ClockChủ Nhật, 17/03/2024 10:42

Lời nói dối yêu thương

TTH - Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Con mèo đenMột cuộc hôn nhân

 

Bàn đi bàn lại, bán mấy con heo vẫn không thấm vào đâu, ông bà thống nhất đi vay, rồi từ từ tính tiếp. Trước sau gì cũng mượn nên lo sớm chứ đầu năm kiêng cử, không hay.

Năm nay xứ này đất đai không độ, vài trận lũ nhỏ đợt vừa rồi không đủ phù sa bồi đắp cho đồng ruộng, bãi bồi sau một năm “làm việc” hết công suất. Bãi dưa hấu, dưa hồng không đậu trái, le que đủ bán cho người ta trưng bày, cúng kiếng, không đủ số lượng cung cấp cho thương lái gần xa như mọi năm. Khoản tiền dành dụm bấy lâu, giờ hết sạch sau vụ mùa. Thuốc trừ sâu, công trồng trọt, chăm bón, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chi ra đủ thứ nhưng giờ thu vào bấp bênh. Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng bà Tới thống nhất là giấu kỹ, không để thằng Bi nghi ngờ gì cả. Năm cuối rồi, gắng thêm chút nữa để nó yên tâm học hành. Vốn tính hay lo, cả nghĩ nên ông bà sợ nó buồn lòng rồi học hành sa sút.

Ánh nắng những ngày đầu xuân dịu nhẹ, chiếu rọi khắp miền quê sau những tháng mưa gió dầm dề mùa đông. Những luống rau xà lách, ngò thơm, cải cúc đang vào độ mơn mởn. Chị em thằng Bi ghiền cuốn bánh tráng thịt heo hoặc cá nục kho mặn với rau sống sạch nhà trồng. Tranh thủ lúc nắng ráo, bà Tới dọn dẹp mọi thứ cho sạch sẽ, tươm tất. Người vùng này dù có sống trong điều kiện khắc khổ như thế nào, họ vẫn không thôi tin rằng ngày mai trời lại sáng. Có năm hạn hán, có năm bão lũ hoành hành nhưng rồi mọi thứ lại được hồi sinh ngoạn mục, bởi bàn tay và sự chịu thương chịu khó của con người.

Nghe tiếng gà la ó thất thanh sau vườn, đoán chắc là ông Tới đang bắt con to nhất, nấu nồi cháo nhiều thịt chào đón con trai về nhà sau mấy tháng đi học ở tỉnh bạn. Bà hình dung bữa cơm chiều đạm bạc, các thành viên đông đủ quây quần bên nhau. Đã lâu lắm rồi, hai thân già lặng lẽ đi ra đi vào căn nhà cấp 4 quạnh hiu. Khi con gái sinh con thứ hai, về ở cữ được vài tháng, tiếng trẻ con đứa quấy khóc, đứa chạy ra chạy vào, đi làm về còn có con, có cháu mà trò chuyện râm ran, cực mà vui. Sau 3 tháng 10 ngày, con gái về lại nhà chồng, căn nhà trở nên trống vắng quá chừng. Cắt xong mẻ rau này, bà gọi vợ chồng con gái chở mấy đứa nhỏ sau giờ tan học sang nhà ăn bữa cơm gia đình. Nghĩ đến đây, bà thầm reo vui trong lòng dù những ngổn ngang, rối bời đang còn.

Đợt này, thằng Bi ở Huế đến mấy tháng mới trở về. Năm cuối, luận văn tốt nghiệp, thực tập, tranh thủ học cho xong mấy văn bằng chứng chỉ bổ trợ... đã chiếm hết thời gian. Vừa bước vào nhà sau chuyến xe dài, nó vội vàng đi tìm ba mẹ, căn bếp trống vắng, ngoài vườn cũng không thấy bóng dáng ai cả. Nó chạy sang nhà hàng xóm hỏi xem như thế nào, bà Minh hồ hởi hỏi thăm tình hình học hành rồi kể lể thêm đủ thứ chuyện.

- Dưa hấu mất mùa, mẹ mày vừa vay cô 10 triệu chi tiêu. Học hành ra trường kiếm việc đỡ đần cha mẹ nghen con. Tội nghiệp, ông bà lo lắng đến ốm người!

Bi nghe xong vội vàng quay đi, nước mắt rưng rưng. Nó chạy về hướng dốc một cách vội vàng ra bãi vắng quen thuộc. Chị em nó lớn lên, trưởng thành từ đó, nơi cha mẹ ngày ngày trồng trọt, gánh nước tưới tắm, chăm sóc những thân cây vươn lên khỏe khoắn, mướt rượt giữa bãi cát trắng khô cằn. Bao giọt mồ hôi đổ xuống, nắng cháy rám da…

Ông bà Tới đang cắm cúi hái dưa hồng cho kịp chợ chiều. Giữa cái nắng buổi trưa, nhìn hoa cả mắt, hai bóng người liêu xiêu giữa đồng vắng mênh mang. Ngó quanh một lượt, lòng nó chợt dâng lên niềm xót xa. Một tay ba mẹ tần tảo nuôi chị hai rồi đến nó ăn học tới nơi tới chốn. Dù thiếu thốn, ba mẹ nó vẫn chưa bao giờ than vãn, nói gần nói xa ngày nào. Bi lẳng lặng bước lại ngồi bên mẹ, nó xúc động chưa kịp nói được lời nào.

- Chạy ra đây chi con, chừng này nắng bể đầu. Mẹ tưởng đâu đầu giờ chiều mới tới nơi.

- Con nhớ bãi dưa quá chừng. Rồi nó cười hì hì như muốn xua tan tất cả.

Từ đằng xa, ông Tới đẩy chiếc xe rùa chứa đầy những trái dưa tròn trịa như muốn ngã sấp trên nền cát lún. Bi nhanh chân phụ một tay, sức trai trẻ còn thấy nặng huống hồ ông già đã 60.

***

Vượt qua tâm lý ngại ngần, bấm rồi xóa đến mấy lần, cuối cùng nó cũng nhắn con Hương, con Lan mượn mỗi đứa 2 triệu đồng, hẹn một thời gian sau trả đủ. Lần đầu tiên trong đời, nó dám mở lời mượn tiền con gái, điều mà trước nay là điều tối kỵ. Con Hương thuộc gia cảnh khá giả, lại thân thiết nên không ngại ting ting sau khi tin nhắn được gửi đi ít phút. Còn Lan thì hẹn sau Tết, có tiền lì xì nhiều rồi sẽ cho Bi mượn, nên đừng lo.

Bà Tới nhét tiền vào bị nó “Giữ số tiền này nộp học phí. Ra Giêng ra Hai, ba mẹ xoay xở gửi thêm, mua sữa uống buổi tối, đừng có tiết kiệm quá nghe. Học hành căng thẳng hay răng mà mặt mày hốc hác, ốm yếu rứa con?”. Bi nhanh tay đưa lại mẹ “Con đi làm thêm có tiền đủ trang trải kỳ này, mẹ cất đó lo Tết. Đây nè, con cho mẹ xem số dư tài khoản ngân hàng, con không xạo với mẹ đâu nha. Con trai mẹ là số một mà”.

Tối đó, Bi trằn trọc, lăn qua lăn lại nhìn trân trân lên mái tôn. Rồi nó bật dậy, nhắn cho mấy đứa bạn thân “Chỗ mày làm còn tuyển người không?”…

***

Ông bà Tới tay nách xách mang, lỉnh kỉnh đủ thứ, thịt gà, vịt, cá, trứng, rau củ… được đóng gói gọn gàng trong thùng xốp. Ông bà còn dặn thằng Bi “Ra tới nơi gọi về cho ba mẹ yên tâm. Đồ ăn chuẩn bị nhiều, con mang chia cho bạn bè cùng xóm trọ mỗi đứa một ít, của ít lòng nhiều, chủ yếu là tình cảm nghen con”.

Trên chuyến xe từ quê về lại Huế sau kỳ nghỉ Tết, Bi lén nhìn lại từ xa hình bóng cha mẹ già đang tiếp tục nhìn ngóng theo. Lòng rối bời, thật tình nó cũng không biết phải làm như thế nào để có tiền nộp học phí, thi lấy bằng các môn ngoại khóa, rồi trả cho Hương… Trong lúc hỗn độn đó, tin nhắn của thằng Công gửi tới “Có chỗ dạy thêm này thơm lắm nè, mày làm không?”. Tim nó thánh thót reo vui, cảm nhận sự ngọt lịm như khi thưởng thức vị ngọt của dưa hấu quê nhà. Trong đầu nó hiện lên đủ thứ tình huống, sắp xếp thời gian như thế nào để vừa tập trung học hành và dạy thêm để không ảnh hưởng tới kết quả cuối kỳ.

Mở ngăn kéo ba lô, lần giở thư mời của nhà trường gửi sớm tới phụ huynh đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp, lòng nó dâng lên nỗi buồn rười rượi. Bi không hề quên, nhưng lại không muốn tận tay đưa cho ba mẹ. Nó cũng từng hình dung cảnh tượng ba mẹ, anh chị thân thương tới tận trường cùng chia sẻ niềm vui sau bốn năm học đằng đẵng. Chẳng phải trên mạng người ta có trào lưu quỳ xuống chân đấng sinh thành, biết ơn công lao to lớn trong lễ tốt nghiệp đó sao! Nhưng chỉ vài giây sau đó, nó biết rằng khoản tiền tốn kém ấy, sẽ giúp mẹ thêm vài thang thuốc bổ khớp, đau lưng, giúp ba thêm một ít để mua hạt giống, phân bón mà trồng trọt vụ sau... Nghĩ tới đây, lòng nó bỗng hân hoan đến lạ. Nếu xin được việc ngay sau khi ra trường nó sẽ dành tháng lương đầu tiên mua biếu ba mẹ lọ thực phẩm chức năng và quần áo mới. Bởi nó nhận ra dường như suốt bấy lâu nay, ba mẹ chưa từng mua sắm gì cho bản thân, toàn tận dụng đồ cũ hoặc đồ được cho từ hàng xóm, bà con, nhưng lúc nào cũng lo lắng cho nó đủ đầy.

Qua lớp cửa kính, từng dãy cao ốc xuất hiện xa xa đằng kia, thành phố Huế đang hiện ra thật gần. Trong khoảnh khắc ấm áp đầu xuân này, thằng Bi chợt nghĩ: nếu siêng năng, chịu khó thì ở đâu cũng có thể sống và làm việc được.

Huỳnh Kim Hoa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top