Chí sĩ Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam). Trần Cao Vân tên thật là Trần Công Thọ, khi đi thi Hương lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh Như Ý; cùng các biệt hiệu Hồng Việt, Chánh Minh và biệt danh là Bạch Sĩ.

Như bao người con ưu thời mẫn thế khác của xứ Quảng, chứng kiến cái chết kiêu hùng của bậc tiền bối Hoàng Diệu, đã thúc đẩy Trần Cao Vân quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ mộng khoa cử, quan trường để dấn thân vào con đường cứu nước. Trải ba mươi năm chiến đấu dẫm lên hoạn nạn, chủ nghĩa yêu nước đã được Trần Cao Vân đúc kết thành tuyên ngôn và hiệu triệu hành động “Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân”.

Năm 1887, sau thất bại của Nghĩa hội Quảng Nam, ông tìm cách ẩn mình, vào tu ở chùa Cổ Lâm (làng An Định, nay là xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để dễ bề hoạt động. Tại đây, ông gặp một người tâm huyết cùng chí hướng là Thừa Tô (Võ Thạch) – con trai của Cai tổng Trưng ở làng Đại Giang, vốn là bạn học ở Trường Huấn với Trần Cao Vân. Năm Tân Mão (1891), chùa Cổ Lâm bị theo dõi, khám xét, thấy tình thế không thể ẩn mình trong chiếc áo tu hành, ông về làng Đại Giang mở trường dạy học.

Trước tình cảnh nguy nan của dân tộc, năm 1892, Trần Cao Vân quyết vào Bình Định, Phú Yên gặp Võ Trứ, cùng nhau lãnh đạo cuộc chống Pháp ở Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo thất bại, Võ Trứ và Trần Cao Vân đều bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Phú Yên. Võ Trứ – người thủ lĩnh đã dũng cảm nhận hết trách nhiệm về mình. Nhờ vậy, Trần Cao Vân được Pháp tha bổng. Ra khỏi tù, năm 1900, Trần Cao Vân nghiên cứu, khởi xướng thuyết “Trung Thiên Dịch”- một học thuyết nằm giữa “Tiên Thiên Dịch” của Phục Hy và “Hậu Thiên Dịch” của Văn Vương thời cổ đại Trung Quốc. Thời gian này, Trần Cao Vân tiếp tục dạy học trò và bắt đầu tuyên truyền,  phổ biến thuyết “Trung thiên dịch” và ông lại bị bắt, bị kết tội đã phổ biến “yêu thơ, yêu ngôn”, “xúi giục dân làm loạn”, và bị kết án 3 năm tù khổ sai.

Mãn hạn tù, Trần Cao Vân trở về nhà, tiếp tục liên hệ với những người cùng chí hướng. Vào lúc phong trào chống thuế của nông dân bùng nổ (1908) ở Quảng Nam rồi lan rộng ra nhiều tỉnh miền Trung, chính quyền thực dân phong kiến bắt các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân, gồm Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Châu Thượng Văn và cả Trần Cao Vân. Trần Cao Vân bị kết án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo vào ngày 8/8 năm Mậu Thân (1908) cùng với các chí sĩ yêu nước khác của đất Quảng.

Nhờ có sự vận động của môn đồ và một số người có cảm tình ở triều đình Huế nên Trần Cao Vân chỉ bị giam ở Côn Đảo 6 năm rồi được ân xá. Ra tù, Trần Cao Vân lại tiếp tục lên đường dấn thân vào sự nghiệp cách mạng và đã liên hệ với những người đồng chí tham gia Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo. Trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, Trần Cao Vân cùng với Thái Phiên được giao nhiệm vụ bí mật gặp và hội kiến với vị vua yêu nước, có tính thần kháng Pháp – Duy Tân, nhằm vận động nhà vua tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Qua cuộc gặp gỡ, bàn bạc, vua Duy Tân đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ được tiến hành vào lúc 01 giờ sáng ngày 3/5/1916.

Trần Cao Vân và Thái Phiên được giao chỉ huy khởi nghĩa ở Huế. Nhưng đáng tiếc, cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ từ trước giờ khởi sự. Trần Cao Vân, Thái Phiên và vua Duy Tân cùng những người lãnh đạo khởi nghĩa đều bị Pháp bắt. Nhằm bảo vệ tính mạng cho vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân nhận lãnh hết trách nhiệm về mình.

Ngày 16/4 năm Bính Thìn (tức 17/5/1916), thực đân Pháp đã hành quyết những yếu nhân của cuộc khởi nghĩa tại Cống Chém An Hòa ở phía Bắc thành phố Huế. Trước khi hy sinh, ông đã khẳng khái đọc những câu thơ cuối cùng, nói lên chí hướng, lòng trung quân ái quốc của kẻ sĩ sống không thẹn với lòng:

“Trời chung không đội với thù Tây/ Quyết trả ơn vua nợ nước này/ Một mối ba giềng xin giữ chặt/ Thân dù thác xuống rạng đài mây”

Trần Cao Vân là một trong những chí sĩ yêu nước tiêu biểu của những năm đầu thế kỷ XX. Cuộc đời ông là một quá trình gian nan, vào tù ra khám, đấu tranh cứu nguy cho đất nước. Sự hy sinh và lòng bất khuất của chí sĩ Trần Cao Vân đã để lại niềm tiếc thương và niềm kiêu hãnh cho đồng bào xứ Huế. Đến năm 1925, hài cốt của đôi bạn chiến đấu Thái Phiên – Trần Cao Vân được người dân bí mật cất bốc, đưa lên an táng, xây cất lăng mộ khang trang trên triền đồi rợp bóng thông xanh gần bên chùa Từ Hiếu (TP. Huế). Lăng mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân đã được Bộ VHTT công nhận là di tích Lịch sử quốc gia vào năm 1990.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG