ClockThứ Hai, 20/05/2019 05:15

Nhiều phương pháp ôn luyện ngoại ngữ

TTH - Trước nỗi lo khó vượt qua môn ngoại ngữ trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia sắp đến, các trường và thí sinh đang áp dụng nhiều phương pháp để ôn luyện.

Giáo viên dạy trường chuyên: Chỉ giỏi chuyên môn thôi chưa đủKết nối thế giới nhờ ngoại ngữGiảm "độ vênh" cho giáo viên ngoại ngữ

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ hướng dẫn cách học và ôn luyện môn ngoại ngữ cho học sinh

Chọn cách ôn luyện phù hợp

Ngay từ học kỳ I của năm học 2018 - 2019, Trường trung học phổ thông (THPT) A Lưới tiến hành tổ chức ôn luyện thi THPT Quốc gia cho học sinh lớp 12. So với các trường ở vùng đồng bằng, tỷ lệ học sinh Trường THPT A Lưới tham dự kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp năm nay khá cao, có đến 137 trường hợp thuộc diện này (chiếm 51,3%). Môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc và cũng là môn khiến nhiều thí sinh lo ngại, nhất là các thí sinh vùng cao nên công tác ôn luyện được tiến hành rất kỹ.

Bà Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới cho biết, khoảng tháng 10/2018, nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh, chú trọng các môn thi bắt buộc, nhất là ngoại ngữ. Các lớp học này tổ chức trái buổi (so với buổi học chính), ngoài ôn luyện kiến thức thì giáo viên còn cho học sinh giải đề bám theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tùy sức học của học sinh để giáo viên đưa ra cách ôn luyện, mục đích để các em cố gắng phải đạt được điểm theo yêu cầu, những phần nào học sinh dễ đạt điểm thì các thầy cô ưu tiên dạy và luyện thi cho học sinh.

Tại các trường THPT ở TP. Huế và các huyện, thị lân cận, công tác ôn luyện và thi thử môn ngoại ngữ được tổ chức khá kỹ. Năm nay, thí sinh phải thi chương trình của 3 lớp 10 - 11 và 12 nên việc ôn luyện nhiều hơn và các giáo viên đầu tư, xây dựng đề ôn tập, thi thử kỹ hơn. Cô giáo Lê Thị Minh Phương, Tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho hay, trường đã tổ chức các đợt thi thử, tập cho học sinh làm quen với đề và không khí, phương pháp thi THPT Quốc gia. Sau đợt thi thứ nhất, điểm dao động từ hơn 2 điểm đến hơn 9 điểm, các giáo viên phân hóa học sinh để có phương pháp ôn luyện phù hợp. “Chúng tôi cho các em sức học yếu hơn tập trung vào phần cơ bản trong đề. Chỉ những học sinh thi tổ hợp môn liên quan đến tiếng Anh mới ôn luyện phần nâng cao”, cô Phương nhấn mạnh.

Tính đến tháng 5/2019, nhiều trường THPT đã hoàn thành 2 đợt tổ chức thi thử cho học sinh và tiếp tục đưa ra phương án ôn luyện tiếp. Ngoài ôn kiến thức và giải đề, điểm mà các trường chú trọng là bày các mẹo làm bài cho thí sinh, trong đó chú trọng những cách loại trừ đáp án nhanh, nhớ cách phát âm hay mẹo nhớ các thì, các loại câu… Bên cạnh đó, giáo viên tại các trường cũng hướng dẫn học sinh phân chia thời gian hợp lý khi làm bài, phân tích để thí sinh hiểu về ma trận, cấu trúc đề thi.

Nỗ lực tự ôn

Ngoài học kiến thức và ôn thi tại trường, nhiều thí sinh cũng đang tự nỗ lực ôn luyện nhằm giảm bớt nỗi lo về môn ngoại ngữ. Phan Thị Thúy Vân, thí sinh dự định thi tổ hợp các môn khối D chia sẻ, phải tận dụng khoảng thời gian ôn luyện song song tại trường để tự ôn luyện nhiều hơn, những kiến thức chưa hiểu có thể nhờ thầy cô hướng dẫn thêm. Mỗi ngày, Vân dành khoảng 3 tiếng đồng hồ (từ 9 - 12 giờ đêm) để tự giải đề. Các đề được khai thác trên các trang mạng, nhất là các trang luyện thi THPT Quốc gia. “Ngoài ra, em có đến trung tâm luyện thi mỗi tuần 3 buổi để ôn luyện thi môn ngoại ngữ. Làm đề các năm trước em chỉ đạt 6 - 7 điểm nên cần phải nỗ lực tự ôn nhiều hơn”, Vân nói.

Một trong những hình thức được nhiều học sinh áp dụng là phương pháp học nhóm, nhất là đối với những trường hợp chú trọng môn thi ngoại ngữ. Nguyễn Thị Diệu Ái, học sinh lớp 12B10, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho rằng, phần ngữ pháp và nâng cao trong đề thi rất khó, cần ôn luyện nhiều. Ngoài học từ thầy cô và thì việc kết hợp những nhóm bạn để mua sách bài tập có các bộ đề đề thi để cùng trao đổi và giải có hiệu quả. Môi trường bạn bè học chung sẽ tạo ra động lực và cùng nhau tìm ra những phương pháp học tốt nhất.

Hiện nay, bên cạnh việc học từ vựng và cấu trúc trong sách giáo khoa, nhiều thí sinh chọn cách mở rộng và trau dồi thêm từ vựng ở bên ngoài như đọc sách báo nước ngoài, xem phim có phụ đề tiếng Anh… đồng thời, luyện tập nhiều dạng bài khó và những dạng bài mà họ cảm thấy yếu. Ngoài ra, nhờ thi học kỳ II sớm nên học sinh có khoảng thời gian tập rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, phân tích đoạn văn, khả năng suy luận để đoán nghĩa của từ.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử bắt đầu từ đâu?

Vai trò của người thầy rất quan trọng trong quyết định chất lượng giáo dục nói chung và với môn lịch sử nói riêng. TS. Nguyễn Đức Cương (Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế) đã nhận định như thế khi bàn về chuyện đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay.

Đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử bắt đầu từ đâu
Tập huấn quy trình sản xuất dứa Cayen theo tiêu chuẩn VietGAP

Đó là nội dung được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh (Trung tâm) tổ chức cho hơn 70 hộ gia đình tại xã: Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Xuân, Hương Sơn, Hương Phú, Hương Lộc (Nam Đông) vào ngày 31/8.

Tập huấn quy trình sản xuất dứa Cayen theo tiêu chuẩn VietGAP

TIN MỚI

Return to top