ClockThứ Hai, 02/01/2017 07:14

Trao gửi yêu thương

TTH - Có những phận người vẫn còn hao khuyết, nhưng trên môi đã nở nụ cười bởi họ được trao tình cảm từ những con tim ấm áp... Và Báo Thừa Thiên Huế là cầu nối để chia sẻ yêu thương.

Đặt niềm tin

Vào đầu mùa mưa, cũng là lúc tôi vượt đèo dốc, qua chặng đường gần 100 cây số từ TP. Huế đến Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (đóng trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện A Lưới) đi thực tế lấy tư liệu thực hiện đề tài về tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao. Thế nên, tôi “ngẩn tò te” khi “anh biên phòng” Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Hồng Vân dẫn tôi vượt đèo Pêke quanh co dài hút, đến một ngôi nhà sàn cũ kỹ, mái thủng lỗ chỗ ở xã Hồng Thủy, là nơi trú ngụ của đôi vợ chồng già trên 80 tuổi (cụ ông còn bị tâm thần nhẹ) và hai cháu ngoại mồ côi, đứa 8 tuổi, đứa 5 tuổi. Mưa. Tiếng nước dột tong tong xuống chiếc thau hứng trên sàn. Ông cụ nằm còng queo bên bếp lạnh. Bà cụ ngồi ngóng hai đứa cháu còi cọc đang đi học tự “tha” nhau về. Tất cả khiến bạn đọc nhói lòng.

PV Báo Thừa Thiên Huế trao tiền bạn đọc hỗ trợ cho em Oanh (hiện đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế) bị máy cuốn tróc da đầu.

Tuấn bảo, hàng tháng bộ đội biên phòng đồn Hồng Vân giúp đỡ khoản tiền nhỏ hỗ trợ học tập cho cháu lớn theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Nhưng để giúp gia đình cháu côi cút, ông bà già, bệnh, cần lắm những tấm lòng nhân ái, mà chỉ có báo chí mới là sự kết nối, lan tỏa đáng tin, hữu hiệu nhất. Trăn trở mãi về việc này nên nhân khi có nhà báo đến, Tuấn “bắt cóc” đưa đến tận nơi để viết bài. Xúc động trước tấm lòng của Tuấn, của những anh bộ đội biên phòng, xúc động trước những mảnh đời quá bất hạnh, tôi viết về hai chị em mồ côi, về ông bà ngoại già, bệnh tật của các cháu bằng nỗi xúc động.

Không “bắt cóc” phóng viên như Tuấn, nhưng Báo Thừa Thiên Huế là địa chỉ đầu tiên cô giáo Nguyễn Thị Tứ (lúc đó là Hiệu trưởng Trường mầm non A Roàng, nay là cán bộ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới) kết nối, với suy nghĩ đây là chiếc cầu đáng tin có thể nối những tấm lòng để sẻ chia với một bé trai sơ sinh sứt môi hở hàm ếch nặng bị người thân bỏ lại bên vệ đường.

Có lúc điện thoại tôi rung lên bởi những lời “cầu cứu” rụt rè. Đôi khi hộp tin nhắn facebook của tôi nhận địa chỉ trường hợp cần giúp đỡ khẩn do nhà báo Ngô Phú Giang (người từng “ngồi ghế” Thư ký Tòa soạn, nay là Trưởng Phòng điện tử Báo Thừa Thiên Huế) với lời nhắn “chị tìm hiểu xem có thể giúp người ta”. Gần đây nhất, lúc chuyển cho tôi địa chỉ một sinh viên Trường đại học Nông nghiệp Huế hoàn cảnh mẹ góa con côi, bị máy cuốn tróc hết da đầu, đứt lìa tai khi em đi thực tập, Phú Giang bảo, một chị vào bệnh viện thiện nguyện, thấy tình cảnh mẹ con em sinh viên đáng thương quá nên nhờ báo...      

Lan tỏa yêu thương

Những ngày sau khi bài báo viết về Kim Em, Kim Út (hai chị em mồ côi ở xã Hồng Thủy, A Lưới) được đăng, tôi liên tục nhận điện thoại của Tuấn. Anh bộ đội biên phòng không nén được vui mừng khi “cập nhật” cho tôi mỗi lần có bạn đọc hỗ trợ. Món tiền gửi vào tài khoản Tuấn đôi khi chỉ 100 nghìn đồng, nhưng đó là cả một tấm lòng, một sự sẻ chia đáng trân trọng. Anh Hoàng Công Nhớ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện “Trái tim hồng” sau khi biết thông tin từ bài báo, đã “bắc cầu” cho những bàn tay ấm áp. Ngày 14/11/2016 là một ngày đặc biệt đối với tất cả những người dành tình thương cho hai chị em mồ côi. Với khoản tiền và tình cảm được gửi gắm từ rất nhiều tấm lòng, bộ đội biên phòng đồn Hồng Vân, đoàn viên thanh niên xã Hồng Thủy và những thành viên trong câu lạc bộ “Trái tim hồng” cùng phối hợp, đứng ra khởi công sửa lại nhà cho ông bà ngoại già bệnh và hai cháu Kim Em, Kim Út. Ba ngày liền trước khởi công, bộ đội biên phòng, đoàn viên thanh niên xã đã mướt mồ hôi chặt tre, xuống suối kiếm đá di chuyển về điểm tập kết. Mấy hôm sau, ngôi nhà đã được sửa chữa vững chắc, không chỉ bằng tôn, tre, đá..., mà hơn thế là bởi những “nguyên vật liệu” đặc biệt, là tình thương của rất nhiều bạn đọc, những nỗi nặng lòng, những giọt mồ hôi của bộ đội biên phòng, đoàn viên thanh niên xã và các bạn thành viên câu lạc bộ “trái tim hồng”.

Đó cũng chính là cảm xúc khi Báo Thừa Thiên Huế kết hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện sứ mệnh cầu nối để bạn đọc trên mọi miền gom góp tình cảm, sẻ chia gửi về em sinh viên Trường đại học Nông lâm Huế bị tai nạn máy cuốn tróc da đầu. Tôi khó có thể quên cảm giác xúc động đến muốn rơi nước mắt khi nghe giọng Thắng, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng reo vui qua điện thoại báo tin bạn đọc hỗ trợ đợt một được 15 triệu đồng. Đồng hành yêu thương, Câu lạc bộ “Trái tim hồng” cũng trao 10 triệu đồng, chung tay làm vơi đi nỗi lo, nỗi đau của em. Hôm chúng tôi đến Bệnh viện đại học Y Dược Huế gửi trao tình cảm từ những tấm lòng nhân ái, em đã khóc. Nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc, là lời cảm ơn xúc động.

Còn chị Hồ Thị Thu Hồng, người mẹ Pa Cô (ở xã A Ngo, huyện A Lưới) có trái tim bao la, người đã “nhặt” đứa trẻ sơ sinh sứt môi hở hàm ếch bị cha mẹ ruột vứt bỏ tím tái bên vệ đường, cũng rơi nước mắt hạnh phúc như thế khi rất nhiều tấm lòng ấm áp chia sẻ, để chị có thêm niềm tin, thêm vững bước trên con đường dài chữa trị bệnh tật, nuôi nấng yêu thương một phận người bất hạnh. Tháng 7 vừa rồi bé trai đã được phẫu thuật lần thứ nhất. Nụ cười đã “tròn” hơn trên gương mặt trẻ thơ.

Yêu thương mang lại ấm áp và nụ cười. Yêu thương đã làm nên những điều kỳ diệu. Bài viết này xin như là lời cảm ơn gửi đến những tấm lòng nhân ái đã đồng hành cùng Báo Thừa Thiên Huế trên nẻo đường yêu thương.

Năm 2016, Báo Thừa Thiên Huế kết hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng trao hơn 70 triệu đồng do bạn đọc hỗ trợ, chia sẻ đến những trường hợp mồ côi, bệnh tật... mà Báo đã thông tin.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương
Thấu hiểu để yêu thương

Mang đến những hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền và bảo vệ quyền trẻ em, thời gian gần đây, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em (BVQTE) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu giữa phụ huynh và con trẻ.

Thấu hiểu để yêu thương
Gửi yêu thương trên thao trường

Ngày 29/3, Tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Hội phụ nữ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chương trình Đồng hành cùng chiến sĩ mới – Gửi yêu thương trên thao trường, Khâu áo chiến sĩ và bữa cơm ấm lòng tình mẹ.

Gửi yêu thương trên thao trường
Mùa hoa bình yên

Sáng nay trời trở lạnh. Cái lạnh mang hơi hướm của một tiết xuân đang đầy. Mưa lún phún rơi nhẹ trên những luống cải ngồng đang vàng hoa. Mùa hoa cải của ngày tháng đầu năm ở Huế mới đẹp làm sao. Cả một bãi dài là màu xanh êm dịu và màu vàng thắm đượm dưới mắt tơ. Hoa cải mang mùi ngai ngái, vất vưởng khó tan. Hương cải theo gió bay xa.

Mùa hoa bình yên
Return to top