ClockThứ Tư, 01/01/2014 17:19

Không nhất thiết đô thị tiếp nối đô thị

TTH - Đô thị Huế cần những mảng xanh chứ không phải chỉ là những dãy nhà cao tầng san sát.

KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế tổng hợp tỉnh nhấn mạnh rằng, nếu hình dung đô thị Huế là một mẫu hình nào đó cụ thể sẽ là khập khiễng. Chúng ta không thể áp một mô hình cho tất cả các đô thị khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Huế có sông, có núi, có đồng bằng, có biển và cả vùng duyên hải, do đó, muốn xây dựng đô thị, điều trước tiên phải dựa vào đặc trưng từng vùng miền, về cả tiềm năng thế mạnh về kinh tế, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống của người dân.

Muốn có một đô thị đẹp, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tính cách của người Huế thì đầu tiên cần phải làm đó là, định hình không gian đô thị. Cần phải thay đổi nhận thức ngay từ người dân chứ không chờ đến khi đã triển khai quy hoạch. Tức là, chính quyền cần phải có các động thái để người dân hiểu rằng, chúng ta đang sống trên mảnh đất nhiều đặc trưng, có lịch sử lâu đời về sự tồn tại của các triều đình nhà Nguyễn, có nhiều công trình di tích, di sản, mang đậm dấu ấn cổ xưa. Cũng cần phải làm cho người dân hiểu thêm nữa, những giá trị đã có đó là vốn quý, cần lưu giữ, để khi người dân xây nhà có thể lựa chọn kiến trúc phù hợp với những đặc trưng đó.

Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương sẽ có nhiều thay đổi, nhất là về diện tích. Từ 70km2 hiện nay của TP Huế, đô thị Thừa Thiên Huế sẽ là 5.000km2. Với mật độ dân số hơn 1,2 triệu người như hiện nay, khó đảm bảo tiêu chí về dân số đô thị. Vấn đề được đưa lên bàn nghị sự cách đây không lâu, khi Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng đoàn công tác đến làm việc tại Thừa Thiên Huế. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện đã đề đạt ý nguyện của Thừa Thiên Huế mong Chính phủ cho cơ chế đặc thù trong hành trình xây dựng TP trực thuộc Trung ương. Rất mừng là không lâu sau đó, nguyện vọng của toàn nhân dân Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận.

Trở lại với câu chuyện kiến trúc đô thị Huế, Thừa Thiên Huế chưa phải nóng vội trong việc phát triển nhà ở. Bởi sự tăng trưởng dân số về mặt cơ học ở Thừa Thiên Huế không nóng như các tỉnh, thành phố khác. Tất nhiên, chúng ta cũng phải phát triển theo hướng hiện đại, nhưng là hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối các đô thị. Hẳn nhiên, cũng cần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, nhưng không nhất thiết phải là đô thị tiếp nối đô thị, nhà cao tầng sát nhà cao tầng. Chúng ta cần những mảnh xanh, khoảng không gian tiếp nối, những vùng đệm, vùng lõi chuyển tiếp giữa các đô thị.

Từ Tứ Hạ vào Huế, cũng như từ Hương Thủy, Thuận An đến đô thị trung tâm cần có những khoảng xanh, bao gồm cả ruộng đồng và cây xanh, thảm thực vật để tạo sự duyên dáng, mềm mại cho đô thị Huế. Ngay ở đô thị trung tâm TP Huế cũng cần quy hoạch thêm nhiều diện tích để trồng cây xanh, hay như đề xuất mới đây của một độc giả Báo Thừa Thiên Huế là xây vườn bách thảo. Ngay cả trong quy hoạch điều chỉnh mở rộng từ 70km2 lên 338km2, TP Huế cũng cần chú trọng yếu tố này.

Ngoài ra, chúng ta có hệ thống nhà vườn đặc thù, những ngôi làng cổ, hệ thống đền đài, miếu mạo và nhất là chùa chiền có ở khắp nơi, là cái nôi của văn hóa phật giáo cả nước. Lối kiến trúc cổ này là nét đẹp văn hóa đã đi vào lòng người, vào thơ ca, là điểm đến, dừng chân của không biết bao du khách. Với lối kiến trúc độc đáo này, chúng ta không những phải giữ gìn cho các thế hệ mai sau, mà cần phải có kế hoạch tôn tạo, phát huy và cả phát triển về sau này.

Nói như KTS Lê Toàn Thắng, vốn dĩ đô thị chúng ta đã là một tuyệt tác, thì dù có phát triển thế nào đi chăng nữa cũng phải giữ được bản sắc vốn có. Chúng ta không thể chạy theo bất kỳ hình mẫu của một đô thị nào, mà phải riêng biệt và đặc trưng. Đặc trưng theo hướng đậm đà bản sắc Huế, là sự hài hòa giữa mới và cũ, giữa hiện đại và truyền thống chứ không phải là mô hình lập dị, không giống ai.

Để làm được tất cả những điều này, ngay từ khâu đào tạo KTS, các trường đại học, nhất là Khoa Kiến trúc - Trường đại học Khoa học Huế cần có sự định hướng ngay từ đầu đối với sinh viên ngành kiến trúc, để các em có sự nhìn nhận thấu đáo về đô thị Huế, để từ đó hình thành phong cách, tư duy thiết kế nhà ở, công trình cho Huế. Nói cho cùng, kiến trúc Huế thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ KTS và các nhà quản lý, quy hoạch. Nếu đội ngũ này có cái nhìn đầy đủ và am hiểu tường tận về Huế, cả con người, tập quán, thiên văn, địa lý... thì việc làm thế nào để có một vẻ đẹp riêng, không lẫn với các đô thị khác, là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay. 

Bài và ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển

Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức công bố quyết định kiểm toán Dự án (DA) thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 (DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình) và đường 2 đầu cầu (DA Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An).

Công bố quyết định kiểm toán các dự án xây dựng cầu và đường ven biển
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

TIN MỚI

Return to top