ClockThứ Năm, 05/05/2016 14:23

Nhiều chính sách đến với bà con ngư dân

TTH - Để hỗ trợ ngư dân tái đầu tư, ổn định sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó, đáng chú ý là các chính sách hỗ trợ về vốn vay, lãi suất.

Ngân hàng hỗ trợ lãi suất, cho vay

Sau khi các ngân hàng “tổng”, như: Chính sách-Xã hội Việt Nam (VBSP), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank), Công thương Việt Nam (Vietinbank)… triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) vừa bị thiệt hại do thủy hải sản chết bất thường, hệ thống chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn đồng loạt triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, vay vốn đến với ngư dân.

Tàu cập cảng Thuận An, cá được thu mua nhanh chóng 

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank - Chi nhánh tỉnh cho hay, sau khi có văn bản của Agribank về việc hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do cá chết bất thường, Agribank Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc ở các huyện có nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản lớn cử cán bộ tín dụng cùng phối hợp với chính quyền các địa phương thống kê các hộ có thủy hải sản bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp để tiến hành lập danh sách, đốc thúc bà con làm phương án sản xuất mới để hỗ trợ vay vốn tái đầu tư, sản xuất, vươn khơi đánh bắt…

Đối với hộ có thiệt hại trực tiếp, cá chết từ 80-100%, Agribank miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại và cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng. Với những họ dân bị ảnh hưởng gián tiếp, miễn 1 tháng lãi tiền vay, dừng thu lãi 3 tháng đối với dư nợ bị ảnh hưởng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc…

Agribank cũng dành 500 tỷ đồng để cho vay ngắn hạn, với lãi suất 6%/năm và trung, dài hạn 8%/năm, triển khai trong vòng 3 tháng, bắt đầu tư 4/5/2016. Ngân hàng này cũng hỗ trợ 20 tỷ đồng và 100 tấn gạo cho người dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt của 4 tỉnh miền Trung.

VBSP tỉnh cũng triển khai thống kê, lập danh sách và nắm bắt nhu cầu vay vốn của ngư dân để báo cáo VBSP cân đối, bổ sung nguồn vốn nhằm triển khai cho vay trong thời gian tới. Dự kiến, thống kê đợt I sẽ hoàn thành trong chiều 4/5/2016 để VBSP triển khai các bước tiếp theo. VBSP tỉnh cũng tiến hành song song các biện pháp xử lý nợ rủi ro theo quy định, đồng thời đẩy nhanh quá trình cho vay tái sản xuất để ngư dân ổn định cuộc sống.

Vietinbank đang triển khai đồng loạt các giải pháp, gồm: cử cán bộ phối hợp với chính quyền các địa phương để xử lý vướng mắc trong giai đoạn này cho khách hàng, giảm lãi suất đối với các khoản vay trung, dài hạn, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, xây dựng các chương trình cho vay ưu đãi cho ngư dân.

Ngoài hỗ trợ lãi suất với các khoản vay ngắn, trung, dài hạn, BIDV Chi nhánh tỉnh cũng áp dụng chủ trương chung của BIDV ngừng tính lãi 6 tháng đối với những ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 nhưng chưa đưa tàu vào khai thác, đánh bắt. Đồng thời, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ gốc, lãi xuống từ 2-3 kỳ.

Vietcombank-Chi nhánh Huế, từ 4/5 cũng sẽ điều chỉnh các khoản vay  trung dài hạn từ lãi suất trên 9%/năm xuống 9%/năm không chỉ cho bà con ngư dân mà tất cả khách hàng ở khu vực miền Trung bị thiệt hại do thủy hải sản chết bất thường.

Ngư dân vui mừng

Ngoài được hỗ trợ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ…, người dân chịu ảnh hưởng do hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực miền Trung, trong đó, có Thừa Thiên Huế còn được Chính phủ hỗ trợ bằng nhiều chính sách khác, như gạo, tiền mặt…

Sau buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, ngày 1/5 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số vấn đề liên quan đến tình hình cá chết bất thường. Trong đó, có việc hỗ trợ 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng và hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được, mỗi tàu 5 triệu đồng; hỗ trợ tiêu hủy cá chết...

Đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh rà soát, thống kê cụ thể, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền.  

Ông Trần Văn Việt, ở thị trấn Thuận An (Phú Vang), chủ tàu dịch vụ thu mua hải sản xa bờ (số hiệu TTH 92203) chia sẻ: “Từ khi xảy ra tình trạng cá chết đến nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản của người dân. Giá các loại hải sản giảm bình quân 30-40% so với trước. Mới đây, Nhà nước yêu cầu các ban ngành cấp chứng nhận hải sản an toàn, các siêu thị tổ chức thu mua, tiêu thụ hải sản, nên giá hải sản tương đối ổn định, là động lực giúp ngư dân ra khơi trở lại”.

Ngư dân Nguyễn Thanh Bình, ở xã Phú Thuận (Phú Vang)  vui mừng: “Mấy ngày qua, nghe trên ti vi, báo, đài thông tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ gạo, kinh phí cho người dân bị thiệt hại, bà con chúng tôi rất vui. Sự sẻ chia về vật chất có thể không lớn, nhưng đã tạo niềm tin, chỗ dựa về mặt tinh thần để chúng tôi yên tâm vươn khơi bám biển”.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy cho hay: “Nhận được thông tin về việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân của Chính phủ, chúng tôi rất vui. Mấy ngày qua, cùng với công tác tuyên truyền chính sách đến với người dân, chính quyền địa phương phân công cán bộ đến tận các hộ dân để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, mức độ ảnh hưởng và thống kế số hộ bị thiệt hại… đề xuất cấp trên hỗ trợ kịp thời để người dân ổn định đời sống, tái sản xuất, kinh doanh, ra khơi đánh bắt thủy hải sản”.

Bài, ảnh: Tâm Huệ-Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Return to top