Gần 200 phụ nữ và học sinh được tiếp cận

6h30 sáng, Trần Thị Tuyến và 3 người bạn đồng hành bắt đầu đến buổi hẹn hướng dẫn làm nước tẩy rửa từ vỏ trái cây cho 20 hội viên Hội LHPN phường Tây Lộc (TP.Huế). 

Có mặt từ sớm, chị Trần Thị Ngọc Lan, Chi hội  trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 11, khu vực 5, phường Tây Lộc hào hứng: “Được hướng dẫn làm nước tẩy rửa từ vỏ trái cây, các chị rất thích. Vỏ trái cây thì dễ tìm, dễ có nhưng lâu nay là thứ bỏ đi. Nay được biết có thể tận dụng làm nước tẩy rửa an toàn thì tốt quá”.

Vỏ trái cây, sả, quả bồ hòn... được dùng chiết xuất nước tẩy rửa. Ảnh: Dự án Hue GE Tour  

Dưới sự hướng dẫn của Tuyến và các cộng sự thuộc Dự án Hue GE Tour, các loại vỏ trái cây được rửa sạch, ngâm vào dung dịch nước đường cùng với sả và quả bồ hòn.  “Các loại vỏ trái cây, từ cam, quýt, chanh, dưa hấu, dứa... đều có thể tận dụng. Đặc biệt, quả bồ hòn có tính tạo bọt và tẩy rửa mạnh nhờ thành phần saponin. Các nguyên liệu trên sau 3 tháng ngâm ủ sẽ lên men và phân hủy, cho nước tẩy rửa enzyme sinh học (Eco Enzyme) với thành phần chính là các acid hữu cơ và cồn dịu nhẹ”, Tuyến giải thích.

Điều làm những người tiếp nhận dự án bất ngờ là quy trình làm nước tẩy rửa từ vỏ trái cây và quả bồ hòn vô cùng đơn giản.

Với công thức theo tỷ lệ 10 nước/3 vỏ trái cây/1 đường (nước Garbage Enzyme) kèm một ít sả tạo mùi thơm và tăng tính diệt khuẩn thì sau 3 tháng có thể chắt lọc lấy nước, chủ yếu dùng để vệ sinh bồn cầu và lau sàn nhà.

Với tỷ lệ 10 nước/1,5 vỏ hoa quả/1,5 đường/1,5 quả bồ hòn (nước Garbage Enzyme bồ hòn) thì cho ra sản phẩm có thể dùng để rửa chén bát. 

Với tỷ lệ 10 nước/3 bồ hòn/1 đường (Enzyme bồ hòn) thì cho ra nước tẩy rửa có thể dùng giặt sạch quần áo.

Xác của vỏ hoa quả và bồ hòn... sau khi phân hủy, được rã ra có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Chị Nguyễn Thị Dương Quyền-Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Lộc chia sẻ: Chị em hội viên rất hào hứng vì quy trình dễ làm, nguyên liệu cũng đơn giản, thân thuộc, được tận dụng nên chi phí rất thấp, giúp tiết kiệm so với dùng các loại nước tẩy rửa, giặt dũ bằng hóa chất. Đặc biệt, nước tẩy rửa tự chế này góp phần xử lý rác thải hữu cơ và bảo vệ sức khỏe cho người dùng cũng như bảo vệ môi trường vì sạch và an toàn”.

Được triển khai từ tháng 9-12/2020, Dự án Hue GE Tour đã chuyển giao kỹ năng làm nước tẩy rửa enzyme sinh học (GE) đến gần 200 chị em phụ nữ và học sinh tại các huyện  Phú Vang,  Quảng Điền, TP.Huế...

Về hành trình lan tỏa dự án, Tuyến chia sẻ: Thời điểm chuyển giao, Huế trải qua các cơn bão, lũ liên tiếp và dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến kế hoạch ban đầu. Nhưng sự đón nhận nhiệt tình từ các hội phụ nữ và các em học sinh đã hỗ trợ nhóm vượt qua khó khăn để đưa ý tưởng, dự án vào thực tế.

Trần Thị Tuyến-Điều phối viên Dự án Hue GE Tour hướng dẫn quy trình chiết xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây cho phụ nữ TP.Huế. Ảnh: Dự án Hue GE Tour

Được Quỹ Vì tầm vóc Việt lựa chọn

Về ý tưởng của Dự án Hue GE Tour, Trần Thị Tuyến (hiện là sinh viên năm thứ năm, Trường đại học Y- Dược Huế) cho biết, cách đây 2 năm, đến Hội An, em tình cờ biết được quy trình làm nước tẩy rửa enzyme sinh học tại một trang trại.

Quá thú vị, khi về Huế, Tuyến mày mò tìm hiểu, tham vấn kinh nghiệm những người đi trước và cùng các cộng sự viết dự án, với mong muốn nước tẩy rửa enzyme sinh học cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường được lan tỏa, trở thành phong trào sâu rộng.

Thực hiện mong ước ấy, dự án được Tuyến nộp hồ sơ đến Quỹ Vì tầm vóc Việt. Và niềm vui như vỡ òa khi dự án được chọn hỗ trợ. “Kinh phí Quỹ hỗ trợ cho dự án không nhiều, chỉ hơn 20 triệu đồng nhưng đó là cầu nối, là nguồn khích lệ, động viên rất lớn để dự án đến được với cộng đồng”, Tuyến chia sẻ.

Về lý do Dự án Hue GE Tour được chọn, ông Vũ Xuân Thái, cán bộ quản lý Quỹ Vì tầm vóc Việt đánh giá: Dự án có tính sáng kiến mới ở Huế và đặc biệt hướng đến bảo vệ môi trường. Tính lan tỏa và bền vững của dự án cũng khả thi khi chọn đối tượng tiếp cận để chuyển giao là phụ nữ. Vì thế, chúng tôi chọn dự án để hỗ trợ với niềm tin, dự án sẽ góp phần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen tiêu dùng, chọn lựa sản phẩm của cộng đồng hướng đến lợi ích sức khỏe, bảo vệ môi trường từ việc tận dụng rác hữu cơ và hạn chế sử dụng chế phẩm từ hóa chất.

Chia sẻ tính thực tế của dự án, bà Nguyễn Quỳnh Anh, chủ cơ sở Hue Eco Homestay (TP.Huế) cho biết, vài năm nay, việc tự làm nước tẩy rửa enzyme sinh học đã được cơ sở lưu trú này duy trì. Bà Quỳnh Anh cũng là người đã hỗ trợ viết, thúc đẩy triển khai Dự án Hue GE Tour thời gian qua với mong muốn chung tay lan tỏa nếp sống xanh cho Huế.

Hiệu quả đã rõ. Vấn đề dự án có tiếp tục lan tỏa sâu và bền hay không tùy vào sự kiên trì, nhận thức của cộng đồng. Về lâu dài, theo bà Quỳnh Anh, cần chung tay xây dựng các vùng trồng cây bồ hòn làm nguyên liệu. Ngày xưa, bồ hòn là trái cây được dùng để chế tạo xà phòng vì có tính tạo bọt và làm sạch rất cao. Cây bồ hòn cũng thích nghi với thời tiết Huế nên rất dễ trồng. Đây là cơ sở để duy trì tính bền vững khi dự án “mồi” kết thúc.

 Hỗ trợ trồng cây bồ hòn 

Bước đầu, 20 cây bồ hòn giống đã được nhóm thực hiện Dự án Hue GE Tour hỗ trợ trồng tại 10 hộ gia đình ở phường Thuận Lộc (TP.Huế).  Khi nguồn nguyên liệu từ trồng bồ hòn được nhân rộng, việc người dân tự làm sản phẩm nước tẩy rửa từ vỏ trái cây và quả bồ hòn sẽ tiện dụng, thiết thực.


Bài, ảnh: Nhật Nguyên