Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm tham gia ngày hội việc làm với doanh nghiệp

Đào tạo nhân lực cho chiến lược CNTT của tỉnh

Trở lại Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường ĐH Khoa học thuộc ĐH Huế chúng tôi bắt gặp hình ảnh cán bộ của doanh nghiệp FPT software chia sẻ, giảng dạy cho sinh viên. Ông Trần Nguyên Phong, Phó Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học cho biết, cùng với các ký kết hợp tác, hiện nay việc gắn kết doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đào tạo dần gắn với nhu cầu nhà tuyển dụng.

CNTT là một trong những lĩnh vực tỉnh nhà đã xác định chiến lược phát triển và ĐH Huế cũng đặt ra những kế hoạch đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực trong tương lai gần. Tại chương trình giao lưu sinh viên công nghệ thông tin – truyền thông Thừa Thiên Huế (tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2021), ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, trong chiến lược phát triển CNTT của tỉnh, mục tiêu đến 2025 tỉnh cần 10.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT. Để đáp ứng mục tiêu, các nguồn được hướng đến là sinh viên CNTT, mời gọi con em tỉnh nhà lao động xa trở về Huế và chuyển đổi nghề, trong đó sinh viên CNTT là lực lượng quan trọng.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế, dựa trên chiến lược phát triển CNTT của tỉnh, ĐH Huế đã kịp thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị có đào tạo CNTT và có những định hướng tập trung đào tạo phù hợp. Tính đến năm 2020, quy mô các ngành đào tạo trình độ ĐH về CNTT tại ĐH Huế là 1.840 sinh viên và số sinh viên hằng năm khoảng 500. Trước mục tiêu đến năm 2025 cần đến khoảng 10.000 nhân lực, ĐH Huế đã tính toán kế hoạch tuyển sinh giai đoạn 2020 – 2025; trong đó, tổng quy mô của 11 ngành tại tất cả đơn vị trong 5 năm là khoảng 10.940 sinh viên. “ĐH Huế có các đơn vị truyền thống về đào tạo CNTT là Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế cùng các đơn vị mới nhưng có nhiều tiềm năng và có tính đổi mới mạnh mẽ trong phương pháp đào tạo là Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế, Trường Du lịch, Viện Đào tạo mở và CNTT”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết thêm.

Đại diện ĐH Huế nhấn mạnh, có hai vấn đề đáng trăn trở trong đào tạo, phát triển lĩnh vực CNTT mà tỉnh và ĐH Huế đang nỗ lực tháo gỡ, đó là nâng cao chất lượng đầu vào và giải quyết vấn đề đầu ra. ĐH Huế đã và đang tập trung cải thiện đầu vào, nâng dần điểm chuẩn và tỉnh cũng sẽ có cơ chế, giải pháp thu hút doanh nghiệp lớn đến Huế đầu tư.

Trong đào tạo, ĐH Huế và các đơn vị sẽ nỗ lực gắn kết chặt chẽ hơn vai trò của 3 bên là nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên, thúc đẩy vai trò trực tiếp của doanh nghiệp từ các hoạt động xây dựng chương trình, giảng dạy, đánh giá, hoạt động thực hành, thực tập để đầu ra sinh viên đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cho địa phương.

Đáp ứng nhu cầu nhân lực

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, hiện nay vẫn chưa có quy hoạch từng địa phương, vùng hay quốc gia về ngành nghề, lao động cụ thể. Trong bối cảnh dịch COVID-19, tình hình lao động lại biến động liên tục, gây khó cho quá trình dự báo thị trường lao động. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực CNTT đã được tỉnh xác định chiến lược phát triển, ĐH Huế cũng chủ động phối hợp với tỉnh nhà nói riêng, các địa phương trong khu vực và cả nước nói chung để đáp ứng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Đại diện lãnh đạo ĐH Huế cho biết, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, CNTT và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Vì vậy, bên cạnh lĩnh vực CNTT, ĐH Huế cũng xác định tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở những lĩnh vực quan trọng của tỉnh nhà, nhất là du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ cao, văn hoá, bảo tồn và duy trì, phát huy thế mạnh đào tạo nhóm ngành truyền thống đã có uy tín và học hiệu cao, như y dược, sư phạm…

Hiện, ĐH Huế đã và đang đầu tư các phần mềm, thiết bị giảng dạy chất lượng đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp. Ở các lĩnh vực đào tạo đều gắn kết vai trò của doanh nghiệp nhiều hơn, cập nhật chương trình phù hợp với thực tiễn của thị trường lao động.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, nhiệm vụ chính của họ là tập trung đề ra các kế hoạch, giải pháp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là của địa phương, khu vực trong 5 năm tới. Từ đó, có những nghiên cứu về chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp và dần nâng cao đầu vào của các ngành mang tính tiên phong, mũi nhọn, trọng điểm, đổi mới phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, đạt chuẩn khu vực và quốc tế để vừa đáp ứng số lượng, vừa nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Bài, ảnh: Hữu Phúc