ClockChủ Nhật, 24/03/2024 09:13

Bóng nắng

TTH - Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Cậu học trò năm ấy

 

Chỗ bà câm ở, đến tiếng gà gáy nghe cũng xao xác, buồn thiu. Tụi trẻ con làng bên mỗi khi có việc đi qua dốc Mù U chúng im thin thít vì sợ nghe tiếng chúng, “ma cây” bên dốc sẽ nhảy ra kéo vô bụi, đứa nào đứa nấy cắm cúi đi, chỉ cần nhỡ chân sẽ rơi xuống đồng trũng, có ai ở đó đâu mà kéo lên cho được. Vào mùa gặt, họa hoằn lắm mới có con chim cu cườm ghé qua gừ gừ vài tiếng gọi bạn rồi lại đập cánh bay tít sang cánh đồng bên.

Cái chòi của bà câm nhỏ xíu nhưng sân trước thì rộng thênh. Trên sân bà kê một cái kệ được ghép lại bằng mấy tấm gỗ ván ọp ẹp, bày la liệt các thứ linh tinh: Bánh kẹo, dầu gió, thuốc lá… cũng có khi vài bó rau bà trồng trong vườn hay những trái mướp bị ong đốt còng queo. Ai cần gì đến mua bà cũng có, từ cây kim, cuộn chỉ đến lít dầu hỏa, dấm, đường... Người làng hầu hết sống ở bên kia con dốc, họa hoằn lắm mới có người ghé bà khi có việc đi qua.

Con dốc Mù U chỉ có tiếng chân người khi chợ họp vào sáng sớm, cái chợ tạm bên kia con dốc lèo tèo vài cái kệ, phủ bên trên những tấm bạt mốc thếch. Muốn đi chợ, người làng bên thường qua con dốc này để tránh đoạn đường lớn khá xa ngoài kia. Có khi họ dừng lại quán bà uống ly nước chè hoặc ngồi trốn nắng. Mỗi khi có khách ghé qua, bà câm vui lắm, bà lật đật đi khiêng ghế cho khách rồi pha nước. Mùa hè nóng nực, khách mồ hôi nhễ nhại, bà cầm cái quạt mo cau lại gần phe phẩy. Tan chợ, dốc Mù U lại vắng tanh, quán bà cũng chỉ còn vài bông nắng lưa thưa nhảy nhót rồi tan biến vào nắng xế.

Bà câm lặng lẽ sống ở đó bao nhiêu năm, người trong làng cũng không còn nhớ nữa, chỉ nhớ mùa lụt năm đó, đêm đến nước sông đột ngột dâng lên ngập quá nửa cái cổng làng. Sáng hôm sau nước rút, người làng nhìn thấy một người đàn bà nằm sấp bên vệ đường, trên người còn đeo chiếc túi vải. Tưởng bà đã chết, người làng đưa về sân đình, đợi chôn cất. Nào ngờ bà còn thoi thóp, qua hôm sau đã ngồi dậy ăn được chén cháo. Người đàn bà tỉnh lại nhưng chỉ ú ớ, không nói được tiếng nào. Dân làng kéo ra sân đình xem người đàn bà xinh đẹp từ đâu không rõ dạt về. Bà không nói, chỉ viết tên mình ra đất và xin được ở lại nơi đây vì gia đình chẳng còn ai, nhà cửa cũng bị lũ cuốn trôi. Làng xóm thương tình dựng cho bà cái chòi bên con dốc Mù U. Chỗ này tụi con nít trong làng ban đêm không dám đi qua, chúng đồn rằng dưới chân dốc Mù U có nhiều ma trơi, đêm đến lại lập lòe trên đồng trũng.

Nhà con Cải cũng bên dốc Mù U, nhà nó cách nhà bà câm một mảnh vườn rộng. Mỗi khi ba má ra đồng, con Cải lại vén hàng rào mon men qua nhà bà câm. Lần nào nó cũng đứng lấp ló ngoài cửa đợi bà ra nắm tay dắt vào. Thường thì nó chẳng phải đợi lâu, thoáng thấy bóng con Cải, dù đang lặt lá chè, kho ơ cá, hay khâu lại cái yếm, bà cũng bỏ đó đứng lên ra dắt nó vào, cho nó ngồi trên cái chõng tre gần bếp lửa. Con Cải chỉ chờ có vậy, nó ngoan ngoãn ngồi xếp bằng trên cái chõng xem bà loay hoay với mớ chai lọ đựng bánh kẹo, rượu và thuốc lá. Mẹ nó kể ngày còn trẻ bà đẹp lắm, sau mùa lũ trôi giạt về, đàn ông trong làng nhiều người hỏi bà làm vợ, nhưng bà chỉ lắc đầu, ở vậy. Gương mặt bà đến giờ vẫn đẹp, kín đáo, mặn mà. Dáng bà cao dong dỏng, đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, trông bà khác hẳn những cụ bà lam lũ trong làng.

Mùa hè bà câm chỉ độc mặc yếm. Cái yếm màu cánh gián và chiếc quần dài lụa đen. Ngồi bên hiên chải tóc, trông bà như vừa bước ra từ truyện cổ tích. Ngoài các thứ linh tinh bày bán trên kệ, gia tài bà chỉ có một cái tủ gỗ cũ kỹ, một chiếc chõng tre và một cái kiềng ba chân để nấu ăn. Bên bếp luôn có một niêu cơm nhỏ xíu và một ơ cá kho khô, bà kho đi kho lại đến quắt queo. Hết ngày này sang ngày khác con Cải thấy thức ăn của bà chỉ có vậy.

Lần nào con Cải qua, bà cũng cầm bàn tay nó mân mê thiệt lâu, xoa xoa, nắn nắn rồi đưa lên mũi hít hà. Bà nội con Cải chết từ khi nó còn trong bụng má nên nó thương bà câm lắm. Nó ngồi yên, giương đôi mắt đen láy nhìn mấy cái hũ đựng kẹo ú, kẹo dừa. Lần nào hít hà bàn tay nó xong, bà cũng lật đật đến cái kệ run run mở nắp hũ kẹo dừa lấy cho nó mấy cái, tiện tay bà còn bẻ thêm trái chuối chín trên buồng treo lủng lẳng trước quán.

Chiều. Dốc Mù U vắng ngắt. Bà câm ngồi nhẩn nha khâu lại cái áo. Xa xa tiếng gà xao xác gáy trưa, thảng có tiếng xe trâu lục cục chạy qua. Chiều nay không thấy con Cải qua chơi, bà lẳng lặng soạn kim chỉ ra khâu vá cho đỡ buồn tay. Giàn mướp trước sân hết mùa, trơ ra những chiếc lá khô rụng xào xạc trước hiên. Bà dừng khâu, đứng lên đấm thùm thụp vào cái lưng đau rồi mang chổi dừa ra hiên quét lá, để nhỡ con Cải chạy qua dẫm lên lại vụn ra như cám. Quét xong bà chống cây chổi nhìn qua nhà con Cải, bên kia hàng rào im ắng, có lẽ con Cải xuống xóm dưới chơi với tụi trẻ trong làng. Gió hiu hiu đưa sang một mùi khen khét. Chắc cha nó lại dọn vườn, đốt lá, nghĩ vậy bà cúi xuống tém nốt đám lá khô vô góc đợi chạng vạng đốt cho đỡ muỗi. Mùi khen khét bên nhà con Cải bay sang càng lúc càng đậm đặc, bà dừng tay vén hàng rào chui qua coi thử.

Trong vườn, con chó Lu đang cong đuôi chạy quanh sân, nhìn thấy bà nó vẫy đuôi ư ử như mách bảo nhà có chuyện. Một làn khói cuộn lên từ bên trong nhà con Cải. Bà chưa hiểu chuyện gì, con Lu đã chạy đến cào vào chân bà kêu ăng ẳng. Bà sực tỉnh “Thôi chết, má con Cải ra đồng quên dập bếp lửa”. Bà lao vào nhà, bên trong mù mịt khói, lửa lúc này đã bén lên mái, lan ra cả vườn sau, ngùn ngụt cháy. Bà  quýnh quáng ra lu nước lấy chậu tạt lia lịa vào đám cháy, nhưng không kịp nữa rồi, ngọn lửa bùng lên dữ dội. Trong lúc hoảng loạn, bà chợt nghe tiếng thét.

“Cứu con!”.

Là tiếng con Cải, bà câm sững lại. Hóa ra con Cải đang ở trong nhà. Vớ được cái mền ở góc giường, bà lao về phía con Cải. Trong đám khói mù mịt, bà nhìn thấy nó ngồi co rúm, gương mặt thất thần. Chỉ kịp trùm cho nó cái mền, bà ôm nó ra ngoài. Lúc này đám cháy đã bủa vây bốn bề, bà kiệt sức gục xuống nhưng vẫn quấn con Cải trong cái mền thiệt chặt, nằm đè lên che cho nó. Ngọn lửa lan đến chỗ hai bà cháu, nóng rẫy. Bà chỉ kịp ú ớ “cứu… cứu…” rồi ngất lịm...

Người làng kéo đến, một lúc đám cháy được dập tắt. Căn nhà của con Cải bị thiêu rụi, chỉ còn là một đống đổ nát. Người ta tìm thấy xác bà câm nằm sấp bên cánh cửa, trong lòng bà, con Cải đen nhẻm vì khói, tóc tai cháy xém. Nó hoảng loạn nhưng không khóc, cũng không thốt ra được lời nào.

* * *

Con Cải ngồi trên cái nền gạch đã cứng lại như đá, trước khi bị phá đi, nơi này là cái chòi của bà câm. Nó thẫn thờ nhìn những cánh cò chấp chới ở cánh đồng bên bay về, gần đó mấy con bò gầy nhom đang nằm trốn nắng, trệu trạo nhai cỏ dưới tán cây. Ngoài vườn chỉ còn lại vài bông nắng lưa thưa dưới giàn mướp cuối mùa. Gió chiều hiu hiu khiến mấy sợi tóc đang bết lại trên trán nó bay phơ phất. Có lẽ gió cũng buồn, gió cũng mồ côi. Trên cái sân gạch này, chỉ mới đây thôi là cái quán nhỏ, trưa hè bà câm thường ngồi chải tóc.

Xa xa có tiếng gà xao xác gáy. Ngọn lửa hôm nào đã thiêu rụi đám cỏ trong vườn, vạt đất trũng xuống, những bông hoa cỏ li ti, yếu ớt còn sống sót đang rung nhè nhẹ. Con Cải lại nhớ bà câm. Cho đến lúc bà chết đi, người làng cũng không ai biết tên bà, chỉ tìm thấy một tấm hình đen trắng đã nhòe, tấm hình duy nhất trong cái túi bà đeo bên người ngày bà trôi dạt đến làng, Trong hình là một đôi vợ chồng trẻ, người đàn bà gương mặt rạng ngời, trên tay bế đứa bé con nép bên chồng, là bà câm ngày xưa. Người làng chôn bà câm dưới chân con dốc Mù U, nơi bà đã đến và sống mấy mươi năm. Con dốc đến giờ vẫn buồn thiu.

Tránh nhớ về cảnh tang thương ngày nào, ba má con Cải quyết định dọn vào trong làng. Hôm nó nghe ba má bàn bạc, đợi đủ năm sẽ đưa bà câm về nằm trong vườn nhà cho ấm. Mỗi khi đi học về, ngang qua dốc Mù U con Cải luôn dừng lại bên mộ bà câm, nó lặng lẽ nhổ cỏ, thầm thì kể chuyện nhà, chuyện lớp cho bà nghe. Nhìn những trái Mù U rụng vơ vất quanh mộ bà, nước mắt nó trào ra vì nhớ, nhớ niêu cơm nhỏ xíu, nhớ mấy con cá kho khô quắt quéo, nhớ cục kẹo ú, nhớ cả bàn tay gân guốc của bà ôm trọn bàn tay nó...

Người trong làng đến giờ vẫn nhắc đến bà câm. Riêng con Cải là người duy nhất trong làng được nghe tiếng bà vào giờ phút cuối. Tiếng của người đàn bà một đời câm lặng. Mỗi khi đi qua con dốc Mù U, thấy những bóng nắng buồn tênh khẽ lay động trong tiếng gió xào xạc, con Cải lại tưởng như bước chân bà câm đang đến bên nó, chải mớ tóc rối cho nó. Mắt nó cay cay…

Vũ Ngọc Giao
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top