Các chợ truyền thống kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 đối với tiểu thương và khách hàng

Hàng hóa dồi dào

Do đây không phải là lần đầu tiên bùng phát dịch COVID- 19 nên không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hoá dự trữ như thời điểm đầu tháng 3/2020; song tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, số lượng người dân đi mua sắm hàng hoá có tăng đáng kể do tâm lý lo sợ khan hàng, tăng giá.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị từ cuối tháng 4/2021 khi một số tỉnh, thành xuất hiện các ca dương tính COVID- 19, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã dự trữ nguồn hàng, trong đó nhiều nhất là lương thực, thực phẩm và đồ uống nên hiện nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng khi số lượng khách tăng lên gấp 4-5 lần so với ngày thường.

Theo Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế Dương Thị Tuất, sau khi trên địa bàn xuất hiện các ca dướng tính COVID- 19, số lượng khách hàng đến mua sắm tại siêu thị tăng gấp đôi so với trước, trong đó các đơn hàng online tăng mạnh. Với sự chủ động trong việc dự trữ hàng hoá, hợp đồng với các nhà cung cấp tăng số lượng hàng nên nguồn hàng cung ứng ra thị trường vẫn dồi dào, không có trường hợp hụt hàng. Mức giá các sản phẩm tại siêu thị vẫn giữ bình ổn, trong đó có một số sản phẩm giảm giá bán kèm theo các chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm trong dân.

Bà Tuất cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID- 19, đơn vị triển khai nghiêm ngặt các biện pháp, như quét QR code tại siêu thị, hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, đo thân nhiệt, yêu cầu khách hàng rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn khi đến mua sắm và khi ra về. Đối với nhân viên giao hàng, siêu thị yêu cầu áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch khi giao dịch với khách.

Cùng với công tác dự trữ hàng hoá, bình ổn thị trường, để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID- 19 tại các chợ truyền thống, UBND TP. Huế yêu cầu 25 chợ trên địa bàn trang bị các pano quét mã QR, pano tuyên truyền 5K, nước sát khuẩn tay và tổ chức ký cam kết cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ về phòng chống dịch, đồng thời tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân và các tiểu thương mua bán tại chợ thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu, rửa tay, sát khuẩn. UBND huyện Phong Điền và Phú Lộc cũng triển khai các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại các chợ, địa điểm mua sắm nằm trong khu vực phong toả.

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, sau khi tỉnh có chủ trương giãn cách xã hội một số xã, thị trấn của huyện Phong Điền và Phú Lộc, Sở Công thương chỉ đạo Phòng Kinh tế các huyện về công tác cung ứng hàng hóa cho dân; đồng thời làm việc với các siêu thị, các đơn vị kinh doanh hàng hóa lớn trên địa bàn soát xét lại nguồn dự trữ nhằm đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm cho bà con. Qua theo dõi, hiện nguồn hàng hoá phục vụ cho dân cũng như sinh hoạt xã hội khá đầy đủ và dồi dào, giá cả những ngày qua ổn định, sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại có tăng nhưng không đáng kể.

Đối với công tác dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ, ông Thanh cho biết, qua làm việc với huyện Phong Điền và Phú Lộc thì nguồn dự trữ trong dân và tại các điểm bán lẻ, các chợ trên địa bàn khá dồi dào, đảm bảo tiêu thụ từ 6-10 ngày. Tại TP. Huế, hiện các doanh nghiệp, siêu thị đã dự trữ hàng hoá, đảm bảo cung ứng cho lượng khách tăng gấp 8- 10 lần so với nhu cầu bình thường, đồng thời cam kết bình ổn giá. Tuy vậy, Sở Công thương phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cung ứng hàng hóa dài hơi hơn, bởi vì thực hiện giãn cách phòng dịch COVID-19 phải trên 20 ngày.

Về phương án giãn cách diện rộng, từ 3-4 địa phương, thậm chí phải tính đến phương án giãn cách toàn tỉnh khi trên địa bàn xuất hiện thêm nhiều ca dương tính, đòi hỏi nguồn hàng phải phong phú. Vì vậy, Sở Công thương đã làm việc với các siêu thị và có kế hoạch dự trữ ngay, trong điều kiện giãn cách dài hơi, đồng thời đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đối với các đơn vị đưa hàng về cho dân trong điều kiện dịch COVID- 19 kéo dài.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, hiện nguồn cung từ các tỉnh, thành phố trong nước cũng như các sản phẩm nhập khẩu về Huế khá dồi dào, phương án lâu dài là trường hợp nhiều địa phương lân cận bị giãn cách, thì việc cung ứng nguồn hàng hóa rất khó. Phương án này Sở đã bàn bạc và đề nghị sự liên kết giữa Sở Công thương các tỉnh mà lâu nay có cung cấp nguồn hàng cho Thừa Thiên Huế cũng như của các tập đoàn cung ứng hàng hóa lớn Co.opMart, Big C…, họ sẽ cung cấp ngay khi có yêu cầu để nguồn hàng không bị gián đoạn, đề phòng trường hợp “khan hàng, tăng giá” khi dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp hơn.

Bài, ảnh: Thanh Hương