ASEAN cần nỗ lực tham gia vào hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

CBD là một hiệp ước thiết lập năm 1992, được 196 quốc gia thông qua, tạo nên một khuôn khổ chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vì lợi ích của cả môi trường sống tự nhiên và xã hội của con người.

Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong tiến trình bảo tồn đa dạng sinh học

Theo đó, vào ngày 11/10/2021, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ gặp nhau tại Côn Minh (Trung Quốc) để thảo luận về những thành công và thất bại trong quá khứ liên quan đến việc thực hiện hiệp ước và đưa ra hướng đi rõ ràng của hành động theo nội dung hiệp ước trong tương lai.

Trước thềm cuộc họp năm nay, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò quan trọng trong tiến trình bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển bền vững vì khu vực này là nơi có môi trường sống đa dạng nhất thế giới.

Mặc dù Đông Nam Á chỉ bao phủ 3% bề mặt Trái đất, song khu vực lại chứa đựng khoảng 20% các loài động, thực vật và sinh vật biển trên thế giới. Philippines, Malaysia và Indonesia cũng được coi là 3 quốc gia nổi bật về đa dạng sinh học nhất thế giới. Điều này có nghĩa các nước vừa nêu có nhiều loại động thực vật độc đáo.

Vừa qua, các nhà môi trường học, nhà khoa học và các nhà nhà lãnh đạo trong khu vực đang kêu gọi các chính phủ ASEAN tăng cường gấp đôi nỗ lực thúc đẩy phúc lợi của các khu vực tự nhiên.

Ngày càng có nhiều nỗ lực để thuyết phục các chính phủ Đông Nam Á nhất trí bảo vệ ít nhất 30% môi trường sống tự nhiên trên thế giới khỏi sự suy thoái vào năm 2030. Sáng kiến - hay được gọi là đề xuất về bảo tồn đa dạng sinh học có tên là 30x30 nằm trong khuôn khổ dự thảo của CBD sẽ được đàm phán bởi các nhà lãnh đạo thế giới trong năm nay.

Giới lãnh đạo của Philippines cho biết, ngày càng có nhiều sự công nhận rằng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu sẽ yêu cầu mức độ chú ý cao hơn, cũng như đầu tư nhiều hơn vào bảo tồn thiên nhiên. Do đó, cần khuyến khích tất cả các nước ASEAN công nhận đề xuất bảo vệ ít nhất 30% hành tinh như một yếu tố quan trọng của chiến lược khí hậu đầy tham vọng.

ASEAN cần hành động nhiều hơn

Mặc dù các nước ASEAN đều là thành viên của CBD và các quốc gia đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ tầm quan trọng của đa dạng sinh học và tính bền vững, song khu vực vẫn đã và đang vật lộn để thực hiện tốt các cam kết bảo vệ môi trường.

Đơn cử, ở Indonesia và Malaysia, các phương thức canh tác như đốt nương làm rẫy phổ biến trên các đồn điền trồng dầu cọ đang góp phần làm trầm trọng hóa nạn phá rừng và cháy rừng. Các ước tính chỉ ra rằng, chỉ riêng Indonesia, trong giai đoạn từ năm 2015-2018, khoảng 4,4 triệu ha rừng đã bị đốt cháy, tương đương với diện tích đất gấp 8 lần Bali.

Hành động đốt nương này mỗi năm đều tạo ra một mùa khói khổng lồ cho khu vực, ảnh hưởng lớn đến hành triệu gia đình và giải phóng hàng triệu tấn Carbon vào bầu khí quyển.

Trong khi nạn phá rừng vẫn đang là vấn đề ở một số quốc gia, bao gồm Campuchia và Myanmar, việc gia tăng xây dựng đập ở các con sông trong khu vực cũng đang tác động đến đa dạng sinh học và phúc lợi con người.

Trong nhiều thập kỷ qua, xây dựng đập tràn lan ở các con sông của Đông Nam Á đã dẫn đến sự xáo trộn nghiêm trọng cho quá trình di cư của cá và tác động mạnh đến đa dạng sinh học trên sông. Trong khi hầu hết các con đập trên sông Mekong - con sông dài nhất khu vực đã được xây dựng ở Trung Quốc, có ít nhất 9 con đập đã được lên kế hoạch xây dựng hoặc tạm thời hoãn trong khu vực hạ lưu sông Mekong, cùng với đó là 2 đập khác đang hoạt động.

Việc này khiến các cộng đồng địa phương sống dựa vào sự lên xuống tự nhiên của dòng chảy các con sông để kiếm lương thực và canh tác nông nghiệp đã chịu tác động không hề nhỏ, trong đó bao gồm cả đe dọa đến an ninh lương thực của họ.

Mặc dù nhiều chính phủ trong khối ASEAN đã sẵn sàng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về đa dạng sinh học và bền vững môi trường, hiện trạng suy thoái môi trường sống và phát triển không bền vững tiếp tục là những vấn đề lớn. Có hàng loạt các yếu tố kinh tế và xã hội góp phần làm mất đa dạng sinh học trong khu vực, với nhiều yếu tố cơ bản như gia tăng dân số, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng và mở rộng đô thị.

Nếu chính phủ các nước tập trung vào việc áp dụng các quy định môi trường mạnh mẽ, họ hoàn toàn có thể giảm thiểu các vấn đề liên quan đến mất đa dạng sinh học trong tương lai dài hơi.

Đây đều là những vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Dữ liệu cho thấy môi trường sống tự nhiên đang bị suy thoái nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới, dẫn đến tốc độ tuyệt chủng của các loài nhanh hơn.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng các xã hội cần nhanh chóng ưu tiên sử dụng năng lượng sạch và tích cực triển khai các hành động bảo tồn nhằm giảm thiểu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới, chẳng hạn như thời tiết khắc nghiệt hơn, lũ lụt trong đô thị và khan hiếm lương thực.

Với những cân nhắc này, các chính phủ khu vực sẽ đạt được nhiều thành tựu khi tập trung vào bảo tồn môi trường sống tự nhiên ở quốc gia để chống lại sự tàn phá môi trường. Hỗ trợ và chung tay thực hiện đề xuất 30x30 trong các cuộc họp CBD năm nay là một cách để các nhà lãnh đạo ASEAN có thể cho thấy sự nghiêm túc của mình trong tiến trình biến mục tiêu đạt được sự bền vững thành hiện thực.

Đan Lê (Lược dịch từ ASEAN Today)