Cô Ngọc Loan bên học trò của mình

Giảng dạy và chủ nhiệm ở ngôi trường thuộc vùng nông thôn nghèo lâu năm, cô giáo Phan Thị Ngọc Loan nhận thấy rất nhiều học sinh còn rụt rè và nhút nhát. Ngay cả học sinh lớp 4 do cô làm chủ nhiệm nhưng kỹ năng giao tiếp vẫn còn hạn chế, lời nói chưa được rõ ràng, còn lắp bắp. Trong giờ học, các em thụ động và ngại phát biểu ý kiến. Hầu hết đều chưa biết hợp tác làm việc nhóm để giải quyết các nhiệm vụ học tập hiệu quả. Cô giáo Ngọc Loan tâm sự, đó là trăn trở và cũng là lý do khi nhận làm giáo viên chủ nhiệm lớp 4 này. Thế nên, cô luôn tìm tòi và đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp nhằm phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho các em.

Thông qua hoạt động học ở lớp, cô Ngọc Loan luôn tạo điều kiện để học trò được nói bằng những câu hỏi mở và dẫn dắt để các em được trình bày ý kiến. Đặc biệt, khi học sinh phát biểu, cô luôn lắng nghe, kịp thời hướng dẫn và động viên để các em mạnh dạn, tự tin hơn. Khi các em tiến bộ, cô kịp thời tuyên dương, khen thưởng. Trong các tiết học, cô Ngọc Loan thường tổ chức dạy học theo nhóm và mỗi lần các em thảo luận, cô đều hướng dẫn, góp ý tận tình. Trong tiết sinh hoạt lớp, cô luôn phát huy vai trò điều hành, tự quản của Ban cán sự lớp, tạo điều kiện để các em bàn bạc, nêu kế hoạch cũng như thảo luận các giải pháp thực hiện.

Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì có thư viện rộng rãi và thoáng mát. Cùng với khuyến khích say mê đọc sách, cô Ngọc Loan tâm đắc khi học sinh, nhất là những em nhút nhát đứng trước lớp kể về những câu chuyện mà em thích. Cô phân lịch chia sẻ theo nhóm, cho các em bầu nhóm trưởng, có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các thành viên chuẩn bị bài chia sẻ. Qua đó, giúp các em tự tin để trình bày hơn, đảm bảo tất cả các bạn trong nhóm đều có thể chia sẻ được sách. Cô cũng khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động “Rung chuông vàng” , “Trưng bày mâm cỗ” (Tết Trung thu) hay các câu lạc bộ mỹ thuật, âm nhạc... Đây là môi trường lý tưởng để rèn bản lĩnh tự tin cho học sinh.

Cô giáo Phan Thị Ngọc Loan luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập thân thiện, cởi mở và đầy yêu thương. Hằng tháng, đều tổ chức sinh nhật cho các em. Cô thường hướng dẫn các em viết thiệp chúc mừng gửi đến ba mẹ, thầy cô. Hằng ngày, các em viết những lời nhắn nhủ gửi tới các bạn thông qua hộp thư “Điều em muốn nói”. Vào giờ ra chơi hoặc giờ bán trú buổi trưa, thỉnh thoảng cô ngồi lại lớp để lắng nghe những câu chuyện rất dễ thương của các em, cùng các em chơi các trò chơi dân gian như chơi ô ăn quan, thẻ hòn… Cô cũng thường gợi mở để các em tâm sự chuyện của bản thân, của gia đình. Cứ như thế, cô và trò ngày càng gần gũi, các em cũng ngày càng mạnh dạn chia sẻ tâm tư, tình cảm với cô giáo hơn; qua đó, phát triển thêm kỹ năng giao tiếp cho học sinh.

Nhận xét về cô giáo Ngọc Loan, thầy giáo Bùi Khắc Sơn Ca, Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Lộc Trì cho hay: Cô Loan là một giáo viên có nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương thức dạy và học. Từ đó, nhiều học sinh đã không còn tự ti, chủ động trong giao tiếp, học tập. Đây cũng là giáo viên chịu khó rèn luyện, học tập ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, giúp học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn.

Từ những điều giản dị như thế, cô giáo Phan Thị Ngọc Loan, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đã đến với học trò bằng tình thương của người mẹ.

Bài, ảnh: An Nhiên