Cùng với dạy trực tuyến, nhiều trường cũng sẽ cho thí sinh thi online (Ảnh minh họa)

Đảm bảo khách quan

Vừa qua, Đại học (ĐH) Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, thành lập các hội đồng chấm bảo vệ luận án tiến sĩ online “thời” COVID-19. PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi thú y – Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết, 3 nghiên cứu sinh của khoa hiện ở Lào không thể sang Việt Nam bảo vệ luận án nên được tổ chức trực tuyến. Một tháng trước khi bảo vệ, họ phải gửi bản cứng qua đường bưu điện và file mềm qua email để các thành viên cố vấn và phản biện trong hội đồng xem trước. “Hội đồng vẫn làm việc như bảo vệ trực tiếp, chỉ khác là nghiên cứu sinh bảo vệ qua nền tảng trực tuyến. Bộ phận kỹ thuật trực để đảm bảo quá trình bảo vệ diễn ra thuận lợi”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn chia sẻ.

Cùng với bậc đào tạo sau ĐH, nhiều đơn vị đào tạo cũng tính đến phương án thi, bảo vệ khóa luận trực tuyến cho sinh viên trong bối cảnh năm học sắp kết thúc và nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp nhưng dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, khác với đào tạo sau ĐH, bậc ĐH có rất đông sinh viên. Số lượng lớn, quy mô và thời gian tổ chức nhiều hơn đòi hỏi phương án đảm bảo khách quan cũng phải được tính toán kỹ hơn.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, một số học phần có thể cho sinh viên làm tiểu luận, bài tập lớn để chấm. Riêng một số kỹ năng như nói có thể áp dụng thi trực tuyến. Để đảm bảo tính khách quan, nhà trường ứng dụng phần mềm Zoom và Google Meet, ghi âm quá trình thi. Ngoài ra, thay vì thí sinh ký tên, đòi hỏi thí sinh khi vào thi và sau khi thi vấn đáp chụp màn hình nhận diện gương mặt, mục đích để giám sát thí sinh và các công tác kiểm tra sau khi thi.

Theo PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, việc giám sát thí sinh thi trực tuyến sẽ khó hơn trực tiếp nhưng nhà trường đã có hướng dẫn cụ thể để giảng viên, sinh viên áp dụng. Đối với thi vấn đáp trực tuyến, ngoài việc điều động, phân công cán bộ coi thi, nhà trường còn phân công cán bộ điều hành thi và cán bộ giám sát. Mỗi thí sinh sẽ được bố trí đề khác nhau. Thời gian sinh viên chuẩn bị là 15 phút và thời gian hỏi thi vấn đáp không quá 10 phút. Bài thi vấn đáp do 2 cán bộ chấm thi cùng chuyên môn thực hiện, nhưng 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập, sau đó thống nhất điểm, ghi điểm vào biên bản thu bài thi và ghi điểm thi.

Điểm thi vấn đáp được công bố công khai ngay sau mỗi buổi thi. Nếu sinh viên có ý kiến gì về điểm thi thì phải trao đổi trực tiếp với 2 cán bộ chấm thi ngay khi được thông báo điểm. 2 cán bộ chấm thi trả lời công khai cho sinh viên là có điều chỉnh hay không điều chỉnh điểm thi. Sau khi buổi thi kết thúc, 2 cán bộ chấm thi và cán bộ giám sát ký xác nhận vào biên bản thu bài và ghi điểm thi rồi bàn giao cho bộ phận chức năng theo quy định.

Hình thức bảo vệ khóa luận trực tuyến cũng được áp dụng các biện pháp giám sát. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Đào tạo ĐH – Trường ĐH Sư phạm, quá trình bảo vệ của sinh viên được ghi hình và ghi âm lại. Trong trường hợp có người nhắc cho thí sinh dự thi, có thể phát hiện qua phần ghi âm để có hình thức xử lý.

Chuẩn bị kỹ đường truyền

Đối với thi và bảo vệ khóa luận của sinh viên theo hình thức trực tuyến, lo ngại lớn nhất vẫn là vấn đề đường truyền. Nhiều kịch bản đặt ra là khi gặp những vấn đề, câu hỏi khó, thí sinh có thể đổ lỗi do vấn đề đường truyền mạng. PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn phân tích, đối với nghiên cứu sinh, luôn có nhiều người (thành viên hội đồng, bộ phận kỹ thuật) phục vụ công tác bảo vệ luận án của 1 người nhưng với sinh viên, số lượng lớn đòi hỏi phải trang bị hạ tầng kỹ thuật tốt, không chỉ ở cấp trường mà còn ở cấp khoa.

Theo nhận định của cán bộ chuyên môn từ nhiều trường, vấn đề kỹ thuật là đáng lo và xác suất xảy ra các tình huống thí sinh lợi dụng yếu tố đường truyền để gian lận có thể xảy ra. Tuy nhiên, các trường cũng xây dựng các kịch bản để đảm bảo có thể áp dụng hình thức thi, bảo vệ trực tuyến trong trường hợp không thể tổ chức thi trực tiếp do dịch bệnh. Đặc biệt, các đơn vị đào tạo phải chuẩn bị, kiểm tra kỹ vấn đề đường truyền và nhắc nhở thí sinh chú ý vấn đề này.

Một trong những giải pháp cũng được hướng tới khi có sự cố đường truyền là cho thí sinh thi lại với đề thi khác để đảm bảo tính khách quan. Với những trường hợp phát hiện không trung thực, đổ lỗi cho đường truyền để tránh phần thi, sẽ có chế tài xử lý.

Theo PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, nhà trường cũng đặt ra nhiều tình huống và các cán bộ coi thi, chấm thi, giám sát cũng sẽ thực hiện nghiêm việc giám sát, xử lý các tình huống phát sinh, hướng đến một đợt thi trực tuyến nghiêm túc, đảm bảo thời gian năm học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc