Vậy cha mẹ cần làm gì để giải tỏa tâm lý cho con? Những lời khuyên của tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, sau đây sẽ là gợi ý cho các phụ huynh trong mùa dịch.

Cha mẹ có thể cho con đi tập thể dục, đạp xe mỗi ngày để tâm trạng trẻ thoải mái, miễn là không đến nơi đông người và tuân thủ biện pháp 5K

Chủ động tổ chức các hoạt động vui chơi

Đối với trẻ em, khoảng thời gian học ở trường chiếm lượng thời gian rất lớn trong một ngày. Tới trường trẻ không chỉ được tham gia vào các hoạt động học tập mà còn tham gia vào các hoạt động vui chơi, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể,… Do vậy, đây là môi trường tuyệt vời để trẻ không bị nhàm chán.

Khi các biện pháp phòng chống dịch được triển khai, trẻ em phải ở nhà, không được tham gia vào các hoạt động hấp dẫn ở trường nên trẻ rơi vào tình trạng buồn chán. Hướng giải quyết cho vấn đề này là cha mẹ cần phải chủ động có các hoạt động để giúp trẻ trở nên vui vẻ khi ở nhà.

Không để trẻ có quá nhiều thời gian rỗi

Một điều cha mẹ cần lưu ý là, không để trẻ có thời gian dư thừa để tránh tình trạng trẻ nhàm chán, buồn tẻ và không có hoạt động để tham gia. Cha mẹ cần dành thời gian chơi với con, đặc biệt là vào buổi tối. Bởi hoạt động vui chơi rất hữu ích cho trẻ. Thông qua các hoạt động vui chơi không chỉ giúp trẻ tránh nhàm chán mà còn giúp trẻ phát triển về vận động, tư duy và trí tưởng tượng. Cần tạo ra sự bận rộn cho trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào các công việc của gia đình.

Hiện, nhiều cơ quan cũng khuyến khích bố mẹ mang công việc về nhà làm, hoặc làm việc thông qua môi trường mạng để thực hiện việc giãn cách và hạn chế tụ tập đông người. Vì vậy, cha mẹ cần có sự phân công để thay nhau giám sát trẻ khi ở nhà, tạo ra các công việc cho trẻ làm, tạo hoạt động chơi cho trẻ. Dù bận, cha mẹ cũng cần sắp xếp thời gian hợp lý để cùng trò chuyện, vui chơi với trẻ.

Một số trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh, quậy phá, ngỗ nghịch trong thời gian ở nhà. Cha mẹ cần biết rằng nguyên nhân chính là do trẻ không có nhiều hoạt động để vui chơi, thời gian rảnh rỗi quá nhiều nên dẫn đến trạng thái buồn chán. Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, đây là sự phản ứng hoàn toàn bình thường của cơ thể trẻ khi phải ở nhà để phòng chống dịch bệnh. Cha mẹ không nên quá lo lắng và la mắng trẻ mà cần tạo điều kiện để trẻ được tham gia vào các công việc của gia đình, tạo cho trẻ không gian được giao tiếp, được tham gia vào các trò chơi.

Hoạt động thể dục thể thao như chơi cầu lông giúp trẻ đỡ buồn chán trong thời gian phải ở nhà. Ảnh minh họa

 

Hướng trẻ sử dụng thiết bị điện tử lành mạnh

Trong thời gian con rảnh rỗi ở nhà, vì bận việc nên cha mẹ thường cho con xem tivi, hoặc chơi các trò chơi điện tử trên các thiết bị là điện thoại thông minh và iPad. Những thiết bị này rất dễ “gây nghiện” và kết quả là trẻ dễ sa đà vào chơi quá lâu mặc dù cha mẹ không cho phép.

Lời khuyên cho tình huống này là cha mẹ cần định hướng cho trẻ tham gia các trò chơi điện tử lành mạnh, giúp trẻ sử dụng các trò chơi trí tuệ, các trò chơi đố vui, đố trí tuệ, hoặc sử dụng không gian mạng để hỗ trợ cho việc học. Tất nhiên, khi cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử cần giới hạn thời gian, giám sát quá trình trẻ sử dụng.

“Công nghệ điện tử cũng có tác dụng khá tốt đối với hoạt động giải trí nếu biết sử dụng đúng cách. Vấn đề là cha mẹ cần phải học cách giám sát trẻ khi sử dụng các thiết bị điện tử này, ví dụ cài phần mềm giám sát, giám sát lịch sử truy cập… để kịp thời ngăn chặn và nhắc nhở trẻ”-  TS. Nguyễn Thanh Hùng nói.

Giúp trẻ duy trì thói quen học hàng ngày

Lời khuyên cho các cha mẹ trong trường hợp trẻ chưa kịp thi hết học kỳ vì phải nghỉ chống dịch là, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng mà cần hỗ trợ, động viên, tiếp tục giúp trẻ duy trì các thói quen học hàng ngày. Cha mẹ cần biết rằng việc giúp trẻ hình thành thói quen tốt là rất quan trọng. quá trình này không hề dễ dàng mà đòi hỏi sự kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục. Tức là hành động đó phải được lặp đi lặp lại hàng ngày để trở thành thói quen.

Các trường cũng đã triển khai hoạt động ôn tập trực tuyến, cha mẹ cần theo dõi, đôn đốc nhắc nhở các em tham gia quá trình ôn tập này để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi.

Để trẻ thực sự cảm thấy không buồn chán khi phải ở nhà phòng dịch rất cần sự hỗ trợ và đồng hành từ chính cha mẹ, người thân của trẻ. Hãy tạo ra một môi trường gia đình với các hoạt động đa dạng, phong phú, tổ chức và cùng chơi với trẻ khi có thể,… Làm được những điều này thì cha mẹ không những giúp trẻ vượt qua sự nhàm chán khi phải ở nhà, mà điều quan trọng là cha mẹ đang giữ cho trẻ được an toàn trước sự tác động của bệnh dịch COVID-19.

Các trò chơi cha mẹ có thể tổ chức cho trẻ khi ở nhà phòng tránh dịch:

Tùy theo điều kiện, khả năng và độ tuổi khác nhau của trẻ mà cha mẹ đưa ra các hoạt động và giải trí phù hợp. Ví dụ trẻ tiểu học thì rất thích được cha mẹ nhờ giúp đỡ công việc nhà vừa sức với trẻ nên có thể cho con chơi trò dọn nhà có lương, hoặc các trò chơi khác, như chơi ô chữ, trẻ tập làm người lớn... Trẻ mầm non với đặc tính hiếu động, ham chơi thì cha mẹ có thể cho con những đồ chơi phát triển kỹ năng như xếp hình, xếp chữ, ghép tranh; trò chơi “Ai nhanh hơn”; vẽ tranh; tìm nhân vật trong sách…

Bài, ảnh: Ngọc Hà