ClockChủ Nhật, 31/03/2024 07:26

Mâm cơm nóng

TTH - 1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Bóng nắng

 

Ở tuổi của My, chuyện phá sản chẳng phải là vấn đề gì quá sống còn. My đủ mạnh mẽ để đứng lên sau cú sốc, My nghĩ vậy. Nhưng còn biết bao nhân viên sống bằng đồng lương mỗi tháng, có người còn nuôi con nhỏ, mẹ già…

My có chút do dự, nhưng mỗi khi đứng trước bước ngoặt quan trọng, chồng My luôn là nguồn động viên tinh thần lớn nhất, tiếp cho My sức mạnh để My tin là mình sẽ thắng.

Buổi sáng đầu tuần, trời trong veo. Thời tiết những tháng đầu năm nắng đến khắc nghiệt. Mới sáng mà cái nắng như thể bùng lên sau những ngày bị kìm nén, nắng tưởng như muốn thiêu rụi cả hàng cây vừa đâm chồi non mơn mởn ven đường.

My đến văn phòng sớm hơn thường ngày. Hôm nay là ngày quan trọng. Công ty cô có cuộc họp với đối tác là khách hàng quốc tế, để biết rằng bao nhiêu tâm huyết mà cả công ty đổ ra bấy lâu có được tiếp nhận hay không. Sự hồi hộp khiến My không còn đủ tự tin để nghiêng về thắng lợi, như bao lần khác.

Chỉ còn ít phút nữa diễn ra cuộc họp, cả offline và online, My đứng nhìn ra mảnh sân đầy màu xanh của cây lá. Chỉ nhìn và hít thở thật sâu. My cần một sự tỉnh táo trong tâm trí mình trong lúc này. Điện thoại có tin nhắn, My biết ngay là của Vũ: “Bà xã anh sẽ làm rất tốt! Cố lên! Anh luôn ủng hộ em!”.

My mỉm cười với nguồn sức mạnh từ chồng vừa gửi đến. Cô sải những bước chân đầy tự tin vào phòng họp.

Buổi họp diễn ra hồi hộp như chưa từng. Phía bên công ty My sẽ có bài giới thiệu cho dự án của mình, với những tiện ích và cả sự vượt trội so với những sản phẩm hiện có trên thị trường.

Quyết định cuối cùng là của vị sếp trên màn hình online với đường truyền chập chờn nhưng âm thanh thì rất rõ.

Gần hai tiếng trôi qua. My cùng cả phòng vỡ òa khi nghe tiếng “Yes” của đối tác ở tận Úc. My ôm chầm lấy các cộng sự của mình. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán mỗi người, My càng có thêm lòng quyết tâm sẽ làm thật tốt. Sẽ đáp đền những nỗ lực của toàn thể nhân viên mình.

2. Vũ đón My bằng bữa cơm với đầy ắp những món ăn mà My thích, do tự tay anh nấu. Vừa thấy My, giọng anh tươi tắn: “Anh biết bà xã anh sẽ làm rất tốt mà!”.

Lúc My vừa vào nhà, Vũ định kéo ghế cho My thì bước hụt chân hay sao đó, anh té khụy ngay ở bàn ăn. My chưa kịp hiểu chuyện gì thì Vũ đã đứng dậy rất nhanh. Anh cười tươi có ý nói với My rằng anh không sao. Nhưng một lúc sau, Vũ lại thấy mắt mình mờ đi thì phải. Có lẽ do anh nhìn ra ngoài nắng, rồi hoa mắt chăng?

Bữa cơm hôm đó, My nhẩn nha ngồi ăn cùng Vũ. Cô hỏi thăm tình hình hai đứa con mà ngày nào Vũ cũng đón đưa chúng đi học.

My bảo: “Em nhớ con quá! Chiều nay cả văn phòng nghỉ, em cũng dành thời gian ở nhà nghỉ ngơi, hay là anh chở chúng về chơi một hôm?”.

Đương nhiên, mọi yêu cầu của My, Vũ chưa từ chối bao giờ. Anh nhìn vạt nắng còn vàng ruộm trước hiên nhà, nói với My giờ này ở trường mầm non, các con đến giờ ngủ rồi. Để hết giờ ngủ, anh sẽ đến đón con về nhà.

Lúc My ngủ, Vũ rón rén bước thật nhẹ ra khỏi phòng, đóng khẽ cánh cửa để không lọt ra bất cứ tiếng động nào. Vũ muốn My ngủ thật ngon. Để thành công dự án vừa rồi, My đã làm việc cả ngày lẫn đêm suốt hơn 2 tháng. Có những ngày quá mệt mỏi, My nói với Vũ, hay là cô buông hết, về chăm con, nấu cơm cho anh?

Khi ấy, Vũ sẽ chuyên tâm cho công việc chuyên môn của mình: IT cho một tập đoàn vàng bạc đá quý. Vợ chồng My ngoài căn nhà hai vợ chồng mua được, đang ở, còn có căn nhà cho thuê, là của hồi môn ba mẹ My để lại. Căn nhà ở thị trấn thôi, nhưng ngay ngã tư nên buôn bán được, cho thuê cũng ổn định suốt bao năm nay. My nhẩm tính, chỉ cần số tiền ấy cũng dư sức trang trải chi phí cho cả gia đình.

Có lúc My muốn buông bỏ hết thật. Cuộc sống này, đích đến cuối cùng chẳng phải là sự bình an đó sao? Cớ gì cứ phải dấn thân với những cuộc cân não để phải đánh đổi thứ khác giá trị hơn?

Nhưng My chỉ nói vậy thôi. Vũ quen My từ khi cả hai còn ngồi trên ghế nhà trường nên quá hiểu tính My. Với My, được làm việc mới là đang sống. My năng nổ từ thời sinh viên. Vũ không hình dung ra My sẽ như thế nào khi quẩn quanh với bếp núc, chợ búa. Vũ luôn ủng hộ My trong sự nghiệp. Chung quanh My là những con người tài năng, những dự án lớn, những đỉnh cao mới…

Vũ giành luôn phần chăm 2 con, để My toàn tâm cho công việc. My nói với Vũ rằng cô ấy sẽ về hưu non ở tuổi 40. Khi đó, hai vợ chồng sẽ sống thảnh thơi bên con cái.

Gần 3 giờ. My trở mình thức giấc. Vạt nắng đã nhạt dần sau khóm cây trước hiên nhà.

Lâu lắm My mới có một giấc ngủ ban ngày dài, sâu đến như vậy. My thấy cổ họng khô khan, cô xuống nhà bếp định tìm nước uống thì chạm phải màn hình điện thoại còn sáng đèn, có lẽ có ai đó vừa gọi. My nhớ ra trước giấc ngủ trưa, Vũ nói My muốn ngủ ngon thì đừng mang điện thoại vào phòng. Vũ còn nói anh sẽ đi đón con về trước khi My thức giấc.

Linh cảm điều gì đó không hay khiến tâm trí My bất an ngay lập tức. Bên kia đầu dây là một người lạ: “Anh ấy có phải là người nhà của cô không? Anh bị té bất tỉnh trước cổng trường, vừa được đưa vào bệnh viện…”.

My thấy tai mình ù đi.

3. Lúc My đến bệnh viện, Vũ còn nằm bất động trên băng ca, ở bên ngoài phòng cấp cứu. My chạy đến nắm lấy bàn tay Vũ, những ngón tay to bè, buông thõng chẳng có bất cứ sự kết nối nào với My.

Chiếc xe băng ca được hai cô y tá thoăn thoắt đưa đi, My bị đẩy ra khỏi cánh cửa phòng cấp cứu đặc biệt. Đứng bên ngoài, My cảm giác thời gian như dừng lại, dài lê thê. Khuôn mặt trắng bợt của Vũ còn lưu lại trong ánh nhìn của My. Chắc là cơ thể anh đã trải qua những ngày mệt mỏi lắm? Đàn ông mà, chẳng tiểu tiết như đàn bà để có cơn đau nhói nào từ bên trong cũng nhăn nhó thở than. Từ bao giờ, hình ảnh anh trong mắt My vẫn là khuôn mặt khả ái với nụ cười thường trực. “Anh ổn lắm, em đừng lo!” – bất cứ lần ốm đau nào anh cũng nói câu đó với My. Nên My đâu có lo. Giờ My cũng chờ anh thức dậy để nói với cô câu nói đó. Anh nhất định phải nói với My câu đó!

My cố gắng ngồi xuống băng ghế chờ, nhưng bàn chân nhấp nhổm không thể nào yên vị. My lại đứng lên, rồi ngồi xuống, đứng lên…

Ở cửa phòng cấp cứu, có quá nhiều cảnh máu me be bét, cả những thân hình được phủ lớp vải trắng đẩy ra trong tiếng gào khóc của người nhà. Con người bỗng thật nhỏ bé trong cuộc chiến giành lại sinh mạng này.

Thật lâu sau mới có tiếng loa gọi người nhà, bệnh nhân tên Vũ. My hớt hải chạy vào phòng bác sĩ theo hướng dẫn.

Bác sĩ nói Vũ có khối u trong não, cần nhập viện gấp để theo dõi điều trị. Hiện, người nhà yên tâm vì bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

4. Vũ được xuất viện trong một ngày cuối hè. Màu nắng như tiếp thêm sắc vàng cho những chậu cánh bướm khoe sắc. Vũ ngước nhìn nền trời trong xanh. Mùa này là mùa gió về. Có lẽ buổi chiều sẽ có những gợn mây trắng với rất nhiều hình thù mà hai cô công chúa của anh rất thích.

Trong gian bếp, My tranh thủ tắt lửa nồi cá kho, rồi nhanh chóng đỡ lấy túi xách cho ba chồng. Người đàn ông cười hiền lành: “Về nhà là khỏe rồi!”.

Vũ cũng hít hà mùi cá kho vừa kẹo nước trên bếp, giọng tươi vui: “Thơm quá! Hôm nay đầu bếp của anh đãi món ngon gì đây?”.

Bữa cơm với đầu cá lóc kho tộ trong nồi đất, rau tập tàng luộc, canh tôm nấu cải ngồng, được My dọn lên bàn ăn. Kèm thêm mấy trái ớt xanh hái trong vườn nhà. Vũ nói món cá kho phải có ớt mới đủ vị. Mẹ chồng My thì có lần nói, khẩu vị của Vũ y như ba chồng My. Từ cách chấm nước mắm cho đến những món kho phải khô kẹo lại…

Cả nhà ngồi ăn trong gian bếp gọn gàng do bàn tay My tiếp quản từ Vũ, trong suốt thời gian anh nằm viện.

Trùng hợp trưa hôm ấy, trên ti vi phát chương trình Trò chuyện với doanh nhân mà nhân vật được phỏng vấn chính là My. Biên tập viên cũng là bạn học của My, biết tin My rời vị trí giám đốc đã hết sức ngỡ ngàng. Cô ấy năn nỉ My nhận lời tham gia buổi trò chuyện, xem như lời chào tạm biệt với khách hàng cũng như đối tác. Công ty mà My gầy dựng lên sẽ để lại cho cậu em trai tiếp quản.

Trong bộ vest đúng với phong cách đi làm mỗi ngày của mình, My không trang điểm đậm nhưng vẫn giữ nét tươi tắn, tự nhiên. Khi MC hỏi thành tích ấn tượng nhất của mình cho đến ngày hôm nay là gì? My đã trả lời rất nhanh rằng, đó chính là nấu mâm cơm nóng cho gia đình mình. Nhìn chồng con mình ăn ngon miệng, khỏe mạnh mỗi ngày, đó là niềm hạnh phúc mà không có bất cứ thành quả nào sánh bằng.

My thấy bàn tay Vũ lần tìm bàn tay mình. Hình như anh đang cố ngăn những dòng nước mắt xúc động lẫn hạnh phúc đang trực trào.

La Thị Ánh Hường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Return to top