Trồng, phục hồi cây bản địa góp phần tăng tính đa dạng sinh học

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) năm 2021 có chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”. Chủ đề này được Liên Hợp quốc lựa chọn và phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học (ĐDSH); kêu gọi mỗi người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên và vì thiên nhiên để phát triển bền vững.

Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men… Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. ĐDSH và hệ sinh thái còn giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; giúp kéo dài tuổi thọ của cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi phí đầu tư công.

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về ĐDSH và là một trong mười trung tâm ĐDSH phong phú nhất trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, nguồn gen đặc hữu.

Thừa Thiên Huế nằm trong khu vực Trung Trường Sơn Việt Nam, được đánh giá có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH do đa dạng về sinh cảnh sống từ các hệ sinh thái núi cao, đất thấp, đất ngập nước. Không chỉ hệ sinh thái rừng tự nhiên trải dọc phía Tây, khu vực đầm phá Tam Giang được biết đến là nơi có mức độ ĐDSH cao, đặc biệt với các loài cá, thuỷ sinh và chim nước.

Gần đây, công tác bảo tồn ĐDSH đã và đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm. Từ những năm 2010, tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2010-2020 cũng như hàng loạt các kế hoạch hành động bảo tồn các nhóm loài thuộc lớp thú, lớp chim và trồng rừng ngập mặn, trồng phục hồi rừng cây bản địa dọc vùng cát ven biển, đầm phá... 

Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mức độ ĐDSH ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng có nhiều thay đổi theo thời gian. Hiện nay, ĐDSH ở Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ nhanh, các khu vực có tính ĐDSH cao đang dần bị thu hẹp về diện tích cũng như số lượng loài và các cá thể loài.

Để ứng phó với thực trạng này, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và ĐDSH.

 Nhiều giải pháp, hành động được đưa ra để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ ĐDSH. Trong đó có việc tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen. Nhất là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Chủ đề Ngày quốc tế ĐDSH năm nay còn muốn nhấn mạnh rằng để sống hài hòa với thiên nhiên, để bảo tồn ĐDSH và bảo vệ thiên nhiên có rất nhiều giải pháp và con người là một mảnh ghép quan trọng trong các giải pháp này.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN