Các mỏ than bên ngoài Samaca, Colombia. Ảnh: World Bank/Tainguyenmoitruong

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho rằng lộ trình hướng đến mục tiêu trung hoà khí thải trên toàn cầu tuy “hẹp” nhưng vẫn có thể đạt được. “Nếu chúng ta muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng ta không cần thêm bất kỳ khoản đầu tư nào vào các dự án mới về dầu mỏ và khí đốt”, ông Birol nhấn mạnh.

Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ càng thấp càng tốt, ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh những tác động tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu, vốn yêu cầu mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo báo cáo của IEA, số lượng các quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đã tăng lên, nhưng ngay cả khi các cam kết của họ được thực hiện đầy đủ, vẫn sẽ có 22 tỷ tấn carbon dioxide trên toàn thế giới vào năm 2050, điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ tăng khoảng 2,1 độ C vào năm 2100.

Dựa trên những công cụ hiện có, IEA vạch ra lộ trình gồm hơn 400 cột mốc để đạt được mục tiêu trung hoà khí thải vào năm 2050 trong báo cáo, nhằm định hướng cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra ở Glasgow (Scotland) vào tháng 11 tới.

Ông Dave Jones, chuyên gia cao cấp phân tích điện năng tại Ember, cho biết đây là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, là sự thay đổi hoàn toàn của IEA khi trước đây, cơ quan này thường đánh giá thấp vai trò của năng lượng tái tạo trong các báo cáo của mình.

Tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo

Theo IEA, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, đầu tư toàn cầu vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm trung bình từ 575 tỷ USD trong 5 năm qua xuống còn 110 tỷ USD vào năm 2050 để duy trì sản lượng dầu mỏ và khí tự nhiên ở mức hiện có. Đồng thời, ngừng bán xe chở khách sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và ngành điện toàn cầu phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.

IEA cũng cho rằng việc hạn chế lượng khí thải hàng năm sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và công nghệ mới như thu giữ carbon trực tiếp trong không khí và hydro xanh. Ước tính, các công nghệ hiện đang được phát triển sẽ giúp làm giảm khoảng một nửa lượng khí thải vào giữa thế kỷ này so với năm 2020.

Trong khi đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ cần phải tăng lên 5.000 tỷ USD/năm vào năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, tăng gấp 2,5 lần so với mức 2.000 tỷ USD hiện nay, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP hàng năm toàn cầu. Đồng thời, cũng cần đến những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, thay thế việc di chuyển bằng đường hàng không trong khu vực bằng đường sắt, cũng như thiết kế các tòa nhà hiệu quả hơn về mặt năng lượng.

TỐ QUYÊN

 (Lược dịch từ Straitstimes & Reuters)