Đợt sinh hoạt, tích lũy tiết kiệm hỗ trợ nhau vay vốn của phụ nữ xã Hồng Vân

Hỗ trợ trên 100 hội viên

Đến xã Hồng Vân, chúng tôi gặp chị Lê Thị Bí, một người bán hàng tạp hóa và làm nông nghiệp. Ấn tượng không chỉ bởi sự bươn chải, mà người phụ nữ thôn Ca Cú 1 này còn biết cách tận dụng nguồn vốn nhỏ vượt khó vươn lên.

Chị Bí kể: “Trước năm 2020, gia đình chị vẫn là hộ cận nghèo, nhưng đến thời điểm này, danh sách không còn tên vợ chồng chị”.

Cùng chị Bí, theo rà soát của bà Hồ Thị Thỉ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, Hồng Vân có 12 hộ đã vượt nghèo. Hỏi phương pháp, chị Thỉ cởi mở: “Năm 2016, chúng tôi triển khai phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm làm theo lời Bác, góp mỗi tháng 20 nghìn đồng/hội viên. Số tiền ấy xoay vòng hỗ trợ chị em vay vốn làm ăn. Chị Bí bổ sung vốn để buôn bán, người khác mua giống gà, lợn, dê chăn nuôi. Thế rồi, nhiều người vươn lên thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo”.

Hồng Vân là một trong những xã đầu tiên áp dụng mô hình từ phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm làm theo lời Bác. Điều đáng ngạc nhiên là từ nguồn vốn tích lũy khá ít của từng hội viên, đến nay, toàn xã đã có nguồn quỹ lên hơn 336 triệu đồng để xoay vòng hỗ trợ giúp 106 hội viên phụ nữ.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới cho biết, sau các xã tiên phong như Hồng Vân, Hồng Quảng (nay là Quảng Nhâm), thị trấn A Lưới, mô hình trên đã nhân rộng ra 18 xã, thị trấn và hoạt động rất hiệu quả.

Có nhiều xã chỉ góp mỗi hội viên 5.000 – 10.000 đồng/tháng nhưng lại giúp được hội viên có nguồn vốn vươn lên thoát nghèo. Những nơi hội viên đóng góp số tiền lớn có thể cho vay nhiều (5 – 10 triệu đồng/trường hợp), nhưng với những chi hội phụ nữ có nguồn quỹ thấp hơn, việc giúp mỗi hội viên vay 1 – 2 triệu đồng cũng đáp ứng để họ mua cây, con giống phát triển sản xuất.

Theo bà Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã A Ngo, điểm đặc biệt từ mô hình trên là lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 0,5%/năm. Số tiền hội viên phụ nữ tích góp liên tục được xoay vòng hỗ trợ nhau. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo chỉ cần có nguồn vốn ban đầu, đủ mua cặp heo giống, đàn gà để làm ăn thì trong vòng 1 năm, họ đã có thể lấy lại vốn lẫn lãi, vừa trả nợ vay từ quỹ, vừa tiếp tục phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Lan tỏa sinh kế từ nguồn vốn nhỏ

Đến nay, mức tích góp 5.000 đồng/tháng gần như không còn, nhiều chi hội phụ nữ thôn đã đề xuất tăng mức tích góp từ 10.000 đồng trở lên. Nhiều chi hội phụ nữ ở một số xã trong đó có Hồng Vân còn vận động nhau tăng mức tích góp lên 50.000 – 100.000 đồng để có nguồn quỹ lớn, giúp các hội viên phụ nữ có nguồn vốn nhiều hơn, mạnh dạn đầu tư hơn.

Nguồn vốn được tăng lên, song những bài học qua cách phát triển sinh kế từ nguồn vốn nhỏ vẫn nguyên giá trị. Theo bà Tường, qua các đợt sinh hoạt, gặp mặt, phụ nữ ở các chi hội lại chia sẻ nhau ý thức tiết kiệm, chi tiêu gia đình hợp lý và cách thức sử dụng số vốn huy động, phương pháp làm ăn từ những nguồn vốn ít. “Phương pháp mà họ động viên nhau là đừng chê số tiền ít, miễn là biết cách tận dụng nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ban đầu”, bà Tường nhấn mạnh.

Đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện mỗi vùng ở A Lưới khác nhau, vì thế phụ nữ ở từng nơi cũng hướng dẫn nhau cách làm kinh tế từ chính bài học đã trải nghiệm. Nơi nuôi gà, bò, dê, chỗ lại trồng rừng, buôn bán tạp hóa. Hình thức làm ăn có thể khác biệt, nhưng đa phần các chi hội phụ nữ đang tìm cách lan tỏa việc phát triển kinh tế từ nguồn vốn nhỏ, từng bước đẩy lùi nghèo, khó.

Theo bà Tường, sắp tới, Hội LHPN huyện A Lưới sẽ tổ chức các hội thảo liên quan để tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa những mô hình hay, hiệu quả để hội viên phụ nữ áp dụng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Sau gần 5 năm triển khai, đến năm 2020, nguồn quỹ từ các chi hội phụ nữ toàn huyện A Lưới đã đã tiết kiệm 890 triệu đồng; hỗ trợ, giúp đỡ 296 hội viên phụ nữ vay vốn làm ăn.

Bài, ảnh: MINH TÂM