Thương mại hàng hoá chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong quý I/2021, sau những tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo, sự phục hồi ấn tượng trong quý I/2021 tiếp tục được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của các nền kinh tế Đông Á, những nền kinh tế có thành công ban đầu trong việc giảm thiểu đại dịch, cho phép họ phục hồi nhanh hơn và tận dụng sự bùng nổ nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm liên quan đến COVID-19.

Nhà kinh tế Alessandro Nicita của UNCTAD, tác giả báo cáo nhận định: “Thương mại toàn cầu đã ghi nhận sự phục hồi nhanh hơn từ cuộc suy thoái do đại dịch so với hai cuộc suy thoái thương mại gần đây nhất”. Ông cho biết phải mất 4 quý sau khi bắt đầu cuộc suy thoái do đại dịch gây ra, thương mại thế giới mới trở lại mức trước đó. Đến quý thứ 5, tức quý I/2021 - thương mại toàn cầu đã cao hơn mức trước khủng hoảng, với mức tăng khoảng 3% so với quý IV/2019.

Trong khi đó, phải mất 13 quý để thương mại toàn cầu phục hồi sau cuộc suy thoái năm 2015, do thay đổi cơ cấu ở các nền kinh tế Đông Á và giá hàng hóa giảm, và mất 9 quý phục hồi sau cuộc suy thoái năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra.

Báo cáo cho thấy trong quý I/2021, giá trị thương mại hàng hóa cao hơn mức trước đại dịch, đặc biệt “thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm liên quan đến COVID-19 vẫn tăng mạnh trong quý này”, nhưng thương mại dịch vụ về cơ bản vẫn dưới mức trung bình. Đây cũng là xu hướng phổ biến ở các nền kinh tế lớn.

Các nền kinh tế lớn phục hồi từ mùa thu năm 2020

Báo cáo chỉ ra rằng trừ một vài trường hợp ngoại lệ, xu hướng xuất nhập khẩu của một số nền kinh tế thương mại lớn trên thế giới đã phục hồi từ mùa thu năm 2020. Theo đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi có kết quả tương đối tốt hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong quý I/2021.

Đặc biệt, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh không chỉ so với mức trung bình năm 2020 mà còn tăng cao so với mức trước đại dịch. Ngược lại, xuất khẩu từ Nga vẫn ở mức thấp hơn mức trung bình của năm 2019.

 

Thương mại phục hồi vẫn không đồng đều

Báo cáo lưu ý rằng sự phục hồi thương mại vẫn không đồng đều, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó xuất khẩu từ Đông Á chứng kiến sự phục hồi nhanh hơn đáng kể.

Các nền kinh tế Đông Á cũng là động lực cho sự phục hồi của thương mại giữa các nước đang phát triển (thương mại Nam-Nam). Nếu không tính đến số liệu thương mại từ các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, thương mại Nam-Nam vẫn ở dưới mức trung bình.

Báo cáo cho thấy trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu vẫn dưới mức trung bình đối với các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi ở Trung Đông, Nam Á và châu Phi. Mặc dù xuất khẩu của Nam Mỹ có tăng so với quý I/2020, nhưng vẫn ở dưới mức trung bình của năm 2019. Trong khi đó, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước đang phát triển trong quý 1 năm nay về cơ bản cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và năm 2019 (khoảng 16%).

Ngoài ra, cũng trong 3 tháng đầu năm nay, thương mại tiếp tục phục hồi không chỉ trong các lĩnh vực liên quan đến COVID-19, chẳng hạn như dược phẩm, truyền thông và thiết bị văn phòng, mà còn ở các lĩnh vực khác như khoáng sản và nông sản. Ngược lại, ngành năng lượng tiếp tục tụt hậu và thương mại quốc tế về thiết bị vận tải vẫn ở mức dưới mức trung bình.

Tăng trưởng thương mại ​​tiếp tục xu hướng tích cực trong năm 2021

UNCTAD dự báo rằng thương mại sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến ​​sẽ duy trì mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Dự báo tổng thể cho năm 2021 chỉ ra mức tăng khoảng 16% so với mức thấp nhất của năm 2020 (19% đối với hàng hóa và 8% đối với dịch vụ).

Giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6,6 nghìn tỷ USD vào quý II/2021, tương đương với mức tăng khoảng 31% so với mức thấp nhất trongnăm 2020 và khoảng 3% so với mức trước đại dịch năm 2019. Đồng thời, UNCTAD cũng dự đoán rằng các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong những tháng tới.

Điều này cũng sẽ có những tác động tích cực đối với các quốc gia có thương mại với Mỹ và Trung Quốc, chẳng hạn như các nước Đông Á, Canada và Mexico. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 dự kiến ​​sẽ tiếp tục làm gián đoạn thương mại ở nhiều nước đang phát triển ít nhất trong suốt cả năm 2021.

Theo UNCTAD, triển vọng tích cực chủ yếu phụ thuộc vào việc giảm các biện pháp hạn chế do đại dịch, xu hướng tích cực kéo dài của giá cả hàng hóa, những hạn chế tổng thể từ các chính sách bảo hộ thương mại và các điều kiện kinh tế vĩ mô, cũng như sự hỗ trợ của các chính sách tài khóa.

Báo cáo cho rằng các gói kích thích tài khóa, nhất là ở các nước phát triển, dự kiến ​​sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phục hồi thương mại toàn cầu trong suốt năm 2021. Giá trị thương mại toàn cầu cũng sẽ tăng lên do giá cả hàng hóa có xu hướng tích cực.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News & Bloomberg)