Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tại Tuyên Quang, ngày 3/3/1951. Ảnh: TL
Bước ngoặt trong việc tổ chức khối đại đoàn kết dân tộc
Mặt trận Việt Minh là liên minh chính trị tự nguyện của những cá nhân, tổ chức đảng phái, giai cấp, dân tộc, đoàn thể cứu quốc ở Việt Nam nhằm mục đích đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập tự do cho dân tộc. Tinh thần độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân đã được Đảng trình bày cụ thể, ngắn gọn, làm ngọn cờ tập hợp toàn dân, đoàn kết mọi lực lượng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Việt Minh nêu rõ hai nhiệm vụ cốt yếu trong Chương trình của mình là:
Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và làm cho dân tộc Việt Nam được sung sướng tự do.
Kể từ ngày thành lập Đảng cho tới khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Đảng đã nhiều lần thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc với các tên gọi khác nhau nhằm thực hiện những nhiệm vụ cụ thể ở từng giai đoạn cách mạng. Tuy đã có những đóng góp nhất định trong nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, nhưng các Mặt trận này chưa thu hút được tất cả các lực lượng yêu nước trong quốc gia dân tộc để thực hiện nhiệm vụ tự giải phóng. Nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được chuyển vào Chương trình của Việt Minh (25/10/1941) của Mặt trận Việt Minh đã khắc phục được các nhược điểm ấy.
Mặt trận Việt Minh là hạt nhân đoàn kết toàn dân làm cách mạng giải phóng, trong quá trình lớn mạnh của mình đã tập hợp được mọi lực lượng, các tổ chức và cá nhân, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội cùng nhau thực hiện mục tiêu chung, “cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”. Cứu quốc trong những năm tiền khởi nghĩa đã trở thành khẩu hiệu chung của toàn dân tộc. Chương trình của Việt Minh với những chính sách tiến bộ đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân mong muốn Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh không kể địa vị, xu hướng chính trị... đã được mọi tầng lớp nhân dân hoan nghênh, ủng hộ. Thông qua Mặt trận Việt Minh, Đảng đã phát huy đầy đủ vai trò, ảnh hưởng của mình đối với Nhân dân trong sứ mệnh lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Mặt trận Việt Minh là cơ sở để xây dựng các nhân tố cơ bản bảo đảm cho thành công của Tổng khởi nghĩa: Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, các căn cứ địa và chiến khu cách mạng.
Qua Mặt trận Việt Minh, Đảng đã ở trong lòng dân tộc
Hơn 11 năm sau khi chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng năm 1930, Hội nghị Trung ương 8 là Hội nghị Trung ương thứ hai do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Đây là dấu mốc ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Kể từ đó, “tư tưởng của Người và đường lối của Đảng là thống nhất và có những bước phát triển mới, toàn diện, hoàn chỉnh, đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Đảng đã trở lại với đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam như tinh thần của Cương lĩnh đầu tiên - đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc lên trên, trở lại với những luận điểm đúng đắn trong tư tưởng Hồ Chí Minh - coi chủ nghĩa dân tộc chân chính là một “động lực lớn của đất nước”.
Với chủ trương đúng đắn đó, Đảng đã phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng trong Mặt trận Việt Minh. Thông qua Mặt trận Việt Minh, với những Hội cứu quốc đông đảo và rộng khắp, Đảng gắn bó chặt chẽ với Nhân dân. Và cũng qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 minh chứng cho khả năng đoàn kết và uy tín của Việt Minh. Ảnh hưởng và uy tín của Việt Minh là tuyệt đối. Không chỉ đa số người dân Việt Nam biết tới Việt Minh, đi theo Việt Minh mà các lực lượng dân chủ trên thế giới khi đó cũng muốn lợi dụng và dựa vào Việt Minh. Mặt trận Việt Minh là mối liên lạc nối liền chặt chẽ để ý Đảng thấm tới lòng dân, để Đảng có thể phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân trên cả nước. Qua Mặt trận Việt Minh, Đảng đã ở trong lòng dân tộc. Kẻ thù cũng đồng nhất khái niệm Việt Minh với những người cộng sản.
Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã luận giải một cách khoa học sứ mệnh lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, trong đó sự đúng đắn về chủ trương, đường lối, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, lòng trung thành, tính trung thực giữ vai trò quyết định. Năm 1939, Người đã viết: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
Đảng đã lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và sau này lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những tư tưởng đó và đó cũng chính là bí quyết của thành công.
TS. Ngô Vương Anh