Rồi thanh trà, như đôi tay hiền hòa của mẹ, đón người về trong vòm xanh, như thể bầu trời mùa hạ cháy bỏng đã dịu lại.
Những con đường nhỏ nhắn uốn đi giữa những vườn thanh trà thanh vắng. Chỉ còn thanh trà thì thầm với gió, hắt lên từ sông, mang theo chút mát lành khẽ chạm đến rùng mình.
Mùa này, thanh trà đã lúc lỉu quả. Những quả thanh trà lấp ló, đong đưa, ẩn hiện... như gương mặt non tơ của những đứa trẻ chơi trò ú tìm. Lứa thanh trà sau bão và lũ đã bắt đầu căng mọng. Lớp phù sa mà thiên nhiên bù đắp nỗi đau mất mát cho cây, đã hóa thân vào lứa quả mới, như sự hồi sinh bởi một phép màu.
Nhưng với người trồng thanh trà, phép màu chính là tình yêu cây và đất của những lão nông mà với họ, có khi, những cây thanh trà còn già hơn cả tuổi tác người trồng.
Như câu chuyện của lão nông ấy, đã ba đời ăn, ngủ với thanh trà, thấy cây lớn lên, già đi. Rồi cả những cây thanh trà trẻ nhiều khi đã qua đời sớm chỉ sau một trận bão. Rồi những cây thanh trà mới lại được trồng, lại lớn lên và rồi già đi... như những vòng luân hồi.
Dưới tán xanh của vườn thanh trà hôm ấy, trong câu chuyện về thanh trà, chủ nhân khu vườn cổ lại nhắc đến một ân nhân. Một chuyên gia người Nhật đã đến Thủy Biều cách đây có lẽ gần 20 năm.
Khi ấy, thanh trà Thủy Biều chưa có lễ hội. Quả thanh trà ngon nhất Huế cũng ít người biết. Rồi chính vị chuyên gia người Nhật đến Huế cùng một dự án, đã giúp gầy dựng thương hiệu thanh trà. Đó cũng là lần đầu, quả thanh trà Thủy Biều trứ danh đã băng qua cái ranh giới của những hàng chè tàu để lên mạng xã hội, với một danh xưng, một tên miền: Thanh Trà Khóm Xanh.
Bây giờ, thanh trà Thủy Biều đã có tiếng. Phong trào trồng thanh trà từ Thủy Biều-từ thượng nguồn sông Hương-đã lan rộng đến những vùng đất trù phú dọc sông Bồ, sông Ô Lâu... Nhưng vị chuyên gia Nhật ấy thì đã đi đến những vùng đất mới. Không chờ một lời cảm ơn.
Nhớ về ông, tôi lại nhớ đến cuộc hẹn cách đây đã gần 15 năm. Khi ấy, ông cần tìm một cộng tác viên hỗ trợ cho dự án phát triển du lịch cộng đồng ở Thủy Biều.
Đó là một ngày đông Huế rất lạnh. Trong quán cà phê nhỏ, ông say sưa về những dự định, những mơ ước cho thanh trà, từ trầm tích văn hóa vườn tược, phủ đệ, lối sống của người Huế... Và ông muốn có một người giúp ông điền dã, thống kê, hỏi chuyện, ghi chép về lối sống Huế từ các bậc cao niên, để tìm bí quyết trường thọ từ lối sống xanh mà ông muốn quảng bá cho điểm đến Nguyệt Biều, Lương Quán...
Câu chuyện làm ông say sưa đến mức quên cả thời gian. Còn tôi thì sốt ruột. Sự vội vã như thể đã thành một căn bệnh. Rồi nôn nóng cắt lời, rằng cuối cùng, ông trả bao nhiêu cho công việc cộng tác ấy? Câu hỏi làm ông sững đi một lúc. Niềm hứng khởi đang dâng trào trong đôi mắt rất sáng của ông bỗng như tắt lịm.
Sau một vài tiếng ho như để lấp khoảng trống, ông dè dặt hỏi tôi đôi câu về gia đình, công việc. Và rồi cuộc hẹn kết thúc mà không có câu trả lời. Có lẽ bởi đơn giản ông nghĩ, đã không tìm thấy sự đồng điệu hay tình yêu thanh trà ở người đối diện...
Sau này, tôi mới hay, vị chuyên gia Nhật đã đến Huế làm việc tự nguyện. Chỉ vì yêu mảnh đất này, ông chưa bao giờ hỏi, rằng ông được trả bao nhiêu, khi hàng năm trời ăn, ngủ cùng thanh trà ở một vùng đất xa lạ với nước Nhật-nơi ông đã để lại gia đình-đi theo mách bảo của trái tim, về những vùng đất ông đã đến và yêu...
Cũng như lão nông thanh trà ấy, ước một lần được gặp lại người đã yêu cây thanh trà Thủy Biều, để trả một lời cảm ơn. Còn tôi, hãy còn mắc nợ thanh trà một lời xin lỗi...
KIM OANH