Những túi trồng nấm chỉ treo cho có?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 hình thức phát triển điện năng lượng mặt trời. Đó là dự án điện mặt trời nối lưới (có thể hiểu là hình thức đầu tư quy mô lớn) và điện mặt trời áp mái (có thể hiểu là nhà đầu tư nhỏ lẻ, kết hợp với các công trình đã có).
Khu vực làm điện năng lượng mặt trời nói trên rất có thể là một dự án phát triển điện năng lượng mặt trời kết hợp với nông nghiệp. Quan sát thực tế, phía trên là các tấm năng lượng, dưới các dàn để lắp các tấm năng lượng là các túi trồng nấm. Vào thời điểm đầu tháng 5/2021, các túi trồng nấm này không được sản xuất. Và có vẻ như chủ dự án cũng không muốn sản xuất nấm vì muốn sản xuất nấm, một yếu tố quan trọng là tạo ra độ ẩm. Ở dự án này không thấy có dấu hiệu nào cho thấy là chủ nhân muốn tạo ra độ ẩm để sản xuất nấm!
Cách đây mấy tháng, một số dự án phát triển năng lượng điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp “chui” trên địa bàn Phong Điền đã được báo chí nêu ra, tức là khi lập dự án thì có kết hợp với nông nghiệp nhưng khi thực hiện thì chỉ làm năng lượng. Không biết hiện nay tình trạng này được xử lý như thế nào. Rất có thể, đây là một dự án như vậy.
Theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam vào năm 2017, một trong những điều kiện để dự án được triển khai là “việc đầu tư xây dựng dự án nối lưới phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Những dự án nhỏ lẻ như nêu trên khó mà nằm trong trong quy hoạch của ngành điện. Cho nên, nhiều dự án “lách luật” bằng cách kết hợp với phát triển nông nghiệp. Nói một cách dễ “thuyết phục” để cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là phát triển nông nghiệp kết hợp với làm năng lượng điện mặt trời.
Nếu kết hợp được hai mục tiêu trên cùng một diện tích đất để đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn là điều cần khuyến khích. Nhưng nếu dự án vẽ ra “một cái bánh vẽ” để chỉ thực hiện một mục tiêu khai thác năng lượng điện thì cần kiểm tra, xử lý triệt để.
Những vấn đề các ngành, cấp có thẩm quyền cần kiểm tra vì chính quyền đã cấp đất cho dự án thì ngay khi phê duyệt, đã có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ như trên diện tích bao nhiêu ha, làm nông nghiệp là loại hình gì? cây trồng, vật nuôi ra sao. Rồi lắp đặt tấm năng lượng trên diện tích là bao nhiêu. Giờ đi kiểm tra, cứ chiếu vào mục tiêu của dự án, yêu cầu chủ dự án phải làm đúng.
Nếu làm nông nghiệp với mô hình ban đầu, khi xây dựng dự án không thể thực hiện được, hoặc thực hiện không hiệu quả thì có thể cho phép trong một thời gian nào đó điều chỉnh mục tiêu của dự án, nhưng nhất quyết không thể thay đổi mục tiêu ban đầu. Điều này không khó để kiểm tra và xử lý. Nếu có tình trạng núp bóng mục tiêu này để làm mục tiêu kia thì phải xử lý kiên quyết và triệt để. Nếu không làm như vậy, coi như chúng ta đã để lại một “khoảng trống về pháp luật”. Mà pháp luật như chúng ta đã biết - “bất vị thân”, không thể để tình trạng “nhờn” pháp luật được.
Bài, ảnh: Nguyên Lê