|
Cửa Tư Hiền |
Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh đã triển khai DA xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Hiện nay, các DA này đã hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý và đang triển khai làm các thủ tục liên quan để công bố mở cảng, đưa vào hoạt động khai thác. Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề xuất Chính phủ, bố trí nguồn vốn để tiếp tục đầu tư một số công trình nâng cấp hạ tầng thủy sản, chỉnh trị cửa biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc đầu tư các hạng mục kết nối các khu neo đậu, tránh trú bão Phú Hải (Phú Vang), khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, Cảng cá Tư Hiền (Phú Lộc) kết hợp với khu neo đậu, tránh trú bão nhằm nâng cao năng lực sử dụng các khu neo đậu, tránh trú bão gắn với cảng cá đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ là phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Dù đã được đầu tư các DA xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên còn nhiều hạng mục đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhiều tuyến luồng bị bồi lấp không đảm bảo cho tàu thuyền ra vào các khu vực neo đậu. Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều hạn chế và cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu cá còn manh mún, nhỏ lẻ.
Trước tình hình đó, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung cho tỉnh khoảng 350 tỷ đồng từ nguồn kết dư khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để tiếp tục đầu tư 3 DA nâng cấp hạ tầng hậu cần nghề cá trên địa bàn. Dự kiến đầu tư xây dựng trong năm 2023 – 2025.
Theo đó, đối với DA thành phần nạo vét tuyến luồng, tuyến thủy đạo phục vụ tàu thuyền vào khu neo đậu và ngăn lũ bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ven phá khu vực huyện Phú Vang với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 80 tỷ đồng sẽ xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá cho đội tàu thuyền vào ra tránh trú bão, xây dựng công trình bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản ven phá. Nạo vét khơi thông tuyến luồng vào khu neo đậu, tránh trú bão Phú Hải, đảm bảo cho các tàu có công suất đến 300CV vào ra tránh trú bão, thực hiện hậu cần trước và sau khi ra khơi.
Khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài từ hạ lưu đập Cửa Lác, huyện Phong Điền đến cửa Tư Hiền, huyện Phú Lộc với diện tích lên đến 22.000ha là nguồn cung cấp nguồn lợi thủy sản nước lợ rộng lớn, tạo nguồn thu nhập nuôi cho hơn 56.000 dân sinh sống bằng khai thác đánh bắt tự nhiên và là nguồn thu nhập chính cho hơn 20.000 dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản ven phá. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá đang cạn kiệt, ngọt hóa do biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
DA Nâng cấp khu neo đậu, tránh trú bão Phú Hải, huyện Phú Vang đã thi công hoàn thành, là nơi neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền có công suất tối đa 300CV. Tuy nhiên, do tuyến luồng đoạn từ cầu Thuận An về đến khu neo đậu, tránh trú bão Phú Hải nhiều đoạn bị bồi lắng nên không đảm bảo luồng chạy tàu, cần khơi thông tuyến luồng để đảm bảo phát huy hiệu quả DA.
Riêng đối với DA thành phần nâng cao năng lực khai thác giao thông đường thủy khu vực cửa Tư Hiền, huyện Phú Lộc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220 tỷ đồng nhằm ổn định cửa Tư Hiền, giảm thiểu bồi lắng và xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, tăng khả năng thoát lũ từ đầm phá ra biển và duy trì sự bền vững về môi trường đầm phá. Đồng thời, DA sẽ tiến hành nạo vét khơi thông tuyến luồng từ khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai đến cửa Tư Hiền đảm bảo cho tàu thuyền vào ra tránh trú bão, thực hiện dịch vụ hậu cần trước và sau khi ra khơi.
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư nhiều cảng cá, âu thuyền trên khu vực đầm Cầu Hai phục vụ giao thương nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hết nhiệm vụ, do tuyến luồng vào bị cạn dẫn đến không có tàu vào neo. Hiện trạng, khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai phục vụ cho trên 420 tàu có công suất từ 35 - 200CV, trong tương lai với 300 chiếc công suất 300CV với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu cửa Tư Hiền và tuyến luồng không được khơi thông thì DA này cũng sẽ chưa phát huy hết nhiệm vụ thiết kế.
Số tàu thuyền của ngư dân các xã ven đầm phá như Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Giang, thị trấn Phú Lộc, Lộc Điền, Lộc An… là rất lớn. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại trung bình mỗi xã có 10 tàu đánh bắt xa bờ loại trên 250CV và hàng trăm ghe thuyền nhỏ khai thác gần bờ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có ghe thuyền nhỏ vào ra neo đậu, còn lại các tàu lớn sau chuyến đi biển phải chạy vào các cảng ở Đà Nẵng để bán sản phẩm, điều này đã làm thất thoát nguồn thu lớn cho địa phương.
Cửa biển Tư Hiền hiện đã có DA đảm bảo khơi thông, có đê ngăn cát hạn chế chống bồi lấp đảm bảo cho tàu thuyền vào ra. Tuy nhiên, để tàu thuyền có thể cập được khu neo đậu Cầu Hai cần phải nạo vét khơi thông tuyến luồng từ cửa biển Tư Hiền lên đến bến neo đậu. Vì vậy, việc thực hiện nạo vét tuyến luồng và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công trình chỉnh trị cửa Tư Hiền là hết sức cần thiết.
Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) cho biết, việc đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn tỉnh làm nền tảng và tạo môi trường thuận lợi cho các DA phát triển kinh tế, du lịch, phòng, chống thiên tai, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.
Sau khi các DA hoàn thành sẽ đảm bảo điều kiện lưu thông cho tàu bè vào ra qua cửa biển, khôi phục hoạt động của các cảng cá, âu thuyền tránh trú bão cho các tàu vào ra trao đổi hàng hóa, tránh trú bão thuận lợi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân vùng DA.
Bên cạnh đó sẽ kích thích các ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, hàng tiểu thủ công nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch bằng đường biển. Đồng thời, việc duy trì được độ sâu luồng lạch, giảm khối lượng bồi lấp lại hàng năm sẽ góp phần cải thiện khả năng thoát lũ, giảm thời gian ngập lụt trong lũ.