Vấn đề này không phải mới bởi đã rất lâu rồi và hầu như là trong tất cả các cuộc họp, sau phần khai mạc là phần đọc báo cáo. Nếu không trên đọc, dưới dò thì những người ngồi dưới hoặc là đọc báo, lướt mạng, hoặc nhắn tin, chơi game, thậm chí là ngủ gật.

Xảy ra tình trạng này là do hai nguyên nhân. Một là do nội dung báo cáo thường dài và thường chú trọng phần thành tích, khó thu hút được đại biểu lắng nghe. Hai là do nhiều đại biểu còn thiếu ý thức, chưa thật sự nghiêm túc trong các cuộc họp.
Chính nội dung báo cáo dài, việc đọc báo cáo mất nhiều thời gian nên rất nhiều hội nghị kết thúc muộn. Có nhiều đại biểu bỏ về giữa chừng khi chủ tọa chưa kết luận. Do đó, để đỡ mất thời gian người tham dự, chúng tôi cho rằng, chỉ đối với những hội nghị lớn, có truyền hình trực tiếp, cần thiết phải đọc báo cáo để người dân nghe, nắm thông tin, còn lại trước khi tổ chức hội nghị nên gửi báo cáo trước cho đại biểu đọc, nghiên cứu để phát biểu, tham gia ý kiến. Hội nghị chỉ nên tập trung phần thảo luận mới đem lại hiệu quả thật sự, nếu không việc trên đọc, dưới dò sẽ khó mà chấm dứt.
Nhiều người cho rằng, vấn đề này hoàn toàn khả thi, khi mà lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng phát triển, hầu như sở, ban, ngành, địa phương nào cũng được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại, có thể kết nối internet, để chuyển tải tài liệu, đọc tin tức một cách thuận tiện.
Tâm Huệ