ClockThứ Hai, 11/12/2023 11:40

Để nhặt rác là một loại phản xạ có điều kiện

TTH - Ngày 22/11 vừa qua, tại Nhật Bản đã diễn ra một sự kiện thể thao rất độc đáo và thú vị - Giải Vô địch thế giới về nhặt rác (Spogomi World Cup) với sự tham dự của 21 đội đến từ khắp nơi trên thế giới. Spogomi là từ kết hợp giữa “sport” (thể thao) và “gomi” (tiếng Nhật có nghĩa là rác). World Cup Spogomi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 với quy mô trong nước, nhằm khuyến khích mọi người dọn dẹp không gian công cộng.

Xây dựng môi trường du lịch trong lànhVệ sinh rác, bèo để ổn định sau lũ “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”

 Người dân tình nguyện thu gom rác tại đồi Vọng Cảnh. Ảnh: Ngọc Hòa

Năm nay, lần đầu tiên Spogomi World Cup diễn ra với sự cổ vũ nhiệt liệt của nhiều người địa phương và khách du lịch. Mỗi đội tham gia cuộc thi sẽ có từ 3-5 người, được trang bị găng tay, kẹp kim loại và túi đựng rác bằng nhựa. Họ đi lang thang trong khu vực rộng khoảng 5km2 ở quận Shibuya nhộn nhịp của Tokyo để thu gom rác.

Việc chạy, lục soát các thùng rác hay theo dõi các đội khác đều bị cấm. Mỗi đội sẽ có một trọng tài theo dõi để nhắc nhở. Trong cả buổi sáng và buổi chiều, các nhóm thi có 45 phút để nhặt rác và 20 phút để phân loại rác. Kết quả, đội chơi đến từ nước Anh đã giành chiến thắng chung cuộc sau khi họ thu gom được 57,27kg rác.

Người sáng lập giải Spogomi World Cup là anh Kenichi Mamitsuka – vốn là một người có thói quen nhặt rác trong các buổi chạy bộ buổi sáng. Sau đó, anh nhận ra rằng, có thể biến việc nhặt rác thành một hoạt động thú vị với việc nâng tầm lên thành một hoạt động thể thao - như một giải pháp thiết thực để khuyến khích mọi người trên khắp thế giới gìn giữ không gian công cộng sạch sẽ. “Nếu bạn thành lập hiệp hội spogomi ở mỗi quốc gia, tham vọng của tôi là nó có thể trở thành một sự kiện trình diễn Olympic”, anh Kenichi nói.

Chứng kiến Giải Vô địch thế giới về nhặt rác ở Nhật Bản, không thể không liên tưởng đến Huế với việc từ năm 2018, lãnh đạo tỉnh đã xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp thiết, là cơ sở thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nổi bật là các cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải”; các phong trào:“Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”, “Giữ gìn cảnh quan đô thị, thân thiện với môi trường”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”…

Đặc biệt, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và duy trì đều đặn hàng tuần, trở thành một hoạt động thường xuyên, nề nếp, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt của đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng sạch, đẹp. Đây cũng là phong trào đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng và biểu dương sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh. Việc Nhật Bản “nâng cấp” việc nhặt rác thành một môn thể thao thu hút không chỉ người dân trong nước mà còn cả với du khách của hàng chục quốc gia khác trên thế giới là một gợi ý rất hay cho Thừa Thiên Huế.

Với những căn cơ và nền tảng có được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 07-CT/TU, Thừa Thiên Huế có quyền mơ về việc sẽ nâng tầm các phong trào, các cuộc vận động về nhặt rác của địa phương mình lên một tầm cao hơn như Nhật Bản đã và đang làm. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước hết hãy khắc phục những hạn chế mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã thừa nhận và chỉ ra trên Báo Thừa Thiên Huế mới đây của việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, Chỉ thị 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đó là việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị gắn với Đề án “Ngày Chủ nhật xanh” tại một số cơ quan, đơn vị, trường học và địa phương đôi khi còn thiếu thường xuyên. Nhận thức và hành động của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế. Ý thức sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, mang tính bền vững thay thế túi ni lông chưa nhiều.

Việc xây dựng các mô hình “Không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch, công viên, điểm xanh, điểm công cộng và các chợ, siêu thị… chưa được triển khai đồng bộ, thiếu hiệu quả; các quy chế, quy định chế tài để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường, trật tự mỹ quan đô thị, nông thôn có nơi, có lúc chưa nghiêm…

Để nhặt rác là một hoạt động thể thao, một ý thức văn hóa hay điều gì đó tương tự như Nhật Bản đang làm thì Thừa Thiên Huế trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết, phải làm sao để hành động nhặt rác với mỗi một người dân là một phản xạ có điều kiện ngoài ý thức phục vụ các phong trào, các cuộc vận động…

Hoàng Văn Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

Ngăn ngừa các yếu tố độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động (NLĐ), tăng hiệu quả phòng, chống tai nạn lao động và giảm nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, nhiều doanh nghiệp (DN) chú trọng triển khai các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc.

Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
Chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Sáng 22/6, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh.

Chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Return to top