Sen trắng mới đây đã được trồng thành công sau thời gian dài vắng bóng trên hồ Tịnh

Cách đây đúng một năm, hồ Tịnh Tâm - một trong những danh thắng được vua Thiệu Trị xếp vào hạng “Thần kinh nhị thập cảnh” đã được chính quyền cho chỉnh trang sau một thời gian dài ô nhiễm, xuống cấp. Một trong những việc lưu tâm lúc đó là làm sao trồng được lại giống sen trắng Huế ở nơi này như vốn đã từng có xưa kia.

Việc trồng giống sen trắng không hề đơn giản. Bởi lẽ, sen trắng là giống sen “kiêu kỳ”, không chịu được sự ô nhiễm, nguồn nước bẩn… Vì thế, từng có giai đoạn trồng nhưng thất bại.

Được sự đồng ý của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt đã lên kế hoạch bắt tay cùng người dân quanh đó hồi sinh giống sen trắng với hy vọng để không gian hồ Tịnh Tâm trở nên đẹp, đúng với nguyên xưa.

Vui sướng khi nhìn vựa sen trắng nở hoa tuyệt đẹp giữa hồ Tịnh Tâm mùa đầu tiên, chị Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt cho biết: “Để có những bông hoa tinh khiết, tỏa ngát thơm như thế là một câu chuyện dài”. Một năm về trước, chị Huệ cùng các công sự của mình đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra quyết định hồi sinh giống sen trắng xuống hồ Tịnh Tâm. Ít người hiểu rằng, họ đã bỏ biết bao nhiêu công sức để cải tạo lại tầng đáy, xử lý các mầm thực vật còn sót lại trong hồ, tạo mặt bằng cho đáy hồ,...

So với giống sen cao sản được người dân trồng trước đó, giống sen trắng này cho hoa nhỏ hơn, năng suất thấp. Do vậy người dân làm kinh tế không mấy ưa chuộng, hạn chế trồng. “Tuy nhiên vẫn có nhiều người mong muốn phục hồi giá trị văn hoá, phục hồi giống hoa quý từ xa xưa ông cha đã để lại”, chị Huệ chia sẻ.

Sau một năm trồng thử và thành công, vườn hoa sen trắng ở hồ Tịnh Tâm giờ đây đã đến giai đoạn khai thác. Sen được chị Huệ cùng cộng sự cho ướp trà ngay giữa hồ và thu hoạch sau đó để phục vụ cho khách thưởng trà ở địa phương cũng như đưa sản phẩm đi xa. 

Hồ Tịnh Tâm nay thuộc phường Thuận Thành (TP. Huế). Hồ vốn là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một vườn ngự uyển bên ngoài Đại nội của hoàng gia.

Trong chùm thơ Thần Kinh nhị thập cảnh của vua Thiệu Trị viết về 20 thắng cảnh đất kinh đô Huế, bài Tịnh hồ hạ hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm trong kinh thành Huế) xếp thứ 3. 

Mới đây, hồ Tịnh Tâm đã được cải tạo rất nhiều hạng mục và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn với người dân, du khách. Không gian của hồ cũng là nơi dự kiến sẽ trở thành sân khấu cho rất nhiều lễ hội, hoạt động văn hoá, nghệ thuật… trong thời gian tới.

Những hình ảnh được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Việc trồng sen trắng được Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt liên kết với người dân sống quanh hồ Tịnh Tâm

Khác với các loại sen cao sản, sen trắng Huế tinh khiết thanh tao, hạt rất dẻo và thơm

Sen trắng được thu hoạch sau khi trồng thành công trở lại ở hồ Tịnh Tâm

Thời điểm này, sen trắng ở hồ Tịnh Tâm đã cho hoa rất đẹp, việc ướp trà cũng được thực hiện ngay khi hoa vừa nở

Một công đoạn ướp trà vào hoa sen

Hạt sen trắng hồ Tịnh rất dẻo và thơm

Những ly trà được ướp từ sen trắng hồ Tịnh Tâm

Du khách dạo ngang hồ Tịnh Tâm chụp hình loài danh hoa xứ Huế

Rất lâu rồi sen trắng mới nở lại rực rỡ ở hồ Tịnh Tâm 

Bạn trẻ tạo dáng chụp hình bên bình hoa sen trắng trồng ở hồ Tịnh Tâm

NHẬT MINH - QUỲNH VIÊN (thực hiện)