang lại món quà ý nghĩa, tiếp sức cho những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường.

"Ngày Chủ Nhật xanh" không chỉ dừng lại việc thu rác vệ sinh môi trường mà còn khơi nguồn, tạo hành động với thói quen "Nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó phân hủy". Một số địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thiết thực về phân loại, tận dụng, tái chế từ rác nhựa, vỏ lon, kim loại, giấy loại... bán được; rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng; sản xuất, tái chế sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường từ những sản phẩm lấy từ thiên nhiên như ống hút, giỏ từ cỏ bàng, nón từ lá bàng, đồ dùng, nón từ tre, cói...

​​​​​​​Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để nhặt rác là một loại phản xạ có điều kiện

Ngày 22/11 vừa qua, tại Nhật Bản đã diễn ra một sự kiện thể thao rất độc đáo và thú vị - Giải Vô địch thế giới về nhặt rác (Spogomi World Cup) với sự tham dự của 21 đội đến từ khắp nơi trên thế giới. Spogomi là từ kết hợp giữa “sport” (thể thao) và “gomi” (tiếng Nhật có nghĩa là rác). World Cup Spogomi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 với quy mô trong nước, nhằm khuyến khích mọi người dọn dẹp không gian công cộng.

Để nhặt rác là một loại phản xạ có điều kiện
Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

Ngăn ngừa các yếu tố độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động (NLĐ), tăng hiệu quả phòng, chống tai nạn lao động và giảm nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) chú trọng triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc.

Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
Chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Sáng 22/6, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh.

Chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

TIN MỚI

Return to top