ClockChủ Nhật, 14/05/2017 12:05

Ám ảnh một thời

TTH - Sự kiện ba mươi tháng tư một chín bảy lăm – miền Nam giải phóng. Ngay sau đó, miền Nam tạm thời phải thực hiện chế độ quân quản.

Anh, một người lính trên mình còn vương mùi thuốc súng, được điều động về làm công tác hành chính tại một quận của Sài Gòn.

Anh học dở đại học thì nhập ngũ, trong quân đội, khi ấy, anh thuộc số ít người được coi là có trình độ. Một chàng trai Hà Nội, ít nhiều có vốn sống đô thị, anh tiếp cận, nắm bắt mọi vấn đề trong quận rất nhanh.

Sài Gòn khi đó, một thành phố hỗn loạn sau chiến tranh. Khi trật tự tạm thời được thiết lập ở thành phố này, mọi người dân đã ổn định cuộc sống, thì, một việc tiếp theo của Nhà nước là: cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Anh cũng là người được điều động tham gia công việc ấy.

Một buổi sáng, sau khi đã tiếp thu sự quán triệt và nhận nhiệm vụ cụ thể trước đó mấy ngày, anh phụ trách một tổ công tác, về làm việc tại đường phố N. Tổ công tác phải thực hiện kiểm kê hàng hóa, tài sản của các hộ buôn bán lớn, thuộc diện Nhà nước đang tạm thời quản lý. Tại một tòa nhà lớn, đón tiếp anh và tổ công tác, là một phụ nữ còn rất trẻ, tuổi chỉ độ ngoài hai mươi một chút. Anh hơi ngạc nhiên, trước một việc quan trọng như thế, sao trong nhà lại chỉ có một phụ nữ trẻ làm việc với tổ kiểm kê tài sản. Anh thông báo công việc của mình. Người phụ nữ gật đầu, nói rằng, đã được biết trước. Giọng cô ta run run, cử chỉ ngượng ngập, lúng túng. Thấy vậy, anh phải trấn an, hy vọng mọi việc sẽ diễn ra nhẹ nhàng và suôn sẻ…

Sau một số lời xã giao, hỏi thăm, tình hình gia cảnh, công việc và tầm mức buôn bán trước đây…, anh chuẩn bị vào đề, chợt nghe tiếng gọi từ phía sau lưng:

-  Hải!... Có phải Hải đấy không?...

Anh giật mình quay lưng và ngỡ ngàng. Một người đàn ông to béo, trắng trẻo, ăn mặc khá bảnh bao lù lù xuất hiện.

-  Ơ… - Anh vẫn ngỡ ngàng.

-  Không nhận ra mình sao?... Phước đây! Bạn nối khố năm xưa đây!

-  Ơ kìa… Thế là thế nào? – Phải mất mấy giây trấn tĩnh, anh mới nhận ra người bạn của mình – Cậu làm gì lại có mặt ở đây?

Người đàn ông gật đầu, ậm à ậm ừ trong cổ… nói mãi vẫn không rõ tiếng.

Tình thế thật khó hiểu. Thằng bạn của anh cứ như từ dưới đất chui lên, chẳng biết đường nào mà lần. Anh nhớ, ngày mình nhập ngũ, Phước có đi tiễn. Mấy tháng sau, anh được tin, Phước cũng đã vào bộ đội. Rồi anh vào chiến trường. Sau khoảng hai năm, tình cờ gặp một người bạn học cùng thời phổ thông, họ nói với anh, hình như Phước được điều vào miền Đông hay miền Tây Nam bộ gì đó… Còn bây giờ, nó đang ở đây, chẳng hiểu quan hệ thế nào với gia đình tư sản này. Với bộ dạng ấy, nước da ấy, không thể nói Phước là người lính vừa rời khỏi trận mạc. Vậy là làm sao?

Ký ức vui, buồn đang trở lại trong anh. Người đàn ông ngồi kia, thằng bạn thân của anh từ thuở nhỏ, người mà từ bé đã thích nghề buôn bán, và có ước mơ sau này trở nên giàu có. Cái thời mà nghề buôn bán bị coi thường, bị xem là thấp hèn, thậm chí nhiều người cho rằng, đó là nghề lừa lọc xấu xa, thì “tư tưởng” thích buôn bán xuất hiện ở một đứa bé như Phước quả là hiện tượng lạ. Một thời, nhất là trong giới công chức, người ta luôn dạy con em mình, không bao giờ được nghĩ đến chuyện buôn bán, mà phải học hành phấn đấu để trở thành kỹ sư, bác sĩ; thấp hơn, cũng phải là những công nhân lành nghề…, đó là những người lương thiện, nhưng người chân chính. Vậy, nghề buôn bán là không lương thiện, không chân chính?

Thời ấy, quan điểm “Thương nhân đa hóa” chi phối quá mạnh trong xã hội, thì người buôn bán làm sao ngóc đầu lên nổi? Họ có thể bị kỳ thị, mặc dù đã trở thành công chức, nhưng lại xuất thân trong gia đình buôn bán…

Còn với anh, nghĩ lại, từ thơ ấu cho đến trưởng thành, là đằng đẵng một ký ức buồn tủi về gia đình. Anh chẳng có lỗi gì cả, nhưng mọi người xem anh như con hủi. Ám ảnh tội lỗi triền miên trong anh. Tuổi thơ của anh không được sống hồn nhiên như những đứa trẻ khác. Ngay từ bé, anh đã bị “dán” trên mình cái “nhãn”: Con của mụ phe. Là cái gì? “phe” tức là “phe phẩy” – một công việc của một hạng người tệ hại nhất trong nghề buôn bán. Họ bị coi là những kẻ lừa đảo, chụp giật.

Khổ cái, mẹ anh cũng là người chỉ thích buôn bán; to hay nhỏ gì cũng được, miễn là buôn bán. Kể ra, bà cũng yêu nghề lắm chứ! Bà không thích làm công chức Nhà nước, mà muốn tự do theo ý mình. Có lẽ cái dòng máu buôn bán luôn sục sôi, cuộn chảy trong huyết quản bà. Ngày xưa, thời Pháp thuộc, bố anh sau khi có bằng tú tài Tây; từ Hà Nội, ông vào Sài Gòn tìm việc, rồi về Chợ Lớn làm thư ký cho một hãng buôn, mà chủ hãng sau này chính là ông ngoại anh. Mẹ anh, tiểu thư xinh đẹp con nhà tư sản, giàu có vào bậc nhất nhì Chợ Lớn lúc bấy giờ. Mẫu đàn ông lý tưởng của bà phải là người có học. Chính thế, mà bà mê đắm bố anh – một trí thức Tây học, đẹp trai, lịch lãm, ăn nói đầy thuyết phục…

*

Người đàn ông vẫn ngồi kia – thằng bạn thân của anh từ thuở nhỏ, người mà từ bé đã thích nghề buôn bán…

Anh lớn lên, trưởng thành trong một khu tập thể ở Hà Nội. Thời ấy, cùng sống tập thể, cùng học với nhau, ngoại trừ Phước, còn chẳng có đứa trẻ nào dám chơi với anh, bởi sự cấm đoán của gia đình chúng. Chúng luôn được bố mẹ răn dạy: “Không được chơi với con mụ phe”. Phước thì cứ lăn xả vào chơi với anh. Mặc cho bố mẹ có đe dọa kiểu gì, Phước vẫn trung thành với anh. Chỉ có Phước là chia sẻ ngọt bùi cùng anh thôi. Vậy, làm sao anh có thể quên nó được.

Có một lần, Phước rủ anh đến hiệu sách Kim Đồng, tìm mua một quyển truyện. Hai thằng đang hí hửng với cuốn truyện hay, về gần đến nhà thì gặp ông Công – bố Phước. Ông giằng quyển truyện trên tay Phước, vò lại, ném xuống đường. Ông giáng cho Phước hai bạt tai – “Tao dặn mày bao nhiêu lần rồi, không được chơi với nó. Không được quan hệ với con mụ phe. Nghe chưa!”. Phước ôm mặt khóc hu hu, chạy về nhà. Ông Công đến chỉ vào mặt anh, dí tay lên trán anh, thiếu đường ông cũng muốn bạt tai anh – “Tao cấm mày chơi với nó. Con tao không thể chơi với con mụ phe, không thể đi cùng đường với thành phần phe phẩy…”.

Đó là một trong rất nhiều lần ông Công “khủng bố” anh và Phước. Nhưng tình bạn của họ vẫn được thắt chặt. Nhưng anh ao ước thay đổi được thành phần của mẹ mình. Anh có thể sống khổ mấy cũng được, chỉ cần mẹ mình đừng là “mụ phe”.

*

Thì ra, Phước đã vào đến chiến trường miền Đông Nam bộ. Rồi bị địch bắt. Rồi hắn chịu chiêu hồi. Tất nhiên, là vai trò của một người lính, nên Phước biết bí mật của đơn vị mình chẳng là bao. Biết gì khai nấy. Khi không còn khai thác được nữa, chúng thả Phước ra. May mà chúng còn chiếu cố cho Phước một “ân huệ”: Được sống tự do ở Sài Gòn. Anh muốn quát vào mặt Phước: “Cậu là thằng hèn. Cái đồ chỉ biết vinh thân”. Anh biết chắc chắn Phước sẽ hỏi lại: “Theo cậu, mình phải làm gì? Khi không còn sức chống cự thì đành để chúng bắt thôi. Liệu cậu làm khác được không?” Nhưng mà, chịu nhục làm thằng tù binh, còn hơn phản bội. Thế chúng đánh đập, khảo tra, có chịu đòn nổi không? Thôi… anh chẳng muốn nhắc chuyện đó nữa, cũng chẳng buồn nghĩ làm gì. Đau lòng lắm.

Phước nói mình đã khai lung tung, miễn sao được trả tự do. Cũng may, Phước được người tốt bụng giúp đỡ. Được về Sài Gòn. Được giới thiệu việc làm. Qua nhiều mai mối, loanh quanh mãi, lần mò mãi, Phước về làm cho hãng buôn phụ tùng xe máy. Một người có học, thông minh, nhanh nhạy, có phần láu cá như Phước, lại sẵn máu “con buôn”, máu làm giàu trong người, thì việc đi đến thành công trong làm ăn là không khó. Rồi Phước trở thành con rể ông chủ. Thành ông chủ nhỏ. Người phụ nữ anh gặp khi bước chân vào nhà này chính là vợ Phước.

Kể ra, con đường đi của Phước có phần hao hao giống bố anh. Chỉ khác, bố anh đi làm thuê để kiếm sống, rồi đến với cách mạng. Ông sẵn sàng bỏ giàu sang phú quý để theo kháng chiến, chỉ cần có mẹ anh đi cùng. Còn Phước thì bỏ cách mạng để đi làm thuê, với quyết tâm làm giàu, quyết tâm trở thành ông chủ.

Hồi đó, trong thời gian làm ở hãng buôn, bố anh đã bí mật tham gia Việt Minh. Cách mạng tháng Tám thành công, tổ chức tiếp tục bố trí ông ở lại Chợ Lớn. Mấy năm sau, ông được lệnh rút lên chiến khu. Thế là, ông đem theo tiểu thư con nhà tư sản, chẳng cần đợi cưới hỏi gì nữa. Hai người ra đi gần như tay không, chỉ có ít đồ nữ trang mà mãi sau này mẹ anh vẫn còn giữ.

Lên chiến khu, mẹ anh đã chịu cực khổ, và hòa nhập rất nhanh. Bà tuyên bố, vì tình yêu bà có thể hy sinh tất cả. Mẹ anh trở thành một y tá. Chính anh cũng được sinh ra trên chiến khu. Ngày hòa bình lập lại, gia đình anh về Thủ đô. Máu buôn bán trong người mẹ anh lại trỗi dậy. Bà xin nghỉ việc Nhà nước, về mở một quầy tạp hóa tại một chợ nhỏ.

*

Sau này, thỉnh thoảng anh vẫn ngồi nhớ lại cái ngày gặp Phước ở Sài Gòn. Khi ấy, Phước có một kho hàng chứa hàng vạn bộ phụ tùng xe máy, giấu dưới tầng hầm, đã được ngụy trang. Phước sợ bị Nhà nước tịch thu, hoặc điều tiết bớt, hoặc thu mua với giá rẻ, nên đã phải nhờ anh. Vì tình, vì nghĩa với thằng bạn nối khố đã từng chia sẻ ngọt bùi, anh sẵn sàng giúp Phước, dù biết mình sai.

Rồi anh lấy vợ. Cưới một cô công nhân cho đúng với thành phần chân chính. Rồi mẹ anh mất. Anh phải đưa vợ con chuyển ra Hà Nội để phụng dưỡng bố. Khu nhà tập thể của anh gồm hai mươi mấy hộ, có lưng quay ra mặt đường. Họ đã hè nhau đục tường trở cửa để hậu biến thành tiền. Rồi nhà mọc lên cùng các cửa hàng cửa hiệu. Xí nghiệp của vợ anh giải thể. Vợ mất việc làm. Anh quyết định mở cho vợ một hiệu tạp hóa giống mẹ anh năm xưa, nhưng ngay tại nhà…

*

Một buổi chiều, đi làm về, anh dừng xe trước cửa, nhìn vào nhà. Anh thấy mẹ mình đang ngồi kiểm hàng. Những cuộn chỉ, những chiếc cặp tóc, những khăn mặt… đang được xếp lại. Một sự buôn bán gần như “lấy công làm lãi” mà ngày xưa họ gọi là dân phe phẩy. Một sự tảo tần vì chồng vì con. Anh cho rằng, sự tảo tần của người phụ nữ thì dù xuất thân ở thành phần nào cũng đều giống nhau. Vậy mà mẹ anh suốt đời mang tiếng “mụ phe”…

-  Mẹ ơi!... - Anh đưa tay chới với - Mẹ… Ơ… không phải…

Anh ngã quỵ xuống. Vợ anh chạy đến đỡ anh dậy:

- Anh làm sao thế? Anh say à? Anh vừa gọi ai?

- Ơ không… Anh chẳng làm sao cả… Anh vừa nhìn thấy mẹ.

Anh ngẩng đầu. Trên khóe mắt anh, giọt nước mắt vừa lăn xuống.

VIỆT HÙNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Return to top