Bệnh nhi trong ngày ra viện

Trước đó, bệnh nhi vào viện trong tình trạng nôn mửa, ăn uống kém, đau bụng, bụng chướng căng. Trẻ được chẩn đoán u nguyên thần kinh nguy cơ cao.

U nguyên bào thần kinh là ung thư hệ thần kinh giao cảm, một dạng u đặc phổ biến nhất của trẻ nhỏ, chiếm tỉ lệ 7% đến 8% của tất cả các loại ung thư nhi. U nguyên bào thần kinh nguy cơ cao chiếm tỷ lệ khoảng 50%.

Dưới sự chủ trì của Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhi được hội chẩn toàn viện để lên kế hoạch điều trị đa mô thức cho bệnh lý hiểm nghèo này. Trong trường hợp không có sự kết hợp đa mô thức trong điều trị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, tỷ lệ sống lâu dài của người bệnh chỉ còn dưới 15%. Với sự kết hợp đa mô thức trong điều trị, gồm: hóa trị liệu nguy cơ cao, phẫu thuật, ghép tế bào gốc máu tự thân và xạ trị, tiên lượng u nguyên bào thần kinh được cải thiện rõ.

Kế hoạch điều trị cho bệnh nhi Hồ Chi N. gồm các bước: điều trị hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao, thu hoạch tế bào gốc, phẫu thuật bóc u và ghép tế bào gốc.

Trong quá trình thực hiện ghép tủy, việc sử dụng hóa chất liều cao khiến bệnh nhi, bé biểu hiện loét niêm mạc miệng, nhiễm trùng sau ghép, nhưng được theo dõi sát và điều trị tích cực đã phục hồi nhanh chóng. Vì hoàn cảnh gia đình bệnh nhi quá khó khăn, Bệnh viện Trung ương Huế kêu gọi các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí ghép tủy, ăn uống.

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện ghép tủy tự thân thành công cho 8 bệnh nhi; trong đó, 7 bệnh nhi bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao và một bệnh nhi u nguyên bào võng mạc di căn. Trường hợp thứ 9 ghép tủy điều trị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao đang được thực hiện.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục thực hiện ghép tế bào gốc tự thân cho rất nhiều bệnh nhi từ mọi miền đất nước chuyển đến...

Tin: Đồng Văn, Ảnh: BVCC