Giờ học tiếng Anh ở Trường THCS Phạm Văn Đồng (TP. Huế)
Nỗi lo đạt chuẩn
Ngay từ năm 2010, Sở GD&ĐT đã tiến hành đánh giá năng lực GV tiếng Anh. Sở phối hợp với Hội đồng Anh Hà Nội (British Council) khảo sát năng lực ngôn ngữ GV, gồm cả nghe – nói – đọc – viết và kiến thức ngôn ngữ được đánh giá qua hệ thống bài kiểm tra của Trường đại học Oxford (Vương quốc Anh), có sự thẩm định của Hội đồng Anh tại Hà Nội. Kết quả đáng buồn khi có tới 84,4% GV không đạt chuẩn.
Ý thức được tầm quan trọng của năng lực GV quyết định đến chất lượng đào tạo, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuẩn hóa. Trong 5 năm (2012 - 2017), đã có 51 lớp bồi dưỡng chuẩn hóa năng lực ngôn ngữ với sự tham gia của 1.200 GV. Kết quả bồi dưỡng, chuẩn hóa GV ngoại ngữ cho thấy một tín hiệu vui khi đến năm 2017, đã có 84,3% GV tiếng Anh toàn tỉnh đạt chuẩn, riêng GV tiểu học cũng đã có 80,1%. Đó được xem là tỷ lệ cao so với mặt bằng chung toàn quốc.
Cùng với GV tiếng Anh, GV các thứ tiếng khác cũng được chú trọng. Hàng chục GV tiếng Pháp được theo học các lớp bồi dưỡng năng lực B1, B2, C16. Riêng GV tiếng Nhật, Sở GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn kết hợp với tự bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ ngôn ngữ.
Số lượng GV đạt chuẩn đã tăng cao trong những năm qua, tuy nhiên vẫn chưa sát thực là vấn đề đáng suy nghĩ. Đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy, nhìn chung GV tiếng Anh vẫn còn rất yếu về kỹ năng nghe và nói, có "độ vênh" rất lớn giữa năng lực bằng cấp và năng lực thực tế, tính bền vững chưa cao. Một số GV có tư tưởng an phận, ngại khó trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin… GV vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, chuẩn hóa đội ngũ GV do địa hình cách trở. Việc dạy các môn khoa học tự nhiên cho học sinh chuyên và các trường trọng điểm được Sở GD&ĐT triển khai sớm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do thiếu GV.
Tạo môi trường phù hợp
Từ thực tiễn giảng dạy, cô giáo tiếng Anh Lê Thị Minh Phương của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ: Khó khăn nhất trong việc dạy ngoại ngữ không phải là chương trình, tài liệu hạy học sinh mà là thời gian. Nói rõ hơn, đó là số tiết học để hoàn thành chương trình sách giáo khoa và để đạt được các mục tiêu của chương trình học mới này để học sinh phát triển đồng đều được cả 4 kỹ năng ( nghe - nói - đọc - viết). Cô Minh Phương nêu cụ thể, với một tiết speaking chẳng hạn, GV cần thời gian để hướng dẫn học sinh học tập, gợi ý kiến thức và từ vựng, dành thời gian để học sinh luyện nói theo cặp, theo nhóm… nên còn rất ít thời gian để có thể đánh giá, sửa lỗi trực tiếp, cụ thể cho từng học sinh.
Đạt chuẩn chỉ là điều kiện cần, để phát huy vai trò của người thầy trong phát triển môn ngoại ngữ, nhà trường và cả cộng đồng cần tạo ra một môi trường học tập năng động và hấp dẫn, có sự phối hợp tích cực giữa thầy và trò. Để có môi trường tốt, việc đầu tư cơ sở vật chất rất quan trọng. Học sinh phải được luyện tập nghe - nói trong những phòng riêng biệt, đầy đủ máy móc. Ngành giáo dục cần kêu gọi xã hội hóa việc học ngoại ngữ, thúc đẩy vai trò của các đơn vị đào tạo ngoại ngữ bên ngoài nhà trường. Đối với thầy giáo ngoại ngữ, phải biết tạo ra tình huống, khả năng để hướng dẫn học sinh học tập. Bên cạnh việc thiết kế, phân bố thời gian hợp trong mỗi tiết học, người thầy còn phải biết cách giúp đỡ, giảm độ khó cho học sinh, truyền tải kiến thức mới gắn với hướng dẫn, củng cố kiến thức toàn bài.
Cho dù vẫn còn có những “độ vênh” nhưng con số 15% GV ngoại ngữ chưa đạt chuẩn vẫn là mục tiêu cần giải quyết. Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT kiến nghị, UBND tỉnh đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ theo khung năng lực châu Âu, tạo sự phát triển nhất quán và bền vững; có chế tài đủ mạnh để tạo động lực và ý thức cho GV học tập liên tục và suốt đời; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ ở các trường; xã hội hóa giáo dục trong dạy học tiếng Anh ở những lĩnh vực, khu vực có điều kiện; cho phép Sở GD&ĐT được tổ chức kiểm tra, sát hạch năng lực ngôn ngữ của đội ngũ GV để duy trì và phát triển kết quả đạt được.
Sở cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT cần có chế tài đủ mạnh (quy định chứng chỉ ngoại ngữ có thời hạn) để tạo động lực và chuẩn hóa trình độ, ban hành bộ tiêu chuẩn, tiêu chí nghề nghiệp cho GV ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học, tổ chức thi cuối khóa cho học sinh lớp 12 ở nhiều thời điểm khác nhau hoặc có thể dùng chung chứng chỉ có giá trị quốc tế thay thế. Ông Mỹ cho biết thêm.
Bài, ảnh: Huế Thu