Các nhân viên y tế đang chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: AFP/Nhandan

Ông cũng cho biết kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay đã có ít nhất 115.000 nhân viên y tế tử vong vì COVID-19, từ đó kêu gọi mở rộng quy mô tiêm chủng ở tất cả các quốc gia. “Trong gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khoẻ trên toàn thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết… Họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác, nhưng cuối cùng lại không cứu được mình”, Tổng giám đốc WHO nói.

Trong khi số lượng báo cáo vẫn còn ít ỏi, WHO ước tính rằng ít nhất 115.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khoẻ đã phải trả bằng mạng sống của mình khi phục vụ những người khác. Theo WHO, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, nhiều nhân viên y tế đã cảm thấy "thất vọng, bất lực và không được bảo vệ, thiếu khả năng tiếp cận với các thiết bị bảo hộ cá nhân và vaccine ngừa COVID-19".

Tổng giám đốc Tedros cảnh báo rằng sau 18 tháng, tình hình dịch bệnh vẫn còn bấp bênh và "với xu hướng hiện tại, số người chết sẽ vượt tổng số ca tử vong của cả năm ngoái trong vòng 3 tuần tới". Đồng thời, sẽ không có quốc gia nào thoát khỏi nguy hiểm hoàn toàn, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đạt đến bao nhiêu đi nữa. Mặc dù đến nay, chưa có biến thể nào xuất hiện làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine, các phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị, nhưng không có gì đảm bảo rằng tình hình sẽ không thay đổi. “Rõ ràng, đại dịch vẫn chưa kết thúc, và nó sẽ không kết thúc cho đến khi nào sự lây nhiễm được kiểm soát ở quốc gia cuối cùng”. 

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, hơn 167 triệu người đã nhiễm COVID-19, với hơn 3,4 triệu người đã tử vong.

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu WHO kêu gọi các nước lớn chia sẻ vaccine với các nước nghèo khi hơn 75% tổng số vaccine ngừa COVID-19 hiện nay được sử dụng chỉ ở 10 quốc gia. Ông mô tả sự bất bình đẳng tổng thể trong việc tiếp cận vaccine là “đáng xấu hổ”, đồng thời cảnh báo rằng nó đang “kéo dài đại dịch”.

Được biết, số lượng vaccine được sử dụng trên toàn cầu cho đến nay sẽ đủ để cung cấp cho tất cả các nhân viên y tế và người lớn tuổi nếu chúng được phân phối công bằng. Theo Our World in Data, hơn 1,6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, trong đó Mỹ, EU, Anh, Israel và Canada dùng gần 600 triệu liều, trong khi Trung Quốc đã sử dụng hơn 510 triệu liều.

Trong khi đó, chương trình COVAX - một cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu do WHO đồng dẫn đầu, chỉ cung cấp được 72 triệu liều cho 125 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, và con số này chỉ “đủ cho gần 1% dân số của các quốc gia đó”. Cơ chế COVAX cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể làm trì hoãn nỗ lực triển khai các chương trình tiêm chủng ở các nước nghèo hơn.

Theo đó, ông Tedros kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 tới và tăng cường số lượng đóng góp vaccine để tỷ lệ tiêm chủng đạt 30% vào cuối năm nay.

Ông nói rằng đó là “những mục tiêu tối thiểu mà chúng ta nên hướng tới” và là “yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh nghiêm trọng và tử vong, giữ an toàn cho nhân viên y tế và mở cửa lại các nền kinh tế của chúng ta”.

BẢO NGHI (Lược dịch từ AFP)