ClockThứ Tư, 28/12/2016 05:06

“Nóng” lao động thời vụ

TTH - Cuối năm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với những vị trí việc làm phong phú, yêu cầu trình độ đa dạng. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nên cẩn thận kẻo sập bẫy với những quảng cáo “việc nhẹ, lương cao”

Lao động làm việc ở khu công nghiệp Phú Bài 

Nhu cầu tăng cao

Thị trường lao động cuối năm khá sôi động, chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao, đa dạng các ngành nghề và trình độ. Một số ngành cung ứng dịch vụ đang chạy nước rút vào dịp cuối năm, như: nhân viên bán hàng, tư vấn, làm đẹp, dọn nhà... hay các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, như dệt may, sản xuất bánh kẹo cũng cần rất nhiều lao động. Các ngành nghề về công nghệ điện tử viễn thông, tài chính, tín dụng, tín dụng bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...cần lượng lao động không nhỏ. Hệ thống các siêu thị tuyển nhiều nhân viên thu ngân, bán hàng, kế toán... Nhiều doanh nghiệp cần nhân sự làm thêm bán thời gian với số chỉ tiêu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đa phần các ngành này chỉ cần lao động thời vụ, phục vụ vào dịp Tết.

Yêu cầu cho những người làm công việc thời vụ khá giản đơn: Kỹ năng giao tiếp và thuyết phục tốt, tác phong nhanh nhẹn, tốt nghiệp PTTH, trung thực, năng động và nhiệt tình trong công việc. Những nhân viên ở vị trí bán hàng và thu ngân thực hiện giờ làm việc theo ca. Mức lương được chủ lao động đưa ra tương đối hấp dẫn. Không ít lao động chọn những công việc như đóng gói, phụ làm bánh với mức lương 150.000 - 200.000 đồng/ngày cộng với một bữa cơm trưa. Chị Lê Thị Thắm (Phú Vang) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ cuối năm, xong việc đồng áng, vợ chồng chị lại lên Huế làm thuê. Chồng nhận bốc vác, chạy xe ôm, còn chị thì phụ nấu ăn ở các nhà hàng. Chủ bao ăn ở, còn trả 200.000 đồng/người/ngày. Công việc vất vả, bù lại  hai vợ chồng có tiền sắm Tết cho con.

Tìm thông tin việc làm cuối năm

Khó tuyển đủ chỉ tiêu

Doanh nghiệp nôn nóng tìm người, song, nhu cầu tìm việc của NLĐ hạn chế. Vì vậy, nhiều đơn vị “dài cổ” chờ lao động dẫu đã phát tờ rơi, thông báo trên các phương tiện để thu hút lao động đến đăng ký. Anh Trịnh Viết Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Hậu cho biết: “Công ty có nhu cầu tuyển dụng 2 nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, rất ít NLĐ đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Sở dĩ doanh nghiệp thiếu nhân viên, vì lao động khi trúng tuyển không chuyên tâm làm việc, chờ có kinh nghiệm, cơ hội họ sẽ chuyển việc ngay”. Để tuyển được lao động vào thời điểm này, các DN buộc phải đưa ra những chính sách lương và các chế độ phúc lợi tốt hơn để cạnh tranh nguồn tuyển. Điều này sẽ hoàn toàn có lợi cho người lao động.

Nhu cầu lao động dịp cuối năm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều công nhân “nhảy việc”. Chị Lê Thị Tuyết Trinh, kế toán một doanh nghiệp tư nhân, cho biết: “Môi trường làm việc không phù hợp, nhiều áp lực, để phát triển nên tôi sẽ thử sức mình ở nhiều công việc khác vào những tháng cuối năm. Sang năm, tôi  sẽ tìm chỗ khác ổn định để làm”. Đây cũng là cơ hội tốt để NLĐ tìm kiếm việc làm tạm thời, hoặc tìm hiểu môi trường làm việc để tìm kiếm công việc ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, người lao động nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi “nhảy việc”. Bởi vì, khi xảy ra tranh chấp lao động sẽ gặp khó khăn do NLĐ thời vụ không được bảo vệ như những lao động làm việc cố định.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm đưa ra lời khuyên: “Có nhiều công việc đa dạng cho NLĐ lựa chọn, tuy nhiên, nên cẩn trọng nắm bắt việc làm. Nếu như doanh nghiệp tuyển dụng với công việc và mức lương phù hợp nên ứng tuyển. Nếu người lao động yêu cầu lương cao hơn nhiều so với mức chung thì khó tìm được việc làm phù hợp và bỏ lỡ cơ hội tuyển dụng”. Ông Thông đưa ra cảnh báo, những công việc từ nhà tuyển dụng, địa chỉ đăng tin không tin cậy, việc nhẹ nhưng lương cao thì nên cân nhắc. Người lao động nên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để được hỗ trợ, giới thiệu việc làm miễn phí, tin cậy.

Thị trường lao động cuối năm đặt ra nhiều vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của hàng chục triệu người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Đã đến lúc cần có sự giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Lao động của doanh nghiệp, đồng thời có chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc, ăn ở, chăm sóc sức khoẻ và hướng phát triển cho lao động để họ có thể ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Các chuyên gia tư vấn việc làm khuyên NLĐ không nên vì cơ hội nhiều mà đứng núi này, trông núi nọ, dễ dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”. Dẫu là hợp đồng thời  vụ, NLĐ phải ký kết hợp đồng với chủ sử dụng, để khi xảy ra tranh chấp còn được pháp luật bảo vệ.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Return to top