ClockThứ Ba, 20/08/2019 13:15

Không phí hoài... cọng rác – kỳ 2: “Chật vật” công trình xử lý

TTH - Nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng tăng và hơn 90% lượng rác toàn tỉnh đang được xử lý bằng chôn lấp, song hạ tầng trong tình trạng xộc xệch, quá tải.

Bãi chôn lấp rác Hương Phú (Nam Đông) vận hành chưa đảm bảo

Quá tải 

Bãi rác Phong Thu (Phong Điền) đã quá tải, lẽ ra phải đóng cửa từ cuối năm 2018, nhưng hiện phải "nhồi nhét" để xử lý khoảng 19 tấn rác mỗi ngày. Dù cố gắng kéo dài tuổi thọ, nhưng do không được vận hành đảm bảo theo yêu cầu như phun xịt khử mùi, lấp đất, xử lý nước rỉ rác, nên lượng rác ngày càng bành trướng ra tuyến đường dân sinh, nước rỉ rác theo khe suối đổ về khu dân cư khiến nhiều hộ dân bức xúc, lo lắng ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.

Mặc dù được đầu tư quy mô với kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng, trên diện tích đất 1,32ha, nhưng quy trình vận hành, chôn lấp của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt Hương Phú (Nam Đông) khá thô sơ, chưa phù hợp với thực tế địa phương, như thời gian chôn lấp, vật liệu phủ rác...

Ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Nam Đông thừa nhận, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt Hương Phú hiện đang giao Phòng TN&MT huyện quản lý, trong khi chức năng của phòng không đủ chuyên môn, nhân lực để đảm trách. Chính quyền địa phương đang khó về kinh phí để thuê đơn vị "có nghề", dẫn đến khâu quản lý vận hành hiện nay thiếu đồng bộ, không chuyên nghiệp đã nảy sinh nhiều hệ lụy, nhất là lượng rác sắp đến ngày càng nhiều lên khi huyện đang tăng các điểm thu gom.

"Dự kiến thời gian sử dụng đến năm 2025 với tổng lượng rác tiếp nhận hơn 30.000m3, nhưng nếu bãi chôn lấp rác Hương Phú không được vận hành bài bản, kết hợp phân loại rác tại nguồn để giảm lượng vận chuyển, chôn lấp, chỉ trong vài năm tới, bãi sẽ nhanh lấp đầy" - ông Hoàng nói.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, trong 8 bãi chôn lấp trên toàn tỉnh, ban đầu phê duyệt, các bãi chôn lấp đều được xây dựng theo tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, sau khi đưa vào vận hành, hầu hết các bãi chôn lấp đều không được thực hiện đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật sau khi bàn giao công trình về các địa phương vận hành, điều hành quản lý, nên nhiều bãi chôn lấp hợp vệ sinh trở thành bãi chôn lấp ô nhiễm, bị khiếu kiện.

Nguyên nhân khác do nhiều bãi không còn phù hợp yêu cầu quy hoạch từ bãi rác tươi đến khu dân cư phải đảm bảo khoảng cách 1.000m, không đạt tiêu chuẩn về môi trường trong vận hành, xử lý. Đây cũng là lý do bãi rác Lộc Thủy (Phú Lộc) phải tạm ngưng hoạt động gần 2 năm nay; bãi rác Thượng Nhật (Nam Đông) đang thực hiện giai đoạn 1 dự án đóng cửa bãi; bãi chôn lấp rác Quảng Lợi (Quảng Điền) chưa nhận được độ tin cậy trong vận hành xử lý từ cơ quan chức năng...

Giai đoạn năm 2013-2018, một số bãi như: bãi chôn lấp chất thải rắn số 1 Thủy Phương, bãi rác Khe Tre (Nam Đông), bãi rác thị trấn Sịa (Quảng Điền), bãi rác xã Phú Hải (Phú Vang)... được Bộ TN&MT liệt kê vào danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng cần xử lý triệt để sau khi lấp đầy do không có hệ thống chống thấm, thu nước rỉ rác, lấp đất đảm bảo.

Tiến thoái lưỡng nan

Dõi theo công tác đầu tư hệ thống xử lý rác thải trên địa bàn, đáng buồn là dự án bãi chôn lấp rác trơ (rác thừa sau xử lý) ở xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) do Sở TN&MT làm chủ đầu tư có kinh phí 22 tỷ đồng sau hơn 4 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành. Công trình này sau khi hoàn thiện đi vào hoạt động sẽ phục vụ chôn lấp rác trơ (khoảng hơn 10% rác sau đốt của Nhà máy xử lý chất thải rắn Thủy Phương) với dung tích bãi chứa 150.000m3.

Trong lúc đó, hiện Nhà máy xử lý chất thải rác của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang ngưng hoạt động. Liệu cần chuyển đổi công năng, quy mô của bãi này để phù hợp thực tế, tránh lãng phí đầu tư là điều cần được bàn tính, cân nhắc.

Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp đưa bãi chôn lấp rác trơ nói trên vào phục vụ chôn lấp rác tươi sau khi bãi chôn lấp rác số 2 Thủy Phương đóng cửa vào khoảng cuối năm 2020, thì dung tích chứa của nó chỉ phục vụ chôn lấp trong khoảng 7 tháng.

Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, muốn chuyển đổi công năng sang xử lý rác tươi, chủ đầu tư cần hạ độ sâu đáy và nâng cao đê bao để tăng dung tích chôn lấp; đồng thời phải đầu tư thêm hạ tầng, hệ thống xử lý nước rỉ rác theo quy định.

Cùng "số phận" trên, hiện bãi chôn lấp rác Lộc Thủy cũng lâm cảnh tạm ngưng hoạt động gần 2 năm nay sau khi hàng chục hộ dân phản đối quyết liệt do ô nhiễm. Bãi chôn lấp này có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 36 tỷ đồng, dự kiến còn vận hành thêm hơn 30 năm nữa. Nếu muốn tiếp tục, tỉnh phải đầu tư thêm khoảng 10 tỷ đồng để xây lò đốt rác và chi thêm khoảng 71 tỷ đồng để di dời các hộ dân trong phạm vi cách nhà máy 1.000m (UBND huyện Phú Lộc đã chi 26 tỷ đồng để di dời 36 hộ dân trong phạm vi 300m và còn 62 hộ trong phạm vi từ 300-1.000m yêu cầu di dời phải cần thêm khoảng 45 tỷ đồng).

Đưa ra những con số này để so sánh, liệu nên tiếp tục vận hành hay đóng cửa bãi chôn lấp rác Lộc Thủy, dành gần 2,7ha đất của bãi rác và một phần diện tích giải phóng mặt bằng sau di dời dân để phục vụ mục đích khác, vừa có lợi về phát triển kinh tế, nhưng vẫn ổn định môi trường bền vững là bài toán phải cân nhắc kỹ.

Không chỉ những bãi chôn lấp đang gặp khó, việc đầu tư lò đốt rác một thời được xem là sáng kiến hay để xử lý rác sinh hoạt ở vùng sâu, vùng xa, giúp hạn chế chi phí vận chuyển và giảm tải cho các bãi chôn lấp. Thế nhưng, sau thời gian vận hành ì ạch, phải rót thêm kinh phí sửa chữa, 2 lò đốt ở Quảng Công (Quảng Điền) công suất xử lý 500kg/h và ở Điền Hải (Phong Điền) công suất xử lý 20 tấn/ngày hiện vẫn hoạt động kém hiệu quả, thải khói gây ô nhiễm. Đây là thực tế đang hiện hữu "bỏ thì thương, vương thì nặng".

​Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Kỳ 3: Cần biến rác thành điện & tiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các tập đoàn đa quốc gia phải ngăn rác thải ra đại dương ở Nam bán cầu

Các đại dương trên thế giới, vốn được tôn sùng trong suốt chiều dài lịch sử vì sự rộng lớn và vẻ đẹp của chúng, hiện đang chịu sự tàn phá bởi rác thải tràn lan. Cuộc khủng hoảng này đặc biệt nghiêm trọng ở Nam bán cầu, nơi công tác quản lý vẫn chưa đầy đủ và các quy định lỏng lẻo làm trầm trọng thêm thiệt hại.

Các tập đoàn đa quốc gia phải ngăn rác thải ra đại dương ở Nam bán cầu
Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa

Sáng 27/9, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA) với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức tổng kết mô hình Trường học giảm nhựa năm 2022- 2024 và trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) năm 2024.

Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa
Ứng dụng công nghệ phân loại và thu gom rác tái chế

Ngày 15/9, Doanh nghiệp xã hội MGREEN phối hợp với Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở khu vực miền Trung” tổng kết hoạt động phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế thông qua ứng dụng mGreen trên điện thoại di động.

Ứng dụng công nghệ phân loại và thu gom rác tái chế
Chủ nhật vì cộng đồng

Từ phong trào Ngày Chủ nhật xanh, những hành động đẹp, thiện nguyện đã lan tỏa trong đời sống thường nhật.

Chủ nhật vì cộng đồng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top