ClockThứ Bảy, 03/10/2015 07:35

Mưa Huế trong tranh Lê Văn Nhường

TTH - Ghé thăm phòng triển lãm tranh “mưa” của họa sĩ (HS) Lê Văn Nhường tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TT Huế, tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa sang trọng, vừa đằm thắm, dịu êm lại vừa mang đến cho người xem thật nhiều cảm xúc. Chỉ riêng với số lượng 20 bức tranh sơn dầu khổ lớn (nhỏ nhất là 70cm x 70cm, lớn nhất là 115cm x 160cm) được treo trong 3 phòng liền kề cũng đủ làm nên vẻ sang trọng của một triển lãm cá nhân rồi.
Với chủ đề "mưa", trong 20 bức tranh đã có 17 bức mưa, từ Mưa 1 đến Mưa 18 (không hiểu tác giả có nhầm lẫn gì không nhưng thiếu bức Mưa 15(?). "Lạc" vào phòng tranh "Mưa" này có 3 bức tranh "Hội tụ" (Hội tụ 1, Hội tụ 2 và Hội tụ 3). Nhưng xem kỹ thì thật ra 3 bức "Hội tụ" cũng là tranh "Mưa", nhưng mưa ở ba bức tranh này không tràn ra như 17 “cơn mưa” kia mà kết tụ lại thành 3 mảng mưa “Hội tụ”. Suy cho cùng thì bản chất của mưa cũng là sự kết tụ và ngưng đọng vậy.
Đến với “Mưa” có thể thấy tác giả đã đầu tư cho phòng tranh này không ít cả thời gian, công sức và tiền bạc. Cái công phu là từ mưa to nặng hạt đến mưa nhỏ lây phây, mưa ở cường độ nào cũng vẫn nhìn ra từng giọt mưa một! Có cảm tưởng là tác giả trân trọng, nâng niu từng giọt mưa trong tranh của mình. Có lẽ “mưa” (một thứ được coi như “đặc sản” của Huế) với rất nhiều cường độ và biểu cảm khác nhau, đã được Lê Văn Nhường gom hết vào tranh của mình. Những người ở xa đến Huế, gặp những ngày mưa, họ thấy e ngại cho Huế. Nhưng họ đâu biết người Huế thì yêu mưa như chính Huế vậy. Khi đi xa Huế, thứ mà người Huế nhớ nhất cũng là mưa! Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh từng tả nỗi nhớ mưa ấy: “Khi mô anh về thăm Huế xưa / Nhớ gói giùm em một chút mưa”…
Về nghệ thuật, điều nổi bật trong phòng tranh “Mưa” là tác giả đã thể hiện mưa Huế theo hai trường phái trừu tượng và siêu thực của hội họa. Tôi rất thích những bức tranh vẽ theo trường phái trừu tượng của Lê Văn Nhường đầy tính nữ nhẹ nhàng, mượt mà và dịu êm. Trong phòng tranh “Mưa”, các bức tranh vẽ theo trường phái trừu tượng như “Mưa 1, 2, 3, 6, 8, 16, 17” ngoài vẻ đẹp long lanh và trong ngần về màu sắc và đường nét (chỉ có thể cảm nhận chứ khó diễn đạt bằng lời), tất cả đều mang đến cho người xem một cảm giác thanh bình, êm dịu, thật dễ chịu… Khác với sự thanh bình, êm dịu của các bức tranh trừu tượng, các bức tranh được tác giả vẽ theo trường phái siêu thực như “mưa 4, 5, 7, 9, 10, 11, 13, 18” lại đưa đến cho người xem nhiều suy ngẫm và triết lý về sự sống giữa cái thực và cái ảo của cả thiên nhiên, con người và sự vật.
Trên phương diện là một triển lãm tranh cá nhân, tôi cho rằng triển lãm “Mưa” là triển lãm thành công và rất đáng xem. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hơi thiếu thiếu một chút gì đó trong phòng tranh “Mưa” này để làm điểm nhấn cho nét đặc trưng của mưa Huế. Cái đặc trưng mà tôi không dễ biểu đạt bằng lời. Và không biết có quá tham lam không, nhưng tôi cũng thấy thiếu thiếu một chút “ấn tượng” và “lập thể” để tạo nên sự đa dạng góc nhìn và góc cảm về mưa Huế.
Triển lãm mở cửa đến 5/10/2015.

Bài, ảnh: Nguyễn Việt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản

Ngày 4/5, Trường Cao đẳng (CĐ) Huế tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TU của Tỉnh ủy, thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ Bảo tồn Di sản
Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top