Khắc phục sự cố đường ống nước

An ninh nước bị đe dọa

Mùa nắng nóng năm 2019, tại khu vực đập Khe Mệ (nguồn nước khai thác của Nhà máy (NM) Chân Mây công suất 8.000m3/ngày đêm), lúc bấy giờ, lượng nước nguồn từ đập giảm mạnh, chỉ đảm bảo nguồn cấp 78,6% so với công suất thiết kế của NM Chân Mây và 66,1% nhu cầu sử dụng nước của người dân vào ngày cao điểm. Dù HueWACO đã nâng cấp bể điều tiết NM Chân Mây từ 4.000 lên 12.600m3 (gấp 3,15 lần) để dự trữ nước bổ sung, nhưng cũng chỉ đảm bảo cấp bù trong 8 ngày.

Một số nguồn nước khác như Khe Su của NM Lộc Trì (Phú Lộc), suối Thượng Ngàn của NM Bình Điền, suối Tà Rê của NM A Lưới (A Lưới), lưu lượng nguồn nước thô từ các khe suối giảm từ 60-100m3/h (tương đương 30-60% công suất NM) gây nguy cơ thiếu nước.

Theo HueWACO, giai đoạn 2013 - 2019, sản lượng nước chỉ tăng 3 đến 4,5%/năm, nhưng nhiều thời điểm tại mùa khô năm 2019, sản lượng nước tăng đột biến gần 11,6%, đặc biệt ngày cao điểm nhất lên đến 209.558m3/ngày đêm, vượt 69,55% so với công suất bền vững và vượt 4,78% so với công suất thiết kế tạm thời ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT), an ninh nước (ANN).

Hiện tượng xâm nhập mặn hàng năm cũng ảnh hưởng rất lớn đến ANN. Từ năm 2014 đến nay, nguồn nước trên sông Truồi tại NM Lộc An thường xuyên nhiễm mặn trong vòng 3- 4 tháng (khoảng tháng 8 đến tháng 11) với độ mặn cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Năm 2020 các nhà máy nước đều ngập sâu, 7 NM và các trạm tăng áp mất hoàn toàn điện lưới phải chạy máy phát dự phòng trong nhiều ngày (tiêu thụ hết 30 tấn dầu). Trong đó, NM Vạn Niên – Quảng Tế cấp nước cho 75% dân số toàn tỉnh phải chạy 2 máy phát điện dự phòng 2.500kVA. Nền NM Hòa Bình Chương ngập sâu trong nước 0,5m, ngoài đường ngập sâu 1,2m nên nhà máy bị cô lập về đường bộ… nhưng HueWACO vẫn đảm bảo cấp nước liên tục cho người dân.

Đảm bảo an ninh nước

Những năm qua, HueWACO chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giám sát chặt chẽ từ đầu nguồn đến nhà khách hàng. Theo đó, HueWACO xây dựng quy hoạch cấp nước toàn tỉnh, không phân biệt đô thị, nông thôn và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cấp nước đồng bộ, bền vững toàn tỉnh và liên vùng. Trước tình trạng nguồn nước các con sông suy giảm do biến đổi khí hậu, các NM đã được quy hoạch lên thượng nguồn, lấy nguồn nước có chất lượng tốt nhất. Đối với các đập dâng NM tự chảy áp dụng nguyên lý thu dọc nhằm hạn chế tình trạng tắc ống do kẹt rác, đất đá do mưa lũ và sử dụng công nghệ lọc áp lực 2 cấp và lọc màng UF.

HueWACO chủ động xây dựng các bể điều tiết chứa nước dự phòng, nâng cấp sửa chữa đập thu nước và tuyến ống nước thô, nạo vét và vệ sinh lưu vực của các NM đảm bảo lưu lượng nước vào mùa khô hạn. HueWACO cũng thực hiện các giải pháp sử dụng nguồn nước thay thế, nghiên cứu bổ cập nước vào các giếng ngầm với mục đích lưu trữ tại các tầng chứa nước dưới lòng đất và cấp nước trong mùa khô hạn. Đồng thời sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng thi công bể chứa 60.000m3 tại NM Quảng Tế và thi công trạm trung chuyển điều áp Vinh Hưng (3.500m3) và trạm trung chuyển điều áp trên đồi Châu Sơn (10.000m3) để ngừng khai thác NM Phú Bài bị nhiễm mặn, giúp phát huy nhanh hiệu quả NM Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (GĐ1: 60.000m3/ngày đêm).

Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO cho biết, để đảm bảo CNAT, HueWACO đã khảo sát các phương án nhằm bổ sung nguồn nước như lấy nước thêm ở Khe Me (Phong Điền), khe Mệ, khe Thầy, hồ Thủy Yên, Hói Mít, Hói Dừa (Phú Lộc) đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân. HueWACO cũng thi công tuyến nước thô chống mặn bằng ống DN500 thép đặt trong lòng kênh thủy lợi hồ Truồi dự phòng bổ sung nguồn cho NM Lộc An khi sông Truồi bị nhiễm mặn. HueWAO sẽ thi công tuyến ống truyền tải DN400 gang dài 1,7km băng hầm đèo Phước Tượng lấy nước từ NM Chân Mây cấp nước cho các xã Lộc Trì, Lộc Bình và nghỉ vận hành 3 NM nhỏ tại xã Lộc Bình.

HueWACO xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản ứng phó theo cấp độ thiên tai. Thành lập các đội phản ứng nhanh xử lý, khắc phục sự cố; trang bị máy phát điện dự phòng tại tất cả các NM, dự trữ đầy đủ nhiên liệu khi có sự cố mất điện lưới trong vòng 7 ngày; dự trữ hóa chất xử lý nước đảm bảo vận hành cho các NM khi độ đục nước nguồn tăng cao nhằm duy trì CNAT, liên tục.

Dù đã có những thành công nhất định trong đảm bảo ANN song theo ông Hân, để đảm bảo CNAT- ANN vẫn đang là “bài toán khó” do chi phí đầu tư rất lớn nhưng nguồn ngân sách còn hạn chế. Trong khi, giá nước sạch bình quân tại nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn đang ở mức thấp. HueWACO là đơn vị cấp nước cả đô thị và nông thôn với 93% dân số toàn tỉnh được sử dụng nước sạch. Trong khi, suất đầu tư tại khu vực nông thôn cao gấp 3 lần đô thị, thậm chí tại khu vực miền núi cao gấp 20 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị; lượng nước tiêu thụ chỉ bằng 1/4 so với đô thị, giá bán thấp, chỉ bằng 78% giá tiêu thụ nước sạch bình quân...

Bài, ảnh: Hoàng Loan