Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung sẽ xây dựng một xưởng đúc chip mới ở Texas, Mỹ. Ảnh: NAR/Vietnamnet
Củng cố mối quan hệ đối tác kinh tế được coi là một kỳ tích lớn của Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến công du đến Mỹ để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước, mở đường để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu đầy khó khăn đối với các ngành công nghiệp trọng điểm của cả 2 nền kinh tế này. Theo đó, các doanh nghiệp 2 nước sẽ thiết lập quan hệ chặt chẽ với nhau.
Được biết, trong cuộc họp bàn tròn giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Mỹ được tổ chức trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Joe Biden ở Washington vào cuối tuần trước, bốn tập đoàn lớn của Hàn Quốc, bao gồm Samsung Electronics và SK hynix, đã công bố gói đầu tư lên tới 44 nghìn tỷ won (tương đương 39,4 tỷ USD) vào Mỹ.
Theo dự đoán, Samsung, nhà cung cấp bộ nhớ lớn nhất thế giới, sẽ rót 17 tỷ USD vào việc xây dựng một xưởng đúc chip mới ở Austin, Texas, theo một kế hoạch được công bố trong cuộc họp.
Sẽ khởi công trong quý III/2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, xưởng đúc mới của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung sẽ tăng sản lượng chip ở Mỹ để tránh lặp lại tình trạng thiếu chip. Khoản đầu tư 17 tỷ USD sắp tới sẽ đánh dấu đây là dự án lớn nhất được thực hiện ở Mỹ.
SK Hynix, một nhà sản xuất chip khác của Hàn Quốc, cũng công bố kế hoạch chi 1 tỷ USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn về trí tuệ nhân tạo và các giải pháp NAND tại Thung lũng Silicon, Mỹ.
Trong khi đó, LG Energy Solution và SK Innovation, hai nhà cung cấp pin của Hàn Quốc, cho biết có kế hoạch đầu tư khoảng 14 tỷ USD vào các dự án riêng và chung, còn Hyundai Motor công bố kế hoạch đầu tư 7,4 tỷ USD vào việc mở rộng sản xuất xe điện và hệ thống các trạm sạc điện ở Mỹ.
Về phía Mỹ, công ty hóa chất DuPont của Mỹ tuyên bố sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hàn Quốc để phát triển các vật liệu bán dẫn, bao gồm các chất quang học cho phép in thạch bản.
Tham dự cuộc họp do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức, Tổng thống Moon khẳng định Mỹ-Hàn là "các đối tác tối ưu" trong việc đảm bảo một chuỗi cung ứng ổn định, vấn đề đã trở nên đặc biệt quan trọng khi cuộc khủng hoảng COVID-19 ra.
Chính phủ Hàn Quốc cũng rất chú trọng đến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước và kêu gọi sự hỗ trợ cần thiết từ chính phủ Mỹ, yêu cầu ưu đãi thuế đối với các khoản đầu tư mới và những thông tin cần thiết về thị trường chip và pin ở Mỹ.
Theo đánh giá của Chỉnh phủ Mỹ, kế hoạch đầu tư của các công ty Hàn Quốc là một trong những cách để phát triển hơn nữa mối quan hệ Mỹ-Hàn và góp phần khôi phục chuỗi cung ứng.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên vào cuối tuần qua cũng đã quyết định chấm dứt thỏa thuận tên lửa vốn hạn chế khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo của Seoul.
Các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc chấm dứt hiệp ước tên lửa được ký giữa Hàn Quốc và Mỹ năm 1979 có thể là bước đệm để cải thiện quan hệ giữa hai đồng minh. Theo ông Shin Jong-woo, nhà phân tích cấp cao tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, kết thúc hiệp ước có nghĩa là Hàn Quốc có thể chế tạo tên lửa đạn đạo mà nước này muốn tiến hành và điều đó có nghĩa là niềm tin đã được nối lại giữa Hàn Quốc và Mỹ. Quan trọng nhất là “Washington muốn có một khởi đầu mới với Seoul”, ông cho biết.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Korea Herald)