Thủ tướng Italy Mario Draghi (thứ 2 phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (thứ 3 phải) đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu tại Roma, Italy, ngày 21/5/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)
“Trong hơn một năm qua, thế giới đã phải đối mặt với đại dịch tàn khốc và chưa có hồi kết. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu chính của thế giới trong khả năng ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế. Cộng đồng toàn cầu đã thất bại trong việc xem xét một cách nghiêm túc mối đe dọa từ đại dịch.”
Nhận định trên được giới chuyên gia đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới diễn ra tại thủ đô Rome, Italy.
Hội nghị do Italy, Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Ủy ban châu Âu (EC) đồng tổ chức, là dịp để lãnh đạo 20 nền kinh tế G20 cùng các quốc gia khách mời, các tổ chức quốc tế, khu vực, đại diện các cơ quan y tế toàn cầu… cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó đại dịch, cũng như xây dựng và thông qua “Tuyên bố Rome."
Tuyên bố gồm 16 nguyên tắc nhằm thay đổi cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch, hướng tới định hướng tự nguyện trong hành động hiện nay và trong tương lai về sức khỏe toàn cầu.
Mục đích của tuyên bố nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó và phòng ngừa, với phản ứng mang tính phối hợp thông qua hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cam kết khai thác sức mạnh tổng hợp và tận dụng chuyên môn của các tổ chức và các nền tảng liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu, nâng cao năng lực, các thỏa thuận cấp phép và chuyển giao công nghệ tự nguyện và “bí quyết” theo các điều kiện đã thỏa thuận nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dùng để phân bổ vaccine, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm.
Tuyên bố Rome cũng đề cập đến chương trình COVAX như một phương thức để cung cấp số lượng vaccine dành tặng các nước.
Được xây dựng dựa trên kiến nghị từ cộng đồng khoa học, xã hội dân sự và sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, Tuyên bố Rome có thể đóng vai trò như một định hướng vững chắc nhằm ngăn ngừa và ứng phó các trường hợp khẩn cấp về y tế trong trong trung và dài hạn.
Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen khẳng định việc thông qua "Tuyên bố Rome” là sự kiện lịch sử và đặc biệt, thể hiện cam kết của tất cả các nước G20 về việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là chủ nghĩa đa phương, nói không với chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề y tế và đảm bảo chuỗi cung ứng luôn mở, tức là không cấm xuất khẩu.
Diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và vấn đề bất bình đẳng đang trở thành rào cản trong cuộc chiến chống dịch, hội nghị lần này cho thấy vai trò của việc tăng cường hợp tác đa phương và cùng hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai.
Hội nghị được xúc tiến dựa trên hoạt động của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt WHO, các sáng kiến đề xuất trong khuôn khổ G20 và Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7), trên hết được thúc đẩy bởi sáng kiến “Phản ứng toàn cầu trước đại dịch COVID-19” do Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát động.
Sáng kiến được đưa ra vào ngày 24/4/2020, khi cả thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID-19, nhằm thúc đẩy việc tiếp cận tiêm chủng, điều trị và xét nghiệm COVID-19 với giá phải chăng trên quy mô toàn cầu.
Sáng kiến cũng nhằm tăng cường hệ thống y tế trên diện rộng, hỗ trợ phục hồi kinh tế cho các khu vực và cộng đồng mong manh nhất thế giới.
Tại hội nghị, Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen nhấn mạnh: “Thế giới phải được chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ nhân loại khỏi các đại dịch trong tương lai. Chúng ta cần rút ra các bài học và tất cả các quốc gia cần hợp tác hơn nữa để cải thiện an ninh y tế toàn cầu.”
Tuy nhiên, ưu tiên hiện nay vẫn là chiến thắng đại dịch COVID-19.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ phải tiến hành tiêm chủng trên toàn thế giới và phải thực hiện một cách nhanh chóng bằng cách thúc đẩy các biện pháp “kiểm soát đại dịch ở khắp mọi nơi, đảm bảo vaccine tới tất cả mọi người, thông qua xuất khẩu cũng như chia sẻ khả năng sản xuất."
Trên cương vị nước chủ nhà, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh: "EU đã xuất khẩu khoảng 200 triệu liều vaccine COVID-19 tới 90 quốc gia, chiếm khoảng một nửa tổng sản lượng của khối. Tất cả các quốc gia đều phải làm như vậy. Chúng ta phải dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, đặc biệt là tới các quốc gia nghèo nhất… Và trong tương lai, chúng ta có thể sẽ cần nhiều đợt tiêm chủng hơn và việc tăng cường sản xuất là điều cần thiết.”
Kết quả nổi bật của hội nghị là việc lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, cụ thể là tăng nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn.
Các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson thông báo sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới.
EU tuyên bố hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD tập trung vào phát triển vaccine, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.
Pháp và Đức mỗi nước sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo. Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD để viện trợ quốc tế trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, dù đã thông qua “Tuyên bố Rome” kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine, hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận về đề xuất dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng không bao gồm một cam kết rõ ràng nhằm tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-A, vốn vẫn đang bị thiếu 19 tỷ USD.
Mặc dù vậy, có thể nói hội nghị này đã đạt được mục tiêu khi đề ra được những sáng kiến mang tính hỗ trợ, thúc đẩy sự chia sẻ giữa các quốc gia, cùng cam kết, cùng hành động để không chỉ vượt qua đại dịch hiện nay mà còn sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai./.
Theo Vietnam+