Các đối tượng khi gọi điện thoại, gửi tin nhắn đến thường tự xưng là nhân viên của ngân hàng, quỹ tín dụng và thông báo có người thân trong gia đình như anh, chị, em ruột, bố mẹ, con cái… hoặc là bạn bè có vay tiền của các đối tượng nhưng đến kỳ hạn vẫn chưa thanh toán được, nên đề nghị họ phải có trách nhiệm trả tiền cho người vay nếu không thì sẽ kiện ra tòa án, báo công an. Có đối tượng “lịch sự” hơn thì yêu cầu nhắc nhở đến người vay trả tiền cho các đối tượng, nhưng cũng có các trường hợp trắng trợn uy hiếp nếu không trả thay thì “ra tay” nặng, nhẹ.

Những cuộc đòi nợ vô lý cùng với món nợ "trên trời rơi xuống" khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Có trường hợp đã  trả tiền theo yêu cầu của các đối tượng.

Anh T. (TP. Huế) cho biết: Do em trai mình có vay của các đối tượng tín dụng đen số tiền khoảng 10 triệu đồng để giải quyết công việc gấp và chỉ khi liên tiếp nhận được cuộc gọi đòi nợ của các thuê bao di động lạ thì anh mới biết. Tuy đã giải thích là mình không liên quan nhưng hằng ngày các thuê bao này vẫn gọi điện thoại, nhắn tin với nội dung yêu cầu anh T. trả nợ. Việc này đã làm xáo trộn cuộc sống gia đình và ảnh hưởng đến uy tín nên anh T. đành phải chuyển tiền cho các đối tượng...

Người viết cũng thường xuyên rơi vào hoàn cảnh tương tự khi nhận được các cuộc gọi đòi nợ. Khi thì các đối tượng nhỏ nhẹ khuyên nhủ “Anh nhắn với anh K. trả đủ gốc và lãi cho chúng tôi nếu không thì anh là bạn bè của anh K thì anh trả giúp anh ấy đi”; khi thì hăm dọa, mắng chửi, uy hiếp: “Anh và thằng  K. không trả cho tôi thì liệu hồn”…

Để khỏi phiền hà, nhiều người đành khóa máy điện thoại di động, bật chế độ chặn cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ, nhưng hầu như vẫn không yên vì các đối tượng còn đòi nợ qua tin nhắn facebook, zalo, email,…

Qua tìm hiểu, người viết nhận thấy đây là một thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhằm gây sức ép để con nợ trả nợ. Khi vay tiền, các đối tượng sẽ yêu cầu người vay kê khai thông tin của một số người thân, bạn bè, đồng nghiệp như họ tên, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ… với lý do là để tăng thêm uy tín hoặc để làm hồ sơ, thủ tục nhưng thực chất là để phục vụ cho việc đòi nợ.

Khi thấy người vay không có khả năng chi trả các đối tượng sẽ sử dụng các thông tin trên để gọi điện thoại, nhắn tin để đòi nợ gián tiếp, gây sức ép về tâm lý của người vay, không những chỉ có chủ nợ mà lúc này còn có cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng trở thành người đi… đòi nợ, thúc ép buộc phải trả tiền.

Thực tế hành vi này cơ quan chức năng rất khó để xác minh xử lý vì đa số các đối tượng đều sử dụng SIM rác, không đăng ký thông tin thuê bao nên khi liên lạc lại đều là người không liên quan nhấc máy, đồng thời người bị đòi nợ còn mang tâm lý tế nhị, ngại trình báo với cơ quan chức năng, tạo cơ hội cho các đối tượng thêm lộng hành.

Trong trường hợp này, người dân cần tỉnh táo trước những lời đe dọa, gây sức ép của các đối tượng. Yêu cầu các đối tượng đến làm việc trực tiếp, mang các loại giấy tờ, thủ tục chứng minh mình đã vay tiền và yêu cầu chấm dứt ngay việc gọi điện thoại, nhắn tin đòi nợ vô lý. Trình báo với cơ quan chức năng nếu các đối tượng có lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình; nhất là không nhẹ dạ chuyển tiền hoặc làm theo các yêu cầu của các đối tượng, không tạo điều kiện để chúng trục lợi.

Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi như trên theo quy định của pháp luật.

HOÀI AN