ClockChủ Nhật, 03/03/2024 12:48

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

TTH - Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Chuyện tình yêu!Đến với tình yêu

 

An ngồi vót tre bên hiên, nói với mẹ: “Con vào Sài Gòn kiếm một công việc khác nhiều tiền hơn”. Mẹ không nói gì, chừng như mẹ còn nhớ đến hình ảnh ba cũng ngày ngày cặm cụi vót tre, xếp giấy như An bây giờ. “Con bỏ mẹ một mình ư?”, mẹ hỏi. “Dạ,...”. Cậu ấp úng, mãi mới nói được. Mẹ im lặng, nhìn An. Trong mắt mẹ, mưa mù sương. “Con sẽ trở về khi có sự nghiệp, mẹ ạ”, An nói. “Ba con đi rồi, anh con cũng chưa về. Giờ ai làm những bông giấy này cắp lên sào cho kịp tết đây con ơi”. Nói xong, mẹ xuống bếp nhóm lửa, đoạn không quên bảo An ra vườn cắt một nải chuối rồi thắp nén hương lên ban thờ. Cậu làm theo, đầu vẫn không bỏ ý nghĩ đi Sài Gòn.

An thơ thẩn đi ra đầu làng. Lúa vụ đông xuân đã xanh mướt. Hoa tết đã đơm bông vàng đượm. Cậu chợt nhớ tới cụ Phiên, một ông lão hàng xóm đã đến tuổi thất thập, một người bạn vong niên của ba. Tóc ông trắng như mây, da nhăn đồi mồi và mắt vẫn tinh để cắt giấy, xếp hoa, vót tre không thua gì thanh niên trong làng. Thấy An bước qua bụi chè tàu trước nhà, cụ cười móm mém: “Mi lâu quá!”. An dạ ran.

“Ở lại làm với tao một cuốc rượu. Từ ngày ba mi mất, tau chỉ biết uống một mình!”. An nhìn những bông giấy 5 loại màu sắc được bày biện trên những chiếc nong tre lớn. Quanh đó, đàn cháu nội ngoại ba, bốn đứa đang dán bông lên cành tre. Đứa nào đứa nấy chăm chú vô cùng. Nhìn cảnh này, cậu lại nhớ tới nhà mình đông vui mỗi độ tết về khi ba còn sống, chẳng kém nhà cụ Phiên là mấy. Cụ đã đem mồi dưa món nhà làm và rượu ra. Cụ nhấp một ngụm rượu cười khà rồi nói: “Làm một chén nhé. Nhìn mặt mi không vui được”. Rượu cay nồng xộc lên mũi, người An chợt nóng như một hỏa lò. Cậu khà một tiếng, điệu bộ giống ba ngày trước. Cụ cũng gật gù đắc ý: “Mi giống ba y đúc”. Rồi cụ ngậm ngùi: “Mà ba mi đi nhanh quá, tội”.

An chẳng nói gì, vô thường ấy, không cưỡng lại được. Dường như muốn lảng sang chuyện khác, cụ Phiên lại hỏi:

“Đố mi, vì răng bông giấy Thanh Tiên chỉ có 5 bông, 5 màu?”.

An ú ớ, không biết trả lời thế nào. Cụ nhấp chén rượu tiếp rồi tự trả lời:

“Những bông hoa giấy rực rỡ có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành và có 8 bông, xưa tượng trưng cho Tam Cương - Ngũ Thường theo quan niệm Nho gia và bao giờ cũng có một bông hoa lớn ở chính giữa, thường là màu vàng, xưa tượng trưng cho vua hoặc màu đỏ ý tượng trưng cho mặt trời. Hay, hay rứa chớ lỵ”.

“Rứa mi biết người trên Huế nói tết bắt đầu khi mô khôn?”

An lại chịu. “Ở Huế họ nói tết về sớm lắm. Từ giữa tháng Chạp, khi sào giấy Thanh Tiên bày bán khắp chợ, không khí tết đã ùa về Huế rồi. Khác với mọi nơi là rứa đó”.

An dạ, chuyện này hay quá. Giờ cậu mới biết. Tiếng chim ngoài đồng gọi chiều lẻ loi, có thứ gì đó khao khát trong suy nghĩ tuổi trẻ. Hơi rượu lâng lâng, An có cảm giác như mình đang vục mặt xuống dòng nước trong vắt, không một bụi bẩn của sông Hương tại ngã ba Sình. Cả nguyên sơ thức giấc, cả ký ức tươi đẹp sống dậy. An nâng chén rượu nữa đưa lên miệng uống cả làng quê, bông giấy Thanh Tiên, ba mẹ, chợ tết... nhộn nhịp trước mắt. Có tiếng ai đó gọi con về chiều.

Những ngọn gió đông bắc qua khe cửa thổi buốt giá lên da thịt tái tê. Mùi hồ dán như ướp trong kẽ tay, mùi giấy mới thơm ngát dìu An chạm tới những ngày cùng ba cặm cụi làm bông. Cả rừng bông giấy Thanh Tiên như nở sặc sỡ khắp đất trời xứ Huế trong tiết trời se sắt. Những con đường quê phủ một màu êm dịu đưa những sào giấy đi khắp đất trời. Trời lất phất mưa, lấm tấm đậu trên đầu hai cha con. An ngây ngất trong mùi hương cũ, vị tết, ngày xưa. Một bàn tay chai sần mà ấm đặt lên tay cậu, lay lay. “Mở mắt ra, nghe tau kể chuyện tiếp”, cụ Phiên gọi An. “Mi biết khôn, thiên hạ nói rằng những cặp bông màu đẹp nhất, vừa đối xứng vừa đều hoa và phải do bàn tay của những người làng Thanh Tiên chính gốc làm mới giá trị. Không phải ai cũng làm được mô. Khó lắm!”. Cụ lại hỏi: “Đố mi, bây chừ làng mình sợ cái chi nhất?”.

Nhớ lời cha, An nói: “Dạ, sợ mất nghề ạ!”. Cụ vỗ đùi đánh phét: “Đúng, thằng ni được. Công nghệ ngày càng thay đổi, người ta sử dụng chất liệu mới để tạo ra hoa giấy Thanh Tiên, nhiều nhất là hoa nilon lòe loẹt, màu sắc tùy tiện không theo lối cũ. Làng ta bán ngày càng ít lại. Giờ thanh niên như bọn bây chê nghề, không ai làm. Không khéo vài năm nữa, đến tết không còn sào giấy Thanh Tiên mô ngoài chợ!”.

Lời cụ Phiên khiến An suy nghĩ. Cậu chênh chao cất bước ra về rồi ngủ vùi trong chăn ấm. Trời sáng, An mở mắt đã nghe tiếng sột soạt trên nhà lớn. Cậu dói mắt thấy mẹ đã đem những bông giấy ra xếp lại, tỉ mẩn gắn lên cành. Đúng rồi, An nhớ lại hình ảnh hai anh em mỗi năm được ba phân nhiệm vụ cắm hoa giấy lên am trời, trang ông, trang bà và bếp Táo. Bàn tay nhỏ bé của cậu cẩn thận tháo từng bông hoa giấy cũ ra, trịnh trọng để lên khay cùng chân nhang cũ, rồi thay hoa mới lung linh lên ban thờ. An bước xuống, lại gần và ôm vào bờ vai mẹ: “Mẹ đang làm chi đó?”. Người mẹ nhìn đứa con 20 tuổi tròn trịa tháng ngày, đang tính sổ lồng xa mình. Tương lai xán lạn mở ra trước mắt gia đình bé nhỏ, nghèo khổ bao đời. Bà mơ về những đứa cháu nội ríu rít bên mình, mơ về một ngôi nhà khang trang, không sợ nắng mưa.

An nói: “Mẹ ơi, con bất hiếu. Con phụ lòng ba mẹ. Con sẽ ở lại, sẽ cùng làm bông giấy cùng mẹ, cùng làng mình”. Mẹ nhìn An chảy nước mắt. Những hàng cây trơ trụi lá đung đưa vô hồn trong gió. Gió đưa mùi hương tết ấm áp vào nhà, xóa đi cái lạnh giá băng đang chực chờ.

Giờ An ngồi cắt giấy, làm bông cùng mẹ. Mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ, mỗi năm 365 ngày và hãy nghĩ những điều tích cực, làm những điều tốt đẹp cho gia đình, quê hương, đất nước, An nghĩ vậy. An sẽ tiếp nối công việc của ba, của tổ tiên theo cách làm mới. An sẽ biến bông giấy Thanh Tiên thành sản phẩm có thương hiệu, sẽ mang nhiều nguồn lợi về cho gia đình, cho dân làng. An sẽ tiếp tục học, học nhiều hơn nữa để mang tri thức phục dựng và bảo tồn nghề truyền thống bao đời của làng quê êm đềm bên sông Hương này.

Lê Vũ Trường Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hong củi sưởi ấm quê

Tháng Mười, những cơn gió lành lạnh vi vút cửa sổ bên nhà, lớp bùn đất, cây cối ngổn ngang sau trận bão đang nằm chờ tay người dọn. Mẹ đứng ngồi không yên, ra vào liên tục. Chiếc nón lá ngấm nước bao ngày nay, đã đen và có dấu hiệu mốc. Mùi ẩm ướt bay khắp gian nhà vừa mới được chút nắng le lói chiếu qua. Cứ thế rồi tháng Mười đến, mang theo những mong manh ùa về nơi căn bếp ám mùi khói chiều. Dàn củi được mẹ sắp ngay ngắn, củi tươi, củi khô để tách riêng, củi lớn mẹ dùng để nấu bánh, chạy mối buổi sáng sớm.

Hong củi sưởi ấm quê
Làng trong nỗi nhớ

Ba năm sau, Huân mới có dịp về làng Dương Nỗ. Sau khoảng thời gian dài dằng dặc xa làng, những lời hẹn thề sẽ trở về làng trong một ngày không xa tưởng chừng đã đi vào quên lãng.

Làng trong nỗi nhớ
Vượt lên nghịch cảnh từ tình yêu với bơi lội

“Không chỉ có thêm sức khỏe, môn bơi còn giúp em tiếp thêm sự tự tin và tình yêu vào cuộc sống”, Nguyễn Thái Dương, nam sinh khuyết tật tại phường Phú Bài (TX. Hương Thủy) chia sẻ.

Vượt lên nghịch cảnh từ tình yêu với bơi lội
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương

TIN MỚI

Return to top